Kiến thức tổng quan | 15/03/2023

CHANEL – Sự kết hợp hoàn hảo giữa lịch sử, thời trang và nghệ thuật

Cái tên Chanel được biết đến như một nhãn hiệu thời trang cao cấp bậc nhất trong ngành công nghiệp thời trang nước Pháp. Hơn bất kỳ nhãn hiệu nào, Chanel mang trọn vẹn những tinh hoa của ngành thời trang cổ điển thời trước. Nhưng ít ai biết được rằng để đạt được vị trí như ngày hôm nay, Chanel đã phải đối mặt với vô vàn những thăng trầm trong hơn 100 năm lịch sử hình thành và phát triển thương hiệu.

Coco Chanel chỉ là biệt danh? Cuộc đời của người phụ nữ tạo nên thương hiệu thời trang Chanel – HVBVG

Coco Chanel – người sáng lập nên thương hiệu Chanel

Coco Chanel qua ống kính của Boris Lipnitzki
Coco Chanel qua ống kính của Boris Lipnitzki

Chanel tên thật là Gabrielle Bonheur Chanel, sinh ngày 19/8/1883 tại Saumur nước Pháp, là nhà sáng lập nên thương hiệu đẳng cấp Chanel. Sinh ra trong một gia đình thiếu thốn tình cảm, năm 12 tuổi mẹ qua đời vì bệnh lao phổi. NNhân cơ hội này, cha của bà – Albert đã quyết định gửi các con vào tu viện. Tưởng đó là tận cùng của bất hạnh nhưng may mắn thay, Chanel được các nữ tu dạy may vá, thêu thùa. Chính công việc này đã cứu rỗi cuộc đời bà.

Năm 18 tuổi, Chanel rời tu viện và đến làm việc tại một tiệm may nhỏ ở thành phố Moulins. Ban ngày thêu thùa, bạn đêm ca hát, cô thợ may còn kiêm luôn nghiệp ca sĩ phòng trà để kiếm thêm. Trong thời gian làm ca kỹ tại Vichy và Moulins, bà thường xuyên biểu diễn bài “Ai đã gặp Coco”, vì quá đặc trưng nên các khán giả cũng gọi luôn bà là “Coco idol”. Từ đây cái tên Coco Chanel ra đời và gắn liền với tên tuổi của bà.

Những cuộc gặp gỡ định mệnh

Tại đây bà gặp được Étienne Balsan – chàng cựu sĩ quan đào hoa ở Paris đồng thời là doanh nhân có tiếng trong ngành dệt. Sau khi hẹn hò với Balsan, bà được hỗ trợ nhiều về mặt tài chính. Nhà của người tình tại số 160 đại lộ Malesherbes, Paris cũng là nơi tụ tập của cánh đàn ông tầng lớp thượng lưu. Điều này giúp Coco có cơ hội gặp gỡ và giao lưu với nhân tình của họ, nhờ vậy bà có thể bán cho họ những thiết kế của mình.

Sau 3 năm chung sống, vào năm 1909 bà chia tay Balsan và tới với Arthur Edward – bạn chơi polo của Balsan, có biệt danh là “Boy” Capel. Tay chơi khét tiếng người Anh đã tài trợ cho bà một căn hộ tại Paris và giúp bà mở một cửa hàng mũ cho riêng mình vào năm 1910 với tên gọi “Chanel Mode” tại số 21 đường Cambon.

Tiệm mũ được nhiều người biết đến sau khi nữ diễn viên nổi tiếng nhất nước Pháp thời đó là Gabrielle Dorziat đội mũ của tiệm lên sân khấu. Nhờ những thiết kế độc đáo, nhiều nữ diễn viên nổi tiếng của Pháp thời đó lựa chọn giúp tạo nên danh tiếng cho Gabrielle Chanel.

Chân dung Gabrielle Dorziat
Chân dung Gabrielle Dorziat đội mũ nhà Chanel

Vài năm sau, Boy Capel lại giúp Coco mở thêm cửa hàng tại Deauville cho ra mắt dòng quần áo thể thao làm từ jersey, chất liệu thường được sử dụng làm đồ lót nam thời ấy.

Cuộc cách mạng về thời trang trong Thế Chiến thứ nhất

Trong thời gian Thế Chiến thứ I diễn ra, ngành thời trang Châu Âu bị ảnh hưởng lớn, vật liệu khan hiếm, quyền phụ nữ được chú trọng hơn. Phụ nữ dần dẹp bỏ thiết kế váy diêm dúa rườm rà hay áo corset chiết eo, họ chuyển sang mê mệt các loại áo rộng rãi nhưng vẫn sang trọng của Chanel để có thể hoạt động thoải mái hơn. Chỉ một thời gian ngắn, các mẫu thiết kế nhà Chanel đã nổi như cồn khắp Châu Âu vì nó phù hợp với cuộc sống thời đại mới. Bà hoàng phá cách cũng là người mang tới một cuộc cải tổ cho trang phục nữ khi dám diện nguyên quần âu đàn ông, hô biến vải tweed bình dân trở thành chất liệu cao cấp hay thiết kế những chiếc váy đen tuyền như quả phụ để trưng diện hàng ngày. Các sao Hollywood đua nhau diện mốt nhà Chanel lên phim ảnh, lăng xê thương hiệu trở thành một hãng thời trang cao cấp. Tạp chí Harper’s Bazaar đã thống kê rằng trang phục của Chanel có mặt trong tủ quần áo của hầu hết người dân Châu Âu.

