Quản lý tài sản | 13/03/2023
4 chỉ số đánh giá sức khỏe tài chính cá nhân – Bạn đã biết?
Việc nhận thức và đánh giá sức khỏe tài chính cá nhân sớm không chỉ giúp bạn sớm lấp đầy “lỗ hổng” không mong muốn. Đồng thời, nó còn tạo nền tảng tốt cho tài chính của bạn trong tương lai. Vậy sức khỏe tài chính cá nhân được hiểu là gì? Đâu là những tiêu chỉnh để đánh giá sức khỏe tài chính? Hãy cùng DNSE tìm hiểu nhé!
Sức khỏe tài chính cá nhân là gì?
Sức khỏe tài chính cá nhân là một chỉ số thể hiện một cách tổng quan tình hình tài chính của một cá nhân. Chỉ số này được thu thập từ ba yếu tố cơ bản là chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư. Về cơ bản, con số này sẽ luôn biến đổi tùy thuộc vào sự biến động của thị trường, cũng như tình hình kinh tế trong và ngoài nước.
Việc nắm rõ tình hình sức khỏe tài chính cá nhân sẽ là một chiếc “phao cứu sinh” hiệu quả để ngăn chặn kịp thời những biến cố có thể ấp đến.
Tại sao cần đánh giá và kiểm tra sức khỏe tài chính cá nhân?
Việc kiểm tra và đánh giá sức khỏe tài chính thường xuyên sẽ giúp bạn sớm phát hiện ra những vấn đề tiềm ẩn. Từ đó, bạn có thể theo dõi và điều chỉnh kịp thời để hướng tới sự ổn định về tài chính. Cụ thể, việc kiểm tra này sẽ mang lại cho bạn những lợi ích sau:
- Phòng tránh những rủi ro: Những rủi ro thường gặp trong cuộc sống như nghỉ việc, dịch bệnh, tai nạn, bệnh tật,… đều cần một khoản tiền để chi trả. Khi đó, nếu sức khỏe tài chính đủ tốt sẽ giúp bạn xoay sở và ổn định hơn trong cuộc sống.
- Tối ưu việc chi tiêu: Việc kiểm tra sức khỏe tài chính cá nhân giúp bạn đánh giá và quản lý chi tiêu trong 1 tháng chặt chẽ hơn. Đồng thời, việc này còn giúp bạn tiết kiệm tiền cho những mục tiêu dài hạn.
- Xây dựng cuộc sống độc lập, tự chủ: Việc đánh giá sức khỏe tài chính cá nhân còn giúp bạn tự chủ tài chính hơn. Từ đây, bạn có thể xây dựng một cuộc sống độc lập, có kế hoạch chi tiêu, tích lũy và đầu tư rõ ràng. Nhìn một cách sâu rộng, quản lý tài chính tốt là một bước đệm để bạn có thể nhanh chóng đạt được mục tiêu tự do tài chính.
4 chỉ số đánh giá sức khỏe tài chính cá nhân
Chỉ số nợ
Chỉ số nợ được hiểu là con số giúp xác định tổng số nợ liên quan đến tài sản. Hiện nay, các tổ chức tài chính như ngân hàng, công ty cho vay tín chấp đều sử dụng chỉ số nợ để đánh giá các khoản vay của khách hàng.
Thông thường họ sử dụng các công cụ như chỉ số nợ trên tài sản, chỉ số nợ trên thu nhập và chỉ số thanh toán dịch vụ tín chấp để đánh giá một cách chính xác nhất.
Chỉ số nợ = Tổng nợ / Tổng tài sản
Về cơ bản, nếu số dư tín dụng tăng thì hệ số nợ cũng tăng. Bởi lẽ khi xài thẻ tín dụng cũng đồng nghĩa với việc bạn đang mượn tiền của ngân hàng để chi trả. Do đó chỉ số nợ sẽ tăng lên.
Ví dụ: Khi bạn dùng thẻ tín dụng để thanh toán một khoản phí 1 triệu đồng. Tức là bạn đã vay ngân hàng 1 triệu đồng, chỉ số nợ của bạn tăng lên, nhưng tổng tài sản của bạn vẫn không thay đổi. Tuy nhiên, trong trường hợp bạn có tài sản tích lũy thì số tài sản này sẽ giảm xuống.
Nhìn chung, các chỉ số trả nợ và chỉ số trả nợ tín dụng đều được các tổ chức tài chính sử dụng để đánh giá sức khỏe tài chính của người đi vay. Từ đó xác định rõ ràng hơn về độ tín nhiệm của họ trong tương lai – Liệu có thể trả hết nợ cho bên cho vay hay không?
Chỉ số tiết kiệm
Chỉ số tiết kiệm là con số đánh giá chính xác nhất phần trăm tiết kiệm là bao nhiêu trên tổng số thu nhập.
Chỉ số tiết kiệm = Số tiền tiết kiệm / Thu nhập đã trừ thuế
Chỉ số tiết kiệm có thể âm trong trường hợp dòng tiền chi vượt quá dòng tiền thu. Lúc này, sức khỏe tài chính của bạn sẽ lâm vào tình trạng báo động. Theo nhận định của các chuyên gia tài chính, hàng tháng bạn nên dành ra ít nhất 10% cho tiết kiệm để đảm bảo sức khỏe tài chính cá nhân cho mình.
Chỉ số đầu tư
Chỉ số đầu tư đánh giá tỷ lệ phần trăm đầu tư so với thu nhập cá nhân là bao nhiêu.
