Bảo hiểm - Thuế | 10/02/2025
Các loại bảo hiểm hiện nay bạn nên biết
Bảo hiểm là công cụ phòng ngừa rủi ro phổ biến hàng đầu, giúp bảo vệ người và tài sản trước những tổn thất có thể xảy ra. Hãy cùng tìm hiểu thông tin cũng như cách thức phân loại các loại bảo hiểm hiện nay.
Bảo hiểm là gì?

Bảo hiểm là một cam kết bồi thường của bên bán cho bên mua. Bên tham gia bảo hiểm có nghĩa vụ đóng phí cho đơn vị cung cấp bảo hiểm. Đổi lại, khi có tổn thất xảy ra, cá nhân hoặc tổ chức tham gia bảo hiểm sẽ nhận được sự hỗ trợ về tài chính hoặc bồi thường thiệt hại từ công ty bảo hiểm.
Các loại bảo hiểm hiện nay
Bảo hiểm thường được phân loại theo 5 cách dưới đây:
Căn cứ vào đối tượng bảo hiểm
Bảo hiểm con người: Đối tượng bảo hiểm ở đây là tính mạng, thân thể và sức khỏe của con người ví dụ như bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe,…
Bảo hiểm tài sản: Khi xảy ra tổn thất về tài sản, bên bảo hiểm sẽ bồi thường cho người tham gia bảo hiểm một khoản tiền dựa vào giá trị thiệt hại thực tế và giới hạn bồi thường trong hợp đồng. Các loại bảo hiểm tài sản phổ biến hiện nay gồm bảo hiểm xe máy, bảo hiểm máy móc thiết bị,…

Bảo hiểm trách nhiệm dân sự: Nếu người được bảo hiểm phải bồi thường hoặc chịu trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba, thì nghĩa vụ bồi thường này sẽ được chuyển giao cho công ty bảo hiểm căn cứ theo các quy định trong hợp đồng bảo hiểm. Ví dụ như bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới, bảo hiểm trách nhiệm nhân sự chủ tàu,…
Căn cứ vào quy định pháp luật
Bảo hiểm bắt buộc: Các loại bảo hiểm được pháp luật quy định phải tham gia như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm cháy nổ,…
Bảo hiểm tự nguyện: Cá nhân hoặc tổ chức có quyền tham gia hoặc không tham gia loại bảo hiểm này và có thể tùy ý lựa chọn đơn vị nhận bảo hiểm như bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe,…
Căn cứ vào đơn vị thực hiện
Bảo hiểm thương mại
Bảo hiểm thương mại là bảo hiểm do các tổ chức thương mại thực hiện. Với loại hình này, khách hàng tham gia một cách tự nguyện và phải đóng phí đầy đủ cho công ty bảo hiểm. Ba loại hình bảo hiểm thương mại gồm bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe.
Bảo hiểm nhân thọ
Bảo hiểm nhân thọ là loại nghiệp vụ bảo hiểm liên quan đến tính mạng con người, có thể chia thành 7 loại nghiệp vụ sau:
- Bảo hiểm sinh kỳ: Bên bảo hiểm có nghĩa vụ thanh toán tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng nếu đối tượng được bảo hiểm vẫn sống đến thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng. Thông thường, công ty bảo hiểm không có nghĩa vụ chi trả bất kỳ khoản tiền nào nếu người được bảo hiểm mất mạng trước thời hạn thanh toán.
- Bảo hiểm tử kỳ: Ngược lại với bảo hiểm sinh kỳ, công ty bảo hiểm sẽ trả tiền bảo hiểm nếu người được bảo hiểm qua đời trong thời hạn đã thỏa thuận.
- Bảo hiểm hỗn hợp: gồm cả bảo hiểm sinh kỳ và tử kỳ.
- Bảo hiểm trọn đời: Công ty bảo hiểm sẽ trả tiền bảo hiểm nếu đối tượng tham gia qua đời bất kỳ lúc nào.
- Bảo hiểm trả tiền định kỳ: Người tham gia bảo hiểm được công ty bảo hiểm chi trả một khoản tiền theo định kỳ (tháng/quý/năm) nếu người đó sống đến một thời hạn nhất định.
- Bảo hiểm hưu trí: Doanh nghiệp bảo hiểm thanh toán tiền cho người được bảo hiểm khi đến một độ tuổi xác định, thường là hết độ tuổi lao động. Số tiền bảo hiểm chi trả được coi như một nguồn thu nhập bổ sung hàng tháng, giúp đảm bảo tài chính cho đối tượng tham gia bảo hiểm khi về già.
- Bảo hiểm liên kết đầu tư: Sản phẩm bảo hiểm trước những rủi ro kết hợp với đầu tư sinh lời.
Bảo hiểm phi nhân thọ
Bảo hiểm phi nhân thọ áp dụng đối với trường hợp đối tượng bảo hiểm là tài sản, trách nhiệm dân sự và các nghiệp vụ bảo hiểm khác không thuộc bảo hiểm nhân thọ. Bảo hiểm phi nhân thọ được chia thành các loại bảo hiểm dưới đây:
- Bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại: Đối tượng được bảo hiểm là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
- Bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển, đường thủy nội địa, đường bộ, đường sắt và đường hàng không
- Bảo hiểm hàng không: bảo hiểm cho những rủi ro về hàng hóa và con người khi vận chuyển bằng đường hàng không.
- Bảo hiểm xe cơ giới: Chủ xe cơ giới được bồi thường khi xảy ra rủi ro liên quan đến xe, người hoặc hàng hóa trên xe.
- Bảo hiểm cháy, nổ: cam kết bồi thường khi xảy ra tổn thất liên quan đến cháy, nổ.
- Bảo hiểm trách nhiệm: bảo hiểm cho các trách nhiệm phát sinh của người tham gia đối với tổn thất của bên thứ ba.
- Bảo hiểm tín dụng và rủi ro tài chính: là sản phẩm bảo hiểm cho những khoản vay. Theo đó, khi gặp rủi ro, bên bảo hiểm sẽ giúp người đi vay thanh toán nợ cho ngân hàng theo mức quy định.
- Bảo hiểm thiệt hại kinh doanh: bồi thường cho những thiệt hại về tài sản trong quá trình sản xuất kinh doanh.
- Bảo hiểm nông nghiệp: Đối tượng bảo hiểm là đối tượng sản xuất trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản.
Bảo hiểm sức khỏe

