Chứng khoán | 31/12/2021
Các loại chứng khoán có trên thị trường hiện nay
Chứng khoán là một lĩnh vực rất rộng. Khi nhắc tới chứng khoán, nhiều người nghĩ ngay tới cổ phiếu. Thị trường chứng khoán còn có các loại chứng khoán khác để đầu tư. Các loại chứng khoán này mang theo đặc điểm riêng biệt. Từng loại chứng khoán sẽ phù hợp với từng đối tượng đầu tư riêng biệt. Các loại chứng khoán lại có nhiều hình thức khác nhau cùng cách phân chia. Điều này có thể sẽ khiến nhà đầu tư mới gặp tình trạng bối rối. Có những loại chứng khoán nào trên thị trường Việt Nam hiện nay, hãy theo dõi bài viết dưới đây của DNSE nhé!
Cổ phiếu
Khái niệm cổ phiếu
Cổ phiếu là một tờ giấy chứng nhận có giá trị thể hiện quyền sở hữu cổ phần của người nắm giữ cổ phiếu. Hiện nay cổ phiếu có thể tồn tại dưới dạng giấy tờ hoặc được số hóa trên hệ thống.
Cổ phiếu có hai loại chính bao gồm cổ phiếu thường và cổ phiếu ưu đãi. Trong đó:
- Cổ phiếu thường hay còn gọi là cổ phiếu phổ thông. Cổ phiếu thường để xác nhận quyền sở hữu cổ phần công ty của cổ đông. Họ sẽ có quyền tham gia vào các cuộc họp, bỏ phiếu đưa ra quyết định quan trọng. Không chỉ vậy, cổ đông có quyền quản lý và kiểm soát các vấn đề lớn của công ty.
- Cổ phiếu ưu đãi hay cổ phiếu ưu đãi hoàn lại, cổ phiếu ưu đãi biểu quyết, cổ phiếu ưu đãi cổ tức. Đây là loại cổ phiếu mang lại những ưu đãi về hoàn lại vốn đã góp, quyền biểu quyết hay quyền nhận ưu đãi từ cổ tức cho người sở hữu.
Ví dụ
Công ty A phát hành 2.000 cổ phiếu. Nếu bạn nắm giữ 200 cổ phiếu A thì bạn là chủ sở hữu 10% cổ phần công ty. Còn nếu bạn có đến 1.200 cổ phiếu thì bạn đã sở hữu 60% cổ phần công ty A. Lúc này bạn sẽ là người có quyền hành lớn nhất trong công ty.
Tại Việt Nam, khi phát hành cổ phiếu sẽ có mức giá cố định là 10.000 đồng. Song, giá cổ phiếu chịu tác động trực tiếp từ thị trường nên thường có chênh lệch lớn. Do vậy khi mới phát hành, nhà đầu tư chỉ cần bỏ ra 10.000 đồng để sở hữu một cổ phiếu. Đến khi tình hình kinh doanh của công ty phát triển, giá cổ phiếu thay đổi. Bạn có thể trao đổi với các nhà đầu tư khác để mua bán cổ phiếu.
Điểm cần lưu ý là thu nhập của cổ đông phụ thuộc vào tình hình kinh doanh của công ty. Chỉ khi doanh nghiệp thực hiện kế toán kiểm toán mỗi năm bạn mới thực sự biết chính xác mức thu nhập bản thân.
Đối với một công ty thua lỗ, bạn sẽ không nhận được số tiền vốn ban đầu. Người đầu tư cổ phiếu chỉ có thể nhận lại cổ tức. Trong trường hợp này, bạn có thể từ bỏ cổ tức và bán cổ phiếu để thu về một phần tiền vốn. Nếu công ty phá sản, doanh nghiệp sẽ ưu tiên trả nợ cho người sở hữu trái phiếu. Còn các cổ đông sẽ nhận các phần tài sản thanh lý sau cùng.
Trái phiếu
Khái niệm trái phiếu
Trái phiếu là một loại chứng khoán nợ thể hiện công ty phát hành là nợ bạn một số tiền. Bạn không sở hữu cổ phần của công ty như trường hợp của cổ phiếu. Khi đến ngày đáo hạn, nhà phát hành trái phiếu có nghĩa vụ trả lại người đầu tư trái phiếu cả gốc lẫn lãi.
Ở Việt Nam, trái phiếu có thể phân loại theo nhiều cách khác nhau. Các loại chứng khoán này có thể phân chia theo một trong ba cách sau:
- Phân theo chủ thể phát hành bao gồm trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu địa phương.
- Phân theo tính chất chuyển đổi bao gồm trái phiếu chuyển đổi và trái phiếu không chuyển đổi.
- Phân theo hình thức trả lãi có trái phiếu lãi cố định, trái phiếu chiết khấu và trái phiếu thả nổi.