Chỉ số đầu tư = Tổng thu nhập (đã trừ thuế) – chỉ số tiết kiệm – chỉ số nợ – các khoản chi phí khác
Chỉ số đầu tư này có thể âm, bằng 0 hoặc dương. Bởi lẽ nó còn tùy thuộc vào tình hình tài chính và mức độ chịu đựng rủi ro của mỗi người. Chỉ số đầu tư sẽ luôn đi liền với tỷ lệ rủi ro. Tức là, chỉ số đầu tư càng cao thì tỷ lệ rủi ro cũng càng lớn và ngược lại.
Trường hợp bạn đang sở hữu mức thu nhập cao và ổn định thì bạn có thể chi ra 50% thu nhập dành cho đầu tư, trong đó 30% cho đầu tư an toàn, 10% dành cho đầu tư kinh doanh và 10% dành cho đầu tư mạo hiểm. Trường hợp thu nhập thấp hơn thì bạn có thể dành 10% thu nhập cho đầu tư.
Chỉ số thanh khoản
Chỉ số thanh khoản được hiểu là một nhóm số liệu cho biết khả năng thanh toán nợ ngắn hạn của một cá nhân khi đi vay mà không cần phải huy động nguồn vốn từ bên ngoài. Hiểu đơn giản thì đây chính là khả năng trả nợ trong ngắn hạn bằng số tiền họ đang có mà không ngờ các sự can thiệp khác.
Tỷ lệ thanh khoản = Tài sản thanh khoản / Chi phí hàng tháng
Ví dụ: Người A cho chi phí sinh hoạt hàng tháng là 5 triệu, tổng tài sản mà họ có (cộng cả tiền tiết kiệm) là 20 triệu. Lúc này chỉ số thanh khoản = 20 / 5 = 4.
Như vậy, người này có thể xoay sở chi phí tối đa 04 tháng khi không có thu nhập.
Các cách để nâng cao sức khỏe tài chính cá nhân
Lập kế hoạch tài chính
Kiểm soát, phân bố và lên kế hoạch chi tiêu hợp lý là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để nâng cao sức khỏe tài chính của bạn. Xét một cách sâu rộng, nó không chỉ giúp bạn giữ tình hình tài chính của mình ở mức ổn định, mà cho bạn thấy được khả năng tài chính của mình ở hiện tại như nào. Từ đó, bạn có thể thiết lập các mục tiêu cụ thể để phấn đấu cải thiện sức khỏe tài chính của bản thân.
Sớm thanh khoản các khoản nợ
Việc mang trong mình những khoản nợ luôn khiến bạn phải đặn do hơn rất nhiều trong các khoản chi tiêu. Đây cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe tài chính của bạn. Lúc này việc tốt nhất bạn cần làm là sớm giải quyết dứt điểm các khoản nợ nần.
Hãy ngồi xuống và liệt kê các khoản nợ mà mình đang mắc phải theo trình tự từ lớn đến nhỏ. Sau đó bạn hãy chủ động lên kế hoạch để hoàn thành các khoản nợ nhỏ trước để đảm bảo rằng chúng sẽ không phát sinh thêm. Tiếp sau đó là bạn hãy tính đến việc trả các món nợ lớn hơn. Chỉ có như vậy mới giúp bạn dần thu hẹp được các khoản nợ và nâng cao sức khỏe tài chính cá nhân cho mình.
Thành lập quỹ dự phòng
Trên thực tế, rủi ro là điều rất khó để tránh khởi. Nhưng làm thế nào để giảm thiểu rủi ro xuống mức thấp nhất mới là điều đáng để nói tới. Lời khuyên trong trường hợp này là bạn nên dành ra ít nhất 10% thu nhập hàng tháng để cho vào quỹ dự phòng cá nhân.
Thay vào đó, bạn cũng có thể tham gia các gói bảo hiểm có quyền lợi chi trả viện phí hoặc bồi thường thiệt hại khi có rủi ro xảy ra. Có như vậy, bạn có thể an tâm trong việc đảm bảo sức khỏe tài chính cá nhân của mình không bị ảnh hưởng khi không may rủi ro ập đến.
Đặt mục tiêu tài chính rõ ràng, cụ thể
Xây dựng mục tiêu tài chính rõ ràng, cụ thể trong vòng từ 3 – 5 năm tới sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan nhất về khả năng tài chính bạn mong muốn đạt được trong tương lai. Đó cũng là động lực để bạn có thể phấn đấu hơn trong sự nghiệp khi đã xác định rõ mong muốn của mình là gì.
Tích cực tham gia các hoạt động đầu tư
Phải thừa nhận rằng, hiện nay đầu tư là một trong những cách thức gia tăng thu nhập phổ biến và hiệu quả hàng đầu, giúp bạn có thể đa dạng hóa nguồn thu nhập của mình. Đầu tiên bạn có thể bắt đầu với các khoản đầu tư nhỏ hoặc các kênh đầu tư có mức độ rủi ro thấp như quỹ tiết kiệm ngân hàng.
Sau khi bạn đã tích lũy đủ kinh nghiệm và kiến thức thì có thể chuyển sang một số loại hình đầu tư khác với mức độ rủi ro cao hơn để đổi lấy mức lợi nhuận hấp dẫn hơn như thị trường chứng khoán, bất động sản,…
Tạm kết
Trên đây là 4 chỉ số cũng như những bí quyết giúp bạn có thể nâng cao sức khỏe tài chính cá nhân của mình. Hy vọng rằng, bài viết này của DNSE có thể mang lại cho độc giả nhiều thông tin và kiến thức hữu ích.