Loại hình nghiệp vụ bảo hiểm này giúp hỗ trợ thanh toán các chi phí y tế phát sinh trong trường hợp đối tượng bảo hiểm gặp rủi ro về sức khỏe, tính mạng hoặc tham gia chăm sóc sức khỏe tại các đơn vị cung cấp dịch vụ y tế.
Theo Luật Kinh doanh Bảo hiểm, các loại bảo hiểm sức khỏe gồm có:
- Bảo hiểm tai nạn con người: bảo hiểm trong trường hợp xảy ra thương tật hoặc tử vong do tai nạn.
- Bảo hiểm y tế: Đây là loại hình bảo hiểm sức khỏe của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ, nhằm hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh cho người tham gia bảo hiểm khi gặp rủi ro ốm đau, bệnh tật, tai nạn,…
- Bảo hiểm chăm sóc sức khỏe: hỗ trợ chi phí điều trị và trợ cấp trong trường hợp người tham gia bảo hiểm ốm đau, bệnh tật, phẫu thuật, tai nạn, thai sản,…
Bảo hiểm do Nhà nước thực hiện
Các loại bảo hiểm do nhà nước thực hiện bao gồm bảo hiểm tiền gửi, bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội.
Bảo hiểm tiền gửi
Bảo hiểm tiền gửi cam kết hoàn trả tiền cho cá nhân hoặc tổ chức có tiền gửi tại các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi tổ chức này mất khả năng thanh toán hoặc phá sản. Theo Quyết định 21/2017/QĐ-TTg, mức trả tiền bảo hiểm tối đa cho một cá nhân tại tổ chức tham gia bảo hiểm là 75.000.000 đồng (gồm cả gốc và lãi).
Bảo hiểm y tế
Đây là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng với tất cả các đối tượng được quy định tại Luật bảo hiểm y tế. Bảo hiểm y tế dùng vào mục đích chăm sóc sức khỏe cho người dân, không vì mục đích lợi nhuận do nhà nước tổ chức thực hiện.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế 2014 quy định mức đóng bảo hiểm y tế hàng tháng tối đa bằng 6% tiền lương tháng hoặc mức lương cơ sở, tùy từng đối tượng. Đối với một số trường hợp là người có công với cách mạng, hộ gia đình cận nghèo, học sinh sinh viên…, nhà nước có hỗ trợ từ 30% -100% tiền đóng bảo hiểm y tế.
Bảo hiểm xã hội

Bảo hiểm xã hội gồm bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện, nhằm thay thế hoặc bù đắp thu nhập khi người lao động gặp ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết. Bảo hiểm xã hội bắt buộc do Nhà nước tổ chức, yêu cầu cả người lao động và người sử dụng lao động tham gia, với 5 chế độ cơ bản: tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, ốm đau, thai sản, hưu trí và tử tuất. Bảo hiểm xã hội tự nguyện cho phép người tham gia tự chọn mức và phương thức đóng, với sự hỗ trợ của Nhà nước cho chế độ hưu trí và tử tuất.