Quản lý tài sản | 15/01/2025
5 cách đơn giản để tiết kiệm tiền cho học sinh, sinh viên
Quản lý chi tiêu hàng tháng là một thách thức không nhỏ đối với sinh viên, đặc biệt khi phải cân đối giữa nhiều nhu cầu thiết yếu trong khi nguồn thu nhập còn hạn chế. Vì vậy, việc nắm vững các phương pháp tiết kiệm hiệu quả là vô cùng quan trọng.
Cách tiết kiệm tiền cho học sinh, sinh viên
Bước 1: Tiết kiệm trước khi chi tiêu
Nhiều người thường có suy nghĩ là cứ việc tiêu tiền trước rồi đến cuối tháng còn dư bao nhiêu thì mới bắt đầu tiết kiệm. Đây là một tư duy cực kỳ sai lầm. Bởi lẽ nếu chi tiêu trước tiết kiệm sau, bạn sẽ chẳng còn gì để tiết kiệm vào cuối tháng cả.
Việc bạn nên làm lúc này là tính toán trước số tiền bạn có thể tiết kiệm, các khoản chi nào là bắt buộc trong tháng. Sau đó, lấy thu nhập của bạn trừ đi các khoản tiết kiệm và bắt buộc đó để biết được số tiền mà bạn có thể linh hoạt tiêu xài.
Các chi phí bắt buộc thường là tiền thuê nhà, học phí, điện nước,… Khi nhận được lương hay khoản chu cấp của bố mẹ mỗi tháng, bạn nên trích số tiền này ra để dành hoặc gửi vào tài khoản tiết kiệm. Điều đó sẽ giúp bạn giới hạn lại khoản tiêu xài của mình và đảm bảo khoản tiết kiệm hợp lý hàng tháng.
Bước 2: Lên kế hoạch chi tiêu hằng ngày
Sau khi tiết kiệm và dự trù/ chi trả cho các khoản bắt buộc, bước tiếp theo bạn cần làm đó là chia đều khoản tiền còn lại cho 30 (tương ứng với 30 ngày trong tháng). Từ đó, bạn sẽ ước lượng được trung bình mỗi ngày mình được phép chi tiêu bao nhiêu. Điều này giúp bạn có thể cân đối giữa việc chi tiêu và số tiền mình đang có.
Các khoản chi linh hoạt trong ngày thường là về ăn uống, xe cộ, xăng dầu, vật dụng cá nhân, dự trù phát sinh,…Giả sử mỗi tháng bạn có 3 triệu để chi tiêu, tức mỗi ngày bạn có khoảng 100 nghìn. Bạn cần lên kế hoạch chi tiết cho từng ngày, ví dụ: 15.000 cho bữa sáng, 30.000 cho bữa trưa, 30.000 cho bữa tối và 15.000 cho tiền gửi xe, xăng dầu. Tổng cộng mỗi ngày bạn chi khoảng 90.000, còn dư ra 10.000 để dành cho các khoản phát sinh như ốm đau, xe hỏng. Nếu áp dụng đúng, bạn sẽ có 300.000 dự trù trong tháng.
Bước 3: Ghi chép nhật ký thu chi
Bước tiếp theo bạn cần thực hiện đó là ghi chép lại các khoản thu chi một cách cẩn thận mỗi ngày. Những khoản chi nhỏ nhặt như 1-2 nghìn gửi xe cũng cần được theo dõi. Điều này sẽ giúp bạn có cái nhìn bao quát về các khoản chi, bạn sẽ biết được tiền của mình đã đi về đâu, có nhất thiết phải chi không. Để rồi từ đó, bạn mới có thể cân đối chi tiêu cho những việc quan trọng hơn, tiết kiệm được nhiều hơn.
Việc ghi chép này cũng nên áp dụng cho các khoản thu. Bạn cần nắm rõ được hiện tại bản thân đang sở hữu bao nhiêu tiền, tài khoản ngân hàng có bao nhiêu, tiền mặt có bao nhiêu. Điều này sẽ giúp bạn dễ tính toán và quản lý tiền bạc hơn.
Bước 4: Cân đối, loại bỏ các khoản chi không cần thiết
Như đã đề cập thì để tiết kiệm được nhiều tiền hơn, bạn phải theo dõi thu chi thật cẩn thận. Sau đó, bạn cần đánh giá, cân nhắc xem khoản chi nào nên loại bỏ đi, khoản chi nào nên giữ lại. Việc cắt giảm này sẽ tùy thuộc vào lựa chọn của mỗi người. Bạn càng cắt giảm được nhiều bao nhiêu thì đồng nghĩa bạn sẽ tiết kiệm được nhiều bấy nhiêu.
Những khoản chi cần thiết bạn không nên cắt giảm đó là về giáo dục và đầu tư. Chẳng hạn như mua sách đọc thêm, tham gia các khóa học nâng cao năng lực chuyên môn. Ngoài ra, bạn cũng có thể góp vốn chung với bạn bè để kinh doanh. Một điểm chung cho các khoản chi này là nó sẽ tạo ra tiền trong tương lai cho bạn.
Bước 5: Sử dụng đồng tiền một cách linh hoạt
Nếu như ở bước 2 bạn đã dự trù và lên kế hoạch chi tiêu một cách rõ ràng thì ở bước cuối cùng, bạn cần học cách linh hoạt trong chi tiêu hơn. Mặc dù chúng ta đã tính toán mỗi ngày được sử dụng 100 nghìn, thì đôi khi sẽ có những tình huống phát sinh khiến bạn phải chi tiêu nhiều hơn.
Ví dụ: Hôm nay bạn đã chi 90.000/100.000, nhưng bạn bè rủ đi uống nước. Vì là bạn thân, bạn có thể linh hoạt chi 20.000 cho hôm nay và giảm chi tiêu xuống 80.000 vào ngày mai. Đừng quá cứng nhắc trong chi tiêu, vì điều đó có thể khiến bạn mất đi những cơ hội và mối quan hệ tốt đẹp.