Chứng khoán | 31/12/2023

Bull trap là gì trong chứng khoán? 3 bước xử lý khi gặp bull trap

Bull trap – bẫy thị trường con bò – là một thuật ngữ đặc biệt trong giao dịch chứng khoán. Nếu không cẩn thận, cái bẫy này sẽ khiến nhiều nhà đầu tư thiệt hại nặng nề. Vậy hiện tượng bull trap là gì? Bull trap diễn ra như thế nào? Làm sao để nhận diện và thoát khỏi “cái bẫy” này? Hãy cùng DNSE tìm hiểu trong bài viết này nhé.

bull trap là gì
Bull trap là gì

Bull trap là gì?

“Bull trap” dịch sang tiếng Việt là “bẫy thị trường con bò”. Thị trường con bò tót dùng để miêu tả tình trạng thị trường bước vào giai đoạn tăng giá. Vậy nên, “bẫy thị trường con bò” hay “bẫy tăng giá” là một tín hiệu tăng giá giả. Đường giá sẽ phát ra tín hiệu đảo chiều tăng giá khi đang trong một xu hướng giảm. Điều này được thể hiện ở việc đường giá sẽ phá vỡ (break out) ngưỡng kháng cự gần nhất. Tuy nhiên, tín hiệu “phá vỡ” này là sai và giá cổ phiếu giảm xuống ngay sau đó.

Ví dụ về một bull trap

Nhà đầu tư bị mắc “bull trap” khi họ nhìn thấy tín hiệu break out và cho rằng giá cổ phiếu sẽ tăng. Ngay lập tức, họ mua vào với tâm lý FOMO – sợ bị bỏ lỡ. Nhưng sau đó, phe mua không thể giữ được động lực tăng giá. Lực mua giảm dần và đường giá tiếp tục quay đầu giảm. Lúc này, những người ở vị thế mua trước đó bắt buộc phải cắt lỗ. Hậu quả là bull trap đã khiến nhiều nhà đầu tư quyết định sai lầm và mất nhiều tiền bạc.

Bẫy tăng giá diễn ra trên nhiều thị trường giao dịch, bao gồm chứng khoán, ngoại hối, tiền ảo, v.v. Ngược lại với bull trap là bear trap – bẫy giảm giá. Cả hai loại bẫy này đều dễ mắc phải khi nhà đầu tư chưa có nhiều kinh nghiệm, kiến thức trong giao dịch.

Nguyên nhân của Bull trap

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng bull trap trong đầu tư chứng khoán, ba nguyên nhân chính có thể được nêu ra như sau:

  • Sự kiện bất ngờ: các phát ngôn hoặc dự báo từ chính trị giá có thể tác động mạnh mẽ đến tâm lý thị trường. Những thông tin này thường khiến nhà đầu tư tự tin rằng giá cổ phiếu sẽ tăng, dẫn đến việc họ đổ xô mua vào, tạo ra một đợt tăng giá tạm thời. Tuy nhiên, khi thông tin được làm rõ hoặc sự kiện không thực sự ảnh hưởng lớn, giá cổ phiếu có thể nhanh chóng quay đầu giảm, khiến nhiều nhà đầu tư mắc kẹt.
  • Thao túng bởi “cá mập”: Các nhà đầu tư lớn, thường được gọi là ” cá mập.” sở hữu lợi thế về vốn và thông tin. Họ có khả năng tạo ra sóng và tháo túng giá cổ phiếu để thu hút nhà đầu tư nhỏ  lẽ. Sau khi tích lũy cổ phiếu ở mức giá thấp, những ” cá mập” này sẽ đẩy giá lên cao nhằm thu lợi nhuận. Khi đạt đến ngưỡng kỳ vọng, họ sẽ bắt đầu xả hàng, khiến những nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm rơi vào bẫy.
  • Tâm lý đám đông khi bắt đáy: Bull trap cũng có thể xuất hiện khi nhiều nhà đầu tư đồng loạt bắt đáy trong bối cảnh thị trường suy thoái. Khi giá cổ phiếu giảm mạnh, tâm lý lạc quan có thể dẫn đến những đợt mua vào mạnh mẽ, đẩy giá lên vượt qua mức kháng cự. Tuy nhiên, nếu đà tăng không được duy trì, thị trường sẽ nhanh chóng quay lại xu hướng giảm, làm tổn thất cho những nhà đầu tư đã tham gia

Các giai đoạn của bull trap là gì?

Bẫy tăng giá thường xuất hiện khi đường giá đang trong xu hướng giảm. Không có quy luật tuyệt đối nào để tạo nên bull trap. Nhưng nhìn chung, bull trap sẽ trải qua 5 giai đoạn như trong hình sau.

Các giai đoạn của một bull trap

Giai đoạn 1: Đường giá đảo chiều đi lên và tiếp cận ngưỡng kháng cự.

Giai đoạn 2: Đường giá phá vỡ ngưỡng kháng cự (cây nến xanh). Nhà đầu tư cho rằng giá đã vào xu hướng tăng trở lại nên đặt lệnh mua. Thực chất, cây nến xanh này là bull trap do đường giá không thể giữ được đà tăng sau đó.

Giai đoạn 3: Lực mua yếu dần, bên mua bị áp đảo bởi bên bán. Thể hiện ở hai cây nến đỏ liên tiếp nhau, trong đó một cây có bóng nến dài.

