Kinh tế | 31/05/2022

Bẫy thanh khoản là gì? Mối quan hệ giữa bẫy thanh khoản và giảm phát

Bẫy thanh khoản là một khái niệm quen thuộc trong kinh tế. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ bản chất và ảnh hưởng của nó tới nền kinh tế. Trong bài viết này, DNSE sẽ cung cấp cho bạn đọc kiến thức bẫy thanh khoản là gì. Cùng với đó là những vấn đề liên quan tới mối quan hệ giữa giảm phát và bẫy thanh khoản. Các bạn hãy tham khảo nhé. 

Bẫy thanh khoản là gì? 

Thanh khoản (trong tiếng Anh là Liquidity), chỉ mức độ một tài sản có thể giao dịch mua bán trên thị trường. Trong đó, những giao dịch này không làm ảnh hưởng đến giá trị vốn có của tài sản.

Đơn giản hơn, thanh khoản là khả năng chuyển đổi thành tiền mặt của một tài sản cụ thể khi được giao dịch trên thị trường. 

Bẫy thanh khoản trong tiếng Anh là Liquidity Trap. Đây là tình huống xảy ra khi Ngân hàng Trung ương bơm tiền nhằm kích thích kinh tế nhưng thất bại do cầu tiền trên thị trường khi này giảm thấp (không có). Trong trường hợp này, lãi suất danh nghĩa hạ thấp gần mức 0 khiến người dân có xu hướng tiết kiệm tiền mặt nhiều hơn là đầu tư. Chính sách tiền tệ mở rộng mất đi tác dụng khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Ba dấu hiệu của bẫy thanh khoản là gì?

Bẫy thanh khoản là tình huống NHTW bơm tiền kích thích nền kinh tế nhưng thất bại
Các dấu hiệu của bẫy thanh khoản

Có ba dấu hiệu chúng ta có thể áp dụng để nhận biết bẫy thanh khoản. Chúng bao gồm: 

Lãi suất danh nghĩa tiến gần hoặc bằng 0

Khi lãi suất quá thấp (gần như bằng 0) trong một thời gian, nhà đầu tư sẽ cho rằng lãi suất sẽ không thể tăng lên. Do vậy, họ có xu hướng nắm giữ tiền mặt nhiều hơn là đầu tư hay mua trái phiếu. 

Chính sách tiền tệ mất hiệu quả

Chính sách nới lỏng tiền tệ hay Ngân hàng Trung ương bơm tiền cho nền kinh tế cũng không thể cải thiện tình hình. Bởi trong thời kỳ suy thoái, người dân/doanh nghiệp không có nhu cầu và tự tin để có thêm các khoản vay dù lãi suất đang rất thấp. Trong khi đó, các Ngân hàng thương mại cũng không muốn gia tăng các khoản nợ xấu

Xảy ra giảm phát

Khi xảy ra bẫy thanh khoản, lãi suất danh nghĩa sẽ tiến đến gần 0. Nên cung tiền không thể chuyển thành nguồn cho đầu tư. Chính sách tiền tệ cũng mất đi tác dụng vốn có, người dân thận trọng hơn trong việc chi tiêu. Lúc này, lượng cầu trong nền kinh tế cũng giảm đáng kể. Điều này dẫn đến hiện tượng giảm phát

Bốn nguyên nhân dẫn đến bẫy thanh khoản là gì?

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình huống bẫy thanh khoản trên thị trường. Và chúng ta có thể tóm gọn lại chúng trong 5 lý do sau đây: 

Bốn nguyên nhân dẫn đến bẫy thanh khoản
Bốn nguyên nhân dẫn đến bẫy thanh khoản
  • Doanh nghiệp, người dân kỳ vọng xảy ra giảm phát: Khi người dân, doanh nghiệp hay ngân hàng kỳ vọng vào việc giảm phát (tức là giá cả giảm đi), họ thường có xu hướng nắm giữ tiền mặt nhiều hơn. Khi này, giá trị thực của tiền họ nắm giữ sẽ tăng. Họ càng nắm giữ lâu dài với mong đợi tiền vượt xa giá trị nhiều hơn nữa trong tương lai. 
  • Tập trung tiết kiệm hơn đầu tư: Trong một nền kinh tế suy thoái, người dân có xu hướng thích tiết kiệm hơn là bỏ tiền để đầu tư và chi tiêu. Các chủ thể nền kinh tế đều quan tâm đến việc tích trữ, đề phòng rủi ro trên hết. Các ngân hàng thương mại cũng ngần ngại hơn trong việc cho vay. Bởi mối lo ngại người dân/ doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, phá sản. Trong khi đó, các doanh nghiệp cũng mất đi nguồn vay, khó tiếp cận được với nguồn vốn để cải thiện và phát triển tình hình kinh doanh. 
  • Ngân hàng bị khủng hoảng tín dụng: Khi các ngân hàng bị khủng hoảng tín dụng, họ sẽ rất hạn chế các khoản cho vay. Vì lúc này, họ sẽ tập trung vào việc củng cố tài sản để làm đẹp bảng cân đối kế toán của mình hơn là gia tăng gánh nặng ở các khoản cho vay tín dụng. 
  • Trái phiếu kém hấp dẫn: Giá của trái phiếu tỷ lệ nghịch với lãi suất của chúng. Trong một thị trường đang ở đà suy thoái, nhà đầu tư thường tin rằng tình hình sẽ khó cải thiện và diễn biến xấu hơn trong tương lai. Khi đó, thay vì nắm giữ trái phiếu, họ thường có xu hướng thích tiền mặt hơn. Điều này khiến trái phiếu kém hấp dẫn và giá của nó sẽ giảm đi. 

