Quản lý tài sản | 19/12/2024
Những phương pháp để quản lí chi tiêu gia đình hiệu quả
Tương tự như quản lý tài chính cá nhân, việc quản lý chi tiêu cho gia đình phù hợp là điều mà các cặp vợ chồng trăn trở. Gia đình càng đông người thì kế hoạch càng cần chi tiết, cụ thể để chi tiêu cân bằng, hợp lý. Có rất nhiều phương pháp quản lý chi tiêu phù hợp theo từng hoàn cảnh.
Quản lý chi tiêu gia đình có khó như tưởng tượng?
Quản lý chi tiêu gia đình là bài toán khó hay dễ còn tùy thuộc vào cách mà bạn lập kế hoạch. Như đã đề cập phía trên, bản chất của quản lý chi tiêu gia đình cũng có những điểm giống so với quản lý chi tiêu cá nhân. Tuy nhiên đây là bài toán lớn hơn, gồm nhiều khoản chi tiêu hơn. Bạn có thể áp dụng các phương pháp quản lý tài chính cá nhân để giải quyết vấn đề này.
Phương pháp quản lý chi tiêu phổ biến là 50/20/30. Tức là với tổng thu nhập là 100%, bạn có 50% cho nhu cầu cần thiết, 30% cho các sở thích cá nhân và 20% tiết kiệm.
Một vấn đề thường thấy nữa đó là quyết định về người quản lý chi tiêu ai sẽ làm người quản lý chi tiêu? Đó là vợ, chồng hay cả hai? Điều này là tùy vào sự lựa chọn của hai vợ chồng, nhưng cần đảm bảo trách nhiệm rõ ràng. Ví dụ: Vợ/chồng sẽ giữ tiền hết, hoặc vợ chi tiền sinh hoạt, chồng chi trả các khoản còn lại.
Ngoài ra, quỹ dự phòng cũng là vấn đề quan trọng cần quan tâm trong gia đình. Bạn cần đảm bảo dự trữ đủ số tiền cho các trường hợp rủi ro như ốm đau hay có sự cố về tài chính,…
Các phương pháp quản lý chi tiêu gia đình hiệu quả
JARS – 6 chiếc lọ tài chính
Phương pháp JARS – 6 chiếc lọ chia thu nhập của bạn ra làm 6 mục:
- Chi tiêu thiết yếu (55%): Ăn uống, đi lại, xăng xe, hóa đơn điện, nước,…
- Giáo dục (10%): Khóa học, tài liệu, học phí cho con cái,..
- Quỹ tiết kiệm (không phải trường hợp khẩn cấp) (10%): Mua nhà, mua xe,…
- Hưởng thụ (10%): Các hoạt động vui chơi, giải trí.
- Tự do (10%): Khoản chi tiêu tùy ý như du lịch, nghỉ hưu sớm,…
- Hoạt động xã hội (5%): Hoạt động cộng đồng, từ thiện,…
Ví dụ, tổng ngân sách chi tiêu của gia đình bạn là 30 triệu. Bạn có thể phân chia ngân sách như sau:
- 16.5 triệu cho các nhu cầu thiết yếu như ăn uống, đi lại, xăng xe, hóa đơn điện, nước,…
- 3 triệu dành cho các hoạt động giáo dục
- 3 triệu dùng để tiết kiệm với mục đích mua nhà, mua xe,..
- 3 triệu cho các hoạt động vui chơi, giải trí.
- 3 triệu là các khoản chi tiêu tùy ý như du lịch, nghỉ hưu sớm,…
- 1.5 triệu dùng cho hoạt động cộng đồng, từ thiện,…
Tỷ lệ phân bổ trên cơ bản là để tham khảo. Bạn có thể tùy chỉnh dựa theo nhu cầu thực tế. Tuy nhiên, hãy ưu tiên những khoản cố định hàng tháng như tiền nhà, tiền điện, tiền nước, đi lại,… và không “vung tay quá trán” các khoản không thật sự cần thiết.
Phương pháp Kakeibo Nhật Bản
Kakeibo là một người Nhật nổi tiếng với phương pháp tiết kiệm, quản lý tài chính. Nó được thực hiện bằng cách ghi chép lại các chi tiêu của bản thân và phân nó vào các nhóm bao gồm:
- Chi phí thiết yếu: ăn uống, xăng xe, đi lại,…
- Chi phí không thiết yếu: ăn nhậu, mua sắm,…
- Chi phí đầu tư: học tập, sức khỏe, con cái,…
- Chi phí phát sinh: đám cưới, đám ma,…
Sau đó, bạn hãy xem xét lại chi tiêu của mình sau đó trả lời những câu hỏi sau:
- Mình còn bao nhiêu tiền?
