Chứng khoán | 31/12/2021
Các thuật ngữ trong chứng khoán cho nhà đầu tư mới (Phần 1)
Khi bạn mới tham gia vào bất kỳ ngành nghề nào, bạn cần hiểu rõ các thuật ngữ của ngành. Tương tự, khi bạn mới đầu tư vào chứng khoán, bạn cần nắm bắt các thuật ngữ trong chứng khoán. Nhiều nhà đầu tư vẫn nhầm lẫn giữa VN-Index và HN-Index. Họ có thể bối rối với “ngày T+3” hoặc “ngày giao dịch không hưởng quyền. Chỉ khi hiểu rõ các thuật ngữ trong chứng khoán, bạn mới hiểu được các thông tin trên thị trường. Từ đó, bạn nâng cao được hiệu quả đầu tư. Dưới đây là các thuật ngữ thông dụng nhất mà bất kỳ nhà đầu tư mới nào cũng nên biết.
Thuật ngữ về cổ phiếu
- Cổ phiếu: Là một tờ giấy có giá, xác nhận quyền sở hữu một phần vốn của doanh nghiệp.
- Cổ đông: Những người góp vốn vào công ty và nắm giữ cổ phiếu của công ty đó.
- Cổ phần: Số lượng nguồn vốn điều lệ mà một nhà đầu tư nắm giữ, được biểu hiện dưới dạng phần trăm.
- Cổ tức: Phần lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp được chia cho các nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu. Doanh nghiệp có thể trả cổ tức bằng tiền mặt hoặc bằng cổ phiếu. Phương án chi trả cổ tức sẽ được quyết định trong đại hội cổ đông của công ty.
- Cổ phiếu phổ thông: Loại cổ phiếu bình thường và được phát hành rộng rãi cho các nhà đầu tư cá nhân, nhà đầu tư nhỏ lẻ hoặc cả nhà đầu tư lớn. Những người nắm giữ cổ phiếu phổ thông có các quyền cơ bản như quyền biểu quyết, tự do chuyển nhượng, và quyền được trả cổ tức
- Cổ phiếu ưu đãi: Loại cổ phiếu mà người sở hữu sẽ được hưởng một số quyền lợi nhất định, như ưu đãi về cổ tức, ưu đãi hoàn lại, ưu đãi biểu quyết.
Thuật ngữ về trái phiếu
- Trái phiếu: Một công cụ tài chính huy động vốn của doanh nghiệp. Nhà phát hành (doanh nghiệp) sẽ nhận được một khoản tiền ngay lập tức bằng cách bán trái phiếu. Đồng thời, người mua sẽ nhận được một khoản tiền lãi trong một thời điểm định trước trong tương lai.
- Trái phiếu chuyển đổi: Trái phiếu có thể chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông. Trái phiếu chuyển đổi thường có lãi suất thấp hơn so với các loại trái phiếu khác. Tuy nhiên, đặc tính có thể chuyển đổi thành cổ phiếu giúp cho nhà đầu tư sở hữu được cổ phiếu của doanh nghiệp tiềm năng với giá thấp.
- Trái chủ: Thuật ngữ chỉ nhà đầu tư bỏ tiền mua và nắm giữ trái phiếu.
Thuật ngữ của các loại chứng khoán khác
- Chứng khoán cơ sở: Là các loại chứng khoán bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, các chỉ số. Các loại chứng khoán này được niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán tại Việt Nam.
- Chứng khoán phái sinh: Chứng khoán phái sinh được hiểu là một công cụ tài chính. Giá trị của chứng khoán phái sinh phụ thuộc vào giá trị của một hay nhiều loại tài sản cơ sở. Trên thị trường chứng khoán phái sinh, nhà đầu tư dự đoán giá của một loại tài sản cơ sở sẽ tăng hay giảm. Nhà đầu tư sẽ nhận được lợi nhuận nếu dự đoán đúng.
- Chứng quyền: Một loại chứng khoán cho phép người mua có quyền được mua cổ phiếu của doanh nghiệp đã niêm yết với một mức giá định trước.
- Chứng chỉ quỹ: Là một loại chứng khoán xác nhận việc góp vốn vào một quỹ đầu tư. Những người quản lý quỹ sẽ dùng tiền vốn được góp để đầu tư chứng khoán, và một phần lợi nhuận đầu tư sẽ được chia cho người nắm giữ chứng chỉ quỹ, tùy theo số lượng chứng chỉ người đó có.
