Chứng khoán | 11/05/2022
Cách chọn cổ phiếu tốt và áp dụng trong thực tế: 6 tiêu chí cần biết
Nếu chọn được một cổ phiếu tốt khi đầu tư chứng khoán thì cơ hội bạn có được lợi nhuận sẽ cao hơn. Nhưng làm thế nào để xác định cổ phiếu tốt? DNSE sẽ giới thiệu cho bạn 6 tiêu chí chọn cổ phiếu mà nhà đầu tư cần biết. Ngoài ra, bài viết cũng hướng dẫn bạn cách áp dụng các tiêu chí này để lọc ra các cổ phiếu tiềm năng trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thế nào là cổ phiếu tốt?
Cổ phiếu tốt là cổ phiếu có khả năng tăng giá, hứa hẹn mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư. Việc xác định một cổ phiếu tốt để đầu tư không phụ thuộc vào thị giá của nó cao hay thấp. Nếu như cổ phiếu đang có thị giá cao, ví dụ như cổ phiếu FPT và vẫn có khả năng tăng giá thì đây được coi là cổ phiếu tốt. Ngược lại, có những cổ phiếu giá rẻ chỉ 5.000, 10.000 nhưng không có tiềm năng tăng giá trong tương lai thì cũng không thể kết luận chúng là cơ hội đầu tư “ngon ăn”.
Để tìm được một cổ phiếu tốt cần tốn rất nhiều thời gian, công sức và đây là một bài toán đau đầu với nhiều nhà đầu tư trên thị trường. Vì vậy, nội dung dưới đây sẽ cung cấp một bộ tiêu chí cách chọn cổ phiếu tốt để bạn có thể áp dụng. Lưu ý, đây chỉ là một trong nhiều cách lựa chọn và chỉ phù hợp với phong cách phân tích cơ bản. Hãy tham khảo thêm những cách khác để có được quyết định chính xác nhất.
Cách chọn cổ phiếu tốt
Tiêu chí 1: Vốn hóa thị trường > 1.000 tỷ đồng
Vốn hóa thị trường là tổng giá trị của tất cả các cổ phiếu đang lưu hành của một doanh nghiệp. Tiêu chí giá trị vốn hóa thị trường lớn hơn 1.000 tỷ đồng sẽ giúp hạn chế những cổ phiếu có thị giá quá thấp (thường có tính rủi ro cao hơn), hoặc những cổ phiếu có số lượng lưu hành ít (dễ bị thâu tóm, đầu cơ bởi một nhóm người). Chỉ tiêu này có thể khiến bạn bỏ lỡ một vài cổ phiếu của các doanh nghiệp tiềm năng nhưng có vốn hóa thấp. Tuy nhiên, những cơ hội bạn bỏ lỡ sẽ ít hơn những rủi ro mà bạn có thể gặp phải.
Tiêu chí 2: Chỉ số thanh toán hiện hành (Current ratio) > 1.5
Chỉ số thanh toán hiện hành được tính theo cách sau:
Giá trị tài sản ngắn hạn / Nợ ngắn hạn
Chỉ số này cho thấy khả năng thanh toán nợ trong ngắn hạn của doanh nghiệp bằng các tài sản có tính thanh khoản cao như tiền mặt, các khoản phải thu,… Chỉ số này càng cao thì càng khẳng định khả năng trả nợ ngắn hạn của doanh nghiệp. Nhà đầu tư không phải lo về chi phí nợ vay hay lãi vay kể cả trong tình hình kinh doanh của doanh nghiệp không tốt.
Tiêu chí 3: Tăng trưởng EPS nằm trong khoảng từ 10% – 30% so với năm trước
Chỉ số EPS được dùng để phản ánh lợi nhuận mà công ty thu được trên mỗi cổ phiếu. Mức tăng trưởng EPS nằm trong khoảng 10% đến 30% là một con số hợp lý. Mức này vừa đảm bảo doanh nghiệp có tăng trưởng về lợi nhuận sau thuế tốt, vừa bỏ qua được những công ty có lợi nhuận quá đột biến (có thể do thủ thuật làm báo cáo tài chính hoặc do có nguồn thu đột biến nằm ngoài doanh thu từ hoạt động kinh doanh).
Tiêu chí 4: P/E < 12
Chỉ số P/E phản ánh mức giá mà bạn sẵn sàng bỏ ra để thu về một đồng lợi nhuận từ cổ phiếu. P/E bằng khoảng 12 là mức chung toàn thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay. Việc lọc ra các cổ phiếu có P/E thấp hơn 12 tạo ra cơ hội mua các cổ phiếu đang được thị trường định giá rẻ. Bạn sẽ có nhiều cơ hội bán chúng với giá cao hơn khi các cổ phiếu này tăng.
Tiêu chí 5: Khối lượng giao dịch trung bình ngày > 1 triệu cổ phiếu
Mức khối lượng giao dịch trung bình lớn hơn 1 triệu đảm bảo tính thanh khoản cho cổ phiếu. Tiêu chí này sẽ lọc ra những cổ phiếu mà bạn dễ dàng mua bán trên thị trường, tránh tình trạng mua cổ phiếu nhưng không bán được do “trắng bên mua”.
Tiêu chí 6: Trả cổ tức đều đặn
Việc mua cổ phiếu đang được định giá thấp đòi hỏi nhiều kiên nhẫn vì có thể thị trường sẽ cần 1 khoảng thời gian dài để nhận ra cổ phiếu này. Nếu như công ty trả cổ tức tốt, nhà đầu tư vẫn sẽ có nguồn thu nhập trong khi chờ cổ phiếu tăng giá.
Tìm cổ phiếu tốt như thế nào?
Có rất nhiều nơi để bạn tìm kiếm những cổ phiếu phù hợp với các tiêu chí trên. Có thể kể đến như: Fireant, Simplize,… Trong bài viết này, DNSE sẽ giới thiệu tới bạn công cụ sàng lọc cổ phiếu trên Investing.
Bước 1: Truy cập vào trang Sàng lọc cổ phiếu của Investing
Bước 2: Lựa chọn các tiêu chí như đã được đề cập bao gồm:
- Vốn hoá thị trường
- Khối lượng trung bình 3 tháng
- Tỷ số P/E
- EPS TTM so với TTM 1 năm trước (đo lường mức độ tăng trưởng EPS trong 12 tháng gần nhất với TTM là viết tắt tắt cho Trailing Twelve-month)
- Tỷ số thanh toán hiện thời (MRQ)
Sau đó thiết lập số liệu cụ thể như hình dưới:
Công cụ bộ lọc của Investing sẽ lọc ra một danh sách các cổ phiếu thỏa mãn những tiêu chí trên, bạn có thể kéo xuống dưới để biết được những cổ phiếu này.
Để biết được tiêu chí thứ 6, liệu các doanh nghiệp này có trả cổ tức đều đặn hay không, bạn có thể tham khảo thông tin về cổ tức trên Vietstock. Lấy ví dụ về cổ phiếu Nhựa Bình Minh (BMP):
Có thể thấy, công ty Nhựa Bình Minh trả cổ tức khá đều đặn bằng tiền mặt. Mức cổ tức nhà đầu tư nhận được dao động trong khoảng từ 3.000 – 4.000 đồng cho mỗi cổ phiếu. Đây là mức cổ tức khá hấp dẫn so với các doanh nghiệp khác trên thị trường.