- Mình đã tiêu bao nhiêu tiền trong tuần qua?
- Mình cần tiết kiệm bao nhiêu?
- Nên giảm bớt khoản nào và làm gì để tăng thu nhập?
Với phương pháp này, bạn có thể kiểm soát chi tiêu của mình một cách chi tiết. Cùng với đó, bạn cũng có thể rèn luyện thói quen xem lại các khoản chi, cân nhắc mức độ cần thiết của chúng để từ đó điều chỉnh lại vào thời gian sau.
Phương pháp 50/50
Phương pháp này khá đơn giản, phù hợp cho những gia đình không có quá nhiều mục cần chi. Bạn hãy chia tổng thu nhập ra làm 2 phần bằng nhau: phần chi tiêu và phần tiết kiệm.
Phương pháp 50/20/30
Phương pháp quản lý chi tiêu phổ biến nhất hiện nay là phương pháp 50/20/30.
- 50%: chi cho các khoản thiết yếu: ăn uống, đi lại, nhà ở,…
- 20%: chi cho các khoản tài chính: trả nợ, quỹ dự phòng,…
- 30%: chi cho các khoản phục vụ mục đích cá nhân: du lịch, mua sắm,…
Nếu như hai vợ chồng đã có con thì khoản thiết yếu sẽ có thể tăng lên 70 – 80%.
Ví dụ, tổng ngân sách chi tiêu của gia đình bạn là 30 triệu/tháng. Vậy bạn có thể dành:
- 15 triệu cho các nhu cầu thiết yếu như ăn uống, đi lại,..
- 6 triệu để trả nợ, dự phòng,..
- 9 triệu dành để chi các khoản mục như sắm sửa đồ mới, du lịch,..
Các mẹo để quản lý chi tiêu gia đình thông minh hơn
Bạn nên lập kế hoạch chi tiêu dựa trên số liệu từ 1 – 2 tháng trước để sát với thực tế. Ngoài ra, một khi đã lập kế hoạch thì hãy tuân thủ đúng như vậy, nếu có khoản chi tiêu vượt quá, hãy điều chỉnh lại kế hoạch.
Một số mẹo nhỏ khác nhưng rất hữu ích trong quá trình quản lý chi tiêu gia đình mà bạn có thể tham khảo:
- Chia sẻ rõ ràng về tiền bạc trong gia đình: Hãy xác định ai sẽ là người giữ tiền hoặc mỗi người quản lý một phần. Điều quan trọng là hãy chọn thời điểm phù hợp, khi cả hai đều thoải mái, sẵn sàng thảo luận về vấn đề này.
- Suy nghĩ mình kiếm được ít hơn thực tế: Suy nghĩ này sẽ hạn chế việc bạn tiêu xài quá trớn và chỉ chi tiêu vào những thứ cần thiết.
- Tạo lập ngân sách hợp lý: không nên quá tiết kiệm ở các khoản cần thiết để dẫn đến kết quả không tốt. Ví dụ: không nên tiết kiệm khoản khám sức khỏe định kỳ vì trường hợp xấu nếu bạn mắc bệnh, phát hiện kịp thời sẽ giúp bạn có phương án xử lý tốt hơn.
- Tiết kiệm thông minh: Tiết kiệm không có nghĩa là keo kiệt. Thay vì cắt tiền ăn sáng bằng cách chỉ ăn mì gói, hãy giảm bớt mua sắm không cần thiết hoặc ăn ở ngoài quá nhiều, ưu tiên tự nấu ăn tại nhà.
- Lên danh sách trước khi mua sắm: Hãy liệt kê rõ những món cần mua để tránh mua sắm lãng phí.
- Ưu tiên các khoản chi: Phân loại và sắp xếp thứ tự ưu tiên cho các khoản cần chi, đảm bảo bạn không bỏ sót những việc quan trọng.
- Đặt ra các mục tiêu tài chính chung: Cùng thảo luận và đặt ra các mục tiêu cụ thể với vợ/chồng. Sau đó, cả hai cần có kế hoạch cụ thể để đạt được những mục tiêu đó.