- Nhà đầu tư F0: Là thuật ngữ chỉ những nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường chứng khoán, thường chưa có nhiều kinh nghiệm giao dịch và kiến thức liên quan đến kênh đầu tư này.
Thuật ngữ trong thị trường chứng khoán
- Sàn giao dịch chứng khoán: Đây là nơi các cổ phiếu được niêm yết và được giao dịch. Ba sàn giao dịch chứng khoán hiện nay là Sàn giao dịch thành phố Hồ Chí Minh (HOSE), sàn giao dịch thành phố Hà Nội (HNX) và sàn giao dịch Upcom (Upcom). Chúng được quản lý bởi Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam.
- Chỉ số VN Index: Chỉ số thể hiện giá trị vốn hóa của các công ty niêm yết trên HOSE.
- Chỉ số HNX Index: Chỉ số thể hiện giá trị vốn hóa của các công ty niêm yết trên HNX.
- Chỉ số Upcom: Chỉ số thể hiện giá trị vốn hóa của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn Upcom.
- Thời gian giao dịch chứng khoán: Các ngày trong tuần từ thứ 2 đến thứ 6, trừ các ngày lễ, Tết được quy định. Thị trường sẽ hoạt động từ lúc 9h sáng đến 15h chiều.
- Ngày T0, T+3: T0 là ngày bạn mua chứng khoán. Theo quy định thì 3 ngày sau bạn sẽ nhận được chứng khoán. Vậy nên ngày T+3 sẽ là lúc chứng khoán có trong tài khoản. Lúc này bạn có thể thực hiện các quyền như quyền mua, bán, nhận cổ tức, v.v.
- Ngày giao dịch không hưởng quyền: Trong ngày này, nhà đầu tư mua bán cổ phiếu sẽ không nhận được quyền (quyền nhận cổ tức, cổ phiếu thưởng,…). Ngoài ra, giá cổ phiếu sẽ được điều chỉnh giảm xuống trong ngày.
- Thanh khoản: Chỉ khả năng dễ dàng mua bán của cổ phiếu. Nếu một cổ phiếu có thanh khoản cao tức là đang có nhiều nhà đầu tư thực hiện giao dịch. Ngược lại, khi thanh khoản thấp có thể xảy ra hiện tượng “bán mà không có người mua”.
- Giá trị vốn hóa: Thể hiện quy mô của một doanh nghiệp. Cách tính là lấy giá trị thị trường của một cổ phiếu nhân với số lượng cổ phiếu lưu hành.
Thuật ngữ chỉ xu hướng thị trường
- Xu hướng thị trường tăng (thị trường con bò): Là khi giá của các cổ phiếu trên thị trường tăng trong một khoảng thời gian tương đối dài. Lúc này chỉ số chung của sàn chứng khoán sẽ thường tăng lên. Trong một thị trường tăng, nhà đầu tư sẽ kỳ vọng giá cổ phiếu sẽ tiếp tục tăng.
- Xu hướng thị trường giảm (thị trường con gấu): Khi giá của các cổ phiếu giảm trong thời gian dài. Điều này khiến chỉ số chung giảm theo một đường xu hướng đi xuống. Lúc này, nhà đầu tư sẽ kỳ vọng giá cổ phiếu tiếp tục giảm.
- Xu hướng thị trường đi ngang (sideway): Giá các cổ phiếu di chuyển trong một khoảng giá. Chúng tạo thành hình chữ nhật và không bứt phá ra khỏi vùng đó.
- Bull trap (Bẫy tăng giá): Một tín hiệu tăng giá giả trong một thị trường đi xuống. Thực tế, giá sẽ không đảo chiều đi lên mà sẽ tiếp tục giảm.
- Bear trap (Bẫy giảm giá): Tín hiệu giảm giá giả trong một thị trường đi lên. Thực tế, giá sẽ không giảm mà vẫn tiếp tục đà tăng.
Đây chỉ là một số các thuật ngữ trong chứng khoán cơ bản nhất mà nhà đầu tư nên biết. Vẫn còn các thuật ngữ khác mà DNSE sẽ đề cập trong bài viết tiếp theo.
Đọc thêm: Các thuật ngữ chứng khoán cho nhà đầu tư mới (Phần 2)