Gabrielle Chanel mua lại tòa nhà số 31 đường Cambon
Gabrielle Chanel mua lại tòa nhà số 31 đường Cambon

Tiếp nối thành công của chính mình, Coco mở cửa hàng đầu tiên ở Biarritz, Pháp với tên gọi “Couture House” với 300 nhân công và thiết kế bộ sưu tập Haute Couture vào năm 1915. Ba năm sau, bà mua lại tòa nhà số 31 đường Cambon, tòa nhà có  một cửa hàng, salon và xưởng chế tác, bố cục vẫn được giữ nguyên tới ngày nay.

Nước hoa Chanel No.5 – Sự kết hợp hoàn hảo giữa nghệ thuật và mùi hương

Nhận thấy việc mặc đẹp thôi là chưa đủ, năm 1921, Coco Chanel đã đặt Ernest Beaux – nhà chế tạo nước hoa nổi tiếng, tạo ra một mùi hương đặc trưng cho thương hiệu của mình. Trong các mẫu thử, mẫu số 5 đã được duyệt và nổi tiếng tới ngày nay.

CHANEL N°5 - Nước hoa mang hương thơm của người phụ nữ, một sản phẩm mang tính cách mạng
CHANEL N°5 – Nước hoa mang hương thơm của người phụ nữ, một sản phẩm mang tính cách mạng

Ban đầu, nước hoa Chanel No.5 chỉ dùng để làm quà tặng nhưng do có quá nhiều người ưa chuộng, vào năm 1922, bà cho sản xuất với số lượng lớn để bán lẻ. Chính sự nổi tiếng của loại nước hoa này đã khích lệ bà kinh doanh thêm nhiều nước hoa khác đồng thời mở rộng thị trường ra khỏi Châu Âu. Để mở rộng kinh doanh bà cần nguồn vốn lớn, vì vậy Chanel hợp tác với nhà đầu tư tài chính Pierre Wertheimer. Sau khi thỏa thuận Wertheimer nắm 70%, Bader 20% và Chanel chỉ 10%, họ thành lập Công ty nước hoa Chanel (Perfums Chanel). Tuy cuộc làm ăn này bà chỉ được 10% cổ phần nhưng bù lại vẫn giúp tên tuổi của thương hiệu đi lên trông thấy. Bên cạnh đó, bà phát triển thêm mảng nữ trang và ra mắt công chúng các sản phẩm làm đẹp đầu tiên dành cho phái nữ là son và phấn phủ.

Ý nghĩa logo của thương hiệu Chanel

Logo thương hiệu Chanel
Logo thương hiệu Chanel

Năm 1925, đích thân Chanel đã sáng tạo ra logo cho hãng với biểu tượng hai chữ C lồng vào nhau. Vì không có sự giải thích rõ ràng nên có nhiều ý kiến suy đoán khác nhau. Có người cho rằng logo là chữ cái đầu trong tên người sáng lập, một số khác lại thấy rằng biểu tượng này được lấy cảm hứng từ những mẫu đồng hồ trang trí trên nhà thờ tại thị trấn Aubazine – cô nhi viện bà sống khi còn nhỏ.

Dù mang ý nghĩa gì đi nữa, biểu tượng này cũng đã trở thành đại diện cho thương hiệu với biểu tượng của sự sang trọng, đơn giản và thanh lịch.

Vực lại thương hiệu ở tuổi 71

Đang ở thời kỳ hoàng kim, Thế chiến thứ II (1939-1945) nổ ra. Ảnh hưởng của cuộc chiến đã khiến bà phải đóng cửa hiệu quần áo, chỉ kinh doanh nước hoa và trang sức. Vượt qua rất nhiều những khó khăn, cuối cùng Chanel quyết tâm vực dậy mảng thời trang bằng cách nhờ Wertheimer cấp vốn vào năm 1953. Đổi lại, ông được nắm quyền kinh doanh trong tất cả các sản phẩm của thương hiệu. Bà quyết định mở lại Couture House bằng một buổi trình diễn thời trang vào ngày 5/2/1954 với thiết kế đầu tiên trong bộ sưu tập là một bộ jersey số 5, được các tờ báo Mỹ cực kỳ chú ý.

Sự thăng hoa của Chanel dưới tay Karl Lagerfeld

Cả đời sống với đam mê và cống hiến, năm 1971 Gabrielle Chanel qua đời. Thương hiệu như “rắn mất đầu” và dần lạc lối trong các thiết kế cũ kỹ. Cho tới khi nhà Wertheimer mời được Karl Lagerfeld về làm giám đốc sáng tạo năm 1983, Chanel mới từng bước lấy lại được vị thế của mình nhờ vào những bộ sưu tập thời trang mang tính biểu tượng.

 Karl Lagerfeld - người kế vị xuất sắc của Chanel
Karl Lagerfeld – người kế vị xuất sắc của Chanel

Sản phẩm của Karl thiết kế luôn kế thừa nét cổ điển từ Chanel nhưng vẫn hiện đại hợp thời. Chanel đã mở 40 cửa hàng thời trang trên toàn thế giới trong thập niên 1980. Dưới sự lèo lái của ông, Chanel vươn lên thành thương hiệu thời trang hàng đầu thế giới.

Sau khi Karl qua đời năm 2019, vị trí của ông được thay thế bởi cặp đôi Virgine Viard và Eric Pfrunder. Viard sẽ thiết kế và lên mẫu còn Pfrunder chịu trách nhiệm hình ảnh, quảng bá sản phẩm và thương hiệu.

Đã trải qua hơn 100 năm tuổi với nhiều thăng trầm, song Chanel vẫn giữ vững vị thế của mình trở thành một mẫu mực về thời trang cổ điển và kinh điển trong làng thời trang thế giới.

ads-3
share facebook
Author

Tác giả:

Hoàng Quỳnh Anh

Đã đóng góp: 1 bài viết

Bài viết liên quan