Ví dụ
Công ty A phát hành 10 trái phiếu A. Mỗi trái phiếu có giá 1 tỷ đồng và lãi suất 8% mỗi năm trong kỳ hạn 1 năm. Nếu bạn mua 1 trái phiếu thì bạn đã cho công ty A vay 1 tỷ trong 1 năm. Kết thúc thời gian 1 năm, số tiền lãi bạn nhận được là 80 triệu. Công ty A có nghĩa vụ trả lại bạn 1 tỷ tiền gốc và 80 triệu tiền lãi.
Thu nhập của chủ sở hữu trái phiếu sẽ không phụ thuộc vào tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp phá sản, việc ưu tiên trả nợ sẽ giảm thiểu được rủi ro cho các nhà đầu tư. So với các loại chứng khoán các, việc chuyển nhượng quyền sở hữu trái phiếu diễn ra theo thỏa thuận. Mức thỏa thuận này chỉ cần phù hợp với mức giá chung của thị trường.
Chứng chỉ quỹ
Khái niệm chứng chỉ quỹ
Chứng chỉ quỹ có sự tương đồng nhất định với cổ phiếu của công ty. Chứng chỉ quỹ cũng là chứng nhận cho sự sở hữu của nhà đầu tư và mức lợi nhuận mà nhà đầu tư được hưởng từ vốn đã góp.
Số tiền của quỹ sẽ được công ty quản lý mang đi đầu tư vào các loại tài sản. Chẳng hạn như cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản,…
Điểm khác biệt của chứng chỉ quỹ nằm ở chỗ nhà đầu tư không có quyền quyết định biểu quyết khi tham gia vào quỹ. Song, cũng vì lý do này mà nhà đầu tư chứng chỉ quỹ không đặt nặng trách nhiệm như các cổ đông.
Ví dụ
Công ty quản lý quỹ A phát hành 5 triệu chứng chỉ quỹ cho các nhà đầu tư. Mỗi chứng chỉ giá là 20.000 đồng. Bạn mua 5.000 chứng chỉ quỹ của công ty A và đến cuối năm quỹ có lợi nhuận 20%. Như vậy đến sau một năm, giá trị của chứng chỉ quỹ A bạn sở hữu sẽ là 120 triệu.
Chứng khoán phái sinh
Chứng khoán phái sinh hay còn gọi là hợp đồng quyền chọn, hợp đồng tương lai… Trên thực tế, các loại chứng khoán này không có giá trị nội tại mà phụ thuộc vào giá của một hay nhiều loại tài sản cơ sở. Khi hai bên đi đến sự cam kết, thống nhất về quyền và nghĩa vụ đối với một tài sản ở một thời điểm cụ thể ở tương lai thì đó là sự thể hiện của chứng khoán phái sinh.
Sử dụng chứng khoán phái sinh giúp ngăn chặn rủi ro về mức giá giao dịch ở tương lai. Do có sự thống nhất của hai bên từ hiện tại nên sau này dù có bất cứ thay đổi nào, mức thanh toán sẽ luôn đúng theo mức đã đề ra trong quá khứ.
Có nhiều loại phái sinh trên thế giới. Tuy nhiên, chứng khoán phái sinh tại Việt Nam hiện tại chỉ có hợp đồng tương lai chỉ số VN30. Sự thay đổi về giá trị của hợp đồng phái sinh sẽ phụ thuộc vào biến động của chỉ số VN30 trên thị trường chứng khoán cơ sở.
Chứng chỉ có nguồn gốc chứng khoán
Bên cạnh các loại chứng khoán thì các chứng chỉ có nguồn gốc chứng khoán cũng được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Các chứng chỉ này tồn tại dưới các tên gọi như chứng quyền, chứng khế, chứng chỉ thụ hưởng. Người sở hữu các chứng chỉ này có quyền mua bán hoặc thụ hưởng.
- Chứng quyền: Khi một doanh nghiệp phát hành cổ phiếu mới, giấy xác nhận mua cổ phiếu này được gọi là chứng quyền. Những đối tượng có thể sở hữu chứng quyền là các cổ đông cũ hoặc chủ sở hữu nhằm mục đích giao dịch, mua bán.
- Chứng khế: Là dạng giấy xác nhận kèm trái phiếu. Mục đích phát hành chứng khế nhằm xác định quyền mua một loại chứng khoán ở một số trường hợp nhất định.
- Chứng chỉ thụ hưởng: Để xác nhận quyền lợi nhà đầu tư trong quỹ, chứng chỉ thụ hưởng được phát hành. Nhà đầu tư có thể mua bán, giao dịch chứng chỉ thụ hưởng.
Chứng khoán nhìn chung khá đa dạng và hấp dẫn. Hy vọng nội dung trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về các loại chứng khoán hiện nay. Nếu bạn còn chưa tự tin về khả năng đầu tư của mình thì đừng quên tìm hiểu thêm những bài viết về tài chính và đầu tư trên DNSE nhé.