Ba biện pháp để thoát khỏi bẫy thanh khoản là gì?

Bẫy thanh khoản kéo theo rất nhiều vấn đề trong nền kinh tế, trong đó suy thoái, giảm phát là hai điều khó tránh khỏi. Theo các các nhà kinh tế học nổi tiếng như Paul Krugman, Keynes, phương pháp để thoát khỏi bẫy thanh khoản như sau: 

Các biện pháp tránh bẫy thanh khoản hiệu quả
Các biện pháp tránh bẫy thanh khoản hiệu quả

Theo luận điểm của Paul Krugman 

Với quan điểm của Paul Krugman, tạo ra lạm phát kỳ vọng là một phương pháp hữu hiệu giúp nền kinh tế thoát khỏi bẫy thanh khoản. 

Các cách để tạo ra lạm phát kỳ vọng bao gồm:

  • Phá giá nội tệ
  • Tăng trưởng cung tiền nhanh hơn
  • Tăng thuế tiêu dùng
  • Theo đuổi mục tiêu lạm phát

Theo quan điểm của Keynes

Chính sách tài khóa mở rộng sẽ giúp nền kinh tế tránh khỏi bẫy thanh khoản. Khi nền kinh tế xuất hiện giảm phát, nguyên nhân chủ yếu do tác động của sụt giảm tổng cầu. Giảm phát khiến lãi suất tiến gần hoặc bằng 0. Nó tạo ra bẫy thanh khoản và gây rắc rối cho nền kinh tế. 

Mục đích sử dụng chính sách tài khóa mở rộng nhằm kích thích tăng tổng cầu. Qua đó giúp bù đắp cho các khoản tiêu dùng tư nhân. 

Chính sách tài khóa mở rộng bao gồm các hành động :  

  • Cắt giảm thuế 
  • Kích thích nhu cầu chi tiêu
  • Tăng chi tiêu của Chính phủ 

Theo quan điểm của các nhà kinh tế học khác

Chính sách nới lỏng tiền tệ là biện pháp giúp nền kinh tế thoát khỏi tình trạng bẫy thanh khoản. Cụ thể, giải pháp nới lỏng định lượng Quantitative Easing (QE), tăng cường mua trái phiếu Chính phủ dài hạn, trái phiếu tư nhân là những điều được các nhà kinh tế học ưu tiên. Giải pháp này có tác dụng kích thích nhu cầu đầu tư của người dân và khơi dậy lại niềm tin của họ vào nền kinh tế. 

Mối quan hệ tương quan hai chiều giữa bẫy thanh khoản và giảm phát

Giảm phát là tình trạng giá cả chung của nền kinh tế bị giảm xuống liên tục. Nó thường xuất hiện trong một nền kinh tế suy thoái. Và mối quan hệ giữa giảm phát và bẫy thanh khoản là mối quan hệ tương quan hai chiều. Nghĩa là tình trạng giảm phát tạo ra bẫy thanh khoản và ngược lại. 

Mối quan hệ giữa bẫy thanh khoản và giảm phát
Mối quan hệ giữa bẫy thanh khoản và giảm phát

Giảm phát tạo ra bẫy thanh khoản

Khi nền kinh tế xảy ra giảm phát sẽ khiến lãi suất danh nghĩa tiền đến gần hoặc bằng 0. Điều này khiến cung tiền không thể chuyển đổi thành chi tiêu và đầu tư, chính sách tiền tệ cũng mất hiệu quả. 

Tình hình giảm phát kéo dài với lãi suất thấp tạo ra suy thoái nền kinh tế. Suy thoái và giảm phát kéo dài khiến cho chính sách tiền tệ mất tác dụng, tạo ra bẫy thanh khoản trên thị trường. 

Bẫy thanh khoản tạo ra giảm phát

Trong một nền kinh tế tồn tại bẫy thanh khoản, người tiêu dùng/doanh nghiệp/ngân hàng sẽ bắt đầu dự trữ tiền nhiều hơn đầu tư. Xu hướng tiết kiệm tăng cao khiến lượng tiền chi tiêu bị giảm. Tổng cầu từ đó cũng giảm. Điều này khiến xảy ra tình trạng giảm phát. 

Bài viết trên đã cung cấp cho bạn những kiến thức về bẫy thanh khoản là gì. Và bạn cũng biết thêm về mối quan hệ tương quan hai chiều giữa bẫy thanh khoản và giảm phát. Hãy theo dõi DNSE để cập nhật thêm nhiều kiến thức hữu ích khác nhé. 

ads-3
share facebook
Author

Tác giả:

Nguyễn Thị Hậu

Đã đóng góp: 1 bài viết

Bài viết liên quan