Giai đoạn 4: Giá giảm xuống dưới ngưỡng kháng cự (nay đã trở thành đường hỗ trợ).

Giai đoạn 5: Giá giảm sâu khiến nhà đầu tư đã mua trước đó bắt buộc phải cắt lỗ. Tới đây, bull trap đã hình thành và những người không cẩn thận đã “mắc bẫy”.

Dấu hiệu của một bull trap là gì?

Bull trap được hình thành dựa trên tín hiệu giả của phân tích kỹ thuật. Nếu nhà đầu tư không hiểu rõ về các chỉ báo kỹ thuật, mô hình nến mà chỉ biết mua khi đường giá “break out” thì rất dễ bị mắc phải bull trap. Với nhiều kinh nghiệm đầu tư, bạn có thể nhận biết một số dấu hiệu của bẫy tăng giá như sau.

Mẫu hình nến

Nếu đường giá break out với một mẫu hình nến có bóng dài như nến doji thì có khả năng đây là một bull trap. Bóng nến trên dài thể hiện sự yếu thế của bên mua. Nến doji có cả bóng trên và bóng dưới dài, thể hiện sự giằng co của hai phe mua bán. Trường hợp này rất có thể động lực tăng giá sẽ không đủ để duy trì đà tăng. Ngược lại, nếu xuất hiện nến marubozu thì tín hiệu “break out” này sẽ đáng tin cậy hơn.

Sự khác nhau giữa nến Marubozu và nến Doji

Khối lượng giao dịch

Trong phiên break out có khối lượng giao dịch ít hơn mức trung bình thì nên cẩn thận. Điều này thường cảnh báo việc thiếu động lực tăng giá và có khả năng đảo chiều. Để xem được khối lượng giao dịch trung bình, nhà đầu tư có thể sử dụng chỉ báo “khối lượng giao dịch” và chọn hiển thị đường trung bình 20 phiên (MA 20).

Sử dụng chỉ báo OBV

Chỉ báo OBV (On Balance Volume) là một chỉ báo về khối lượng giao dịch. Nó đo lường động lực mua và bán hiện tại trên thị trường. Chỉ báo OBV tăng cho thấy áp lực mua cao hơn so với áp lực bán, giá có khả năng tăng. Ngược lại, OBV giảm tức là áp lực bán đang chiếm ưu thế. Lúc này, bạn cần cẩn thận với khả năng một bull trap sẽ xuất hiện.

Chỉ báo OBV trên biểu đồ giá

Cách xử lý khi gặp bull trap là gì?

Bẫy tăng giá tạo ra thiệt hại lớn với nhà đầu tư, vậy nên ai cũng muốn tránh. Tuy vậy, bull trap là một hiện tượng khá phổ biến khi giao dịch trên thị trường. Kể cả những nhà đầu tư chuyên nghiệp nhất đôi khi cũng không thể thoát khỏi bull trap. Cách để bảo vệ tài sản của bạn là biết được nên xử lý như thế nào khi gặp trường hợp này.

3 bước xử lý khi gặp bull trap

Bước 1: Xác định điểm cắt lỗ

Trước khi nhà đầu tư rót tiền, cần xác định mức cắt lỗ tương ứng với điểm mua. Điều này giúp cho nhà đầu tư có thể chủ động giảm thiểu số tiền thua lỗ trong trường hợp giá cổ phiếu quay đầu giảm. Điểm cắt lỗ đóng vai trò như một vành đai an toàn, đảm bảo nhà đầu tư có thể thoát khỏi bull trap nhanh nhất.

Bước 2: Chờ xác nhận xu hướng tăng giá

Khi nhìn thấy đường giá break out khỏi ngưỡng kháng cự, nhà đầu tư nên chờ xác nhận lại. Bạn có thể đợi đến một vài phiên sau đó để xem đường giá di chuyển như thế nào. Mô hình nến trong các phiên này sẽ giúp bạn nhận định đây có phải là bull trap không. Ngoài ra, các công cụ phân tích kỹ thuật cũng có thể góp phần đánh giá. 

Nếu những phiên sau phiên break out xuất hiện cây nến marubozu xanh với khối lượng giao dịch tăng mạnh, thì bạn có thể tin tưởng rằng xu hướng tăng giá sẽ tiếp diễn. Lúc này bạn mới nên mua vào cổ phiếu.

Bước 3: Giữ tâm lý bình tĩnh

Việc giữ một tâm lý bình thản, không chạy theo đám đông là một việc không hề dễ. Trong giao dịch, việc “chớp thời cơ” rất quan trọng. Nhà đầu tư luôn muốn mua cổ phiếu với giá thấp nhất có thể. Tuy nhiên, bạn nên ưu tiên việc quản trị rủi ro hơn có thêm một chút lợi nhuận khi mua thấp một vài giá. Bạn cần có tâm lý bình tĩnh, không hoảng loạn để đánh giá tín hiệu tăng giá có đáng tin cậy hay không. Thực hành tốt điểm này sẽ giúp bạn tránh được rất nhiều bull trap.

ads-3
share facebook
Author

Tác giả:

Trần Kim Phượng

Đã đóng góp: 1 bài viết

Bài viết liên quan