Phân tích kỹ thuật | 25/03/2022

Chi phí chìm là gì? Giải pháp tránh bẫy chi phí chìm hiệu quả trong đầu tư chứng khoán

Trong đầu tư, nguyên nhân dẫn đến quyết định sai lầm của các nhà đầu tư vô cùng đa dạng. Những điều này không chỉ xảy ra với các nhà đầu tư mới mà còn cả những người giàu kinh nghiệm hay thậm chí những huyền thoại đầu tư trên thế giới. Một chiếc bẫy đầu tư phổ biến mà ai cũng có thể mắc phải là bẫy chi phí chìm. Vậy chi phí chìm là gì?

Chi phí chìm là gì?

Chi phí chìm (Sunk Cost)
Chi phí chìm (Sunk Cost)

Chi phí chìm (Sunk Cost) là khoản chi phí đã xảy ra và không thể thu hồi dù bạn có đưa ra quyết định gì trong tương lai. Vì thế, chi phí chìm thông thường không được tính đến khi đưa ra quyết định đầu tư.

Ví dụ: Bạn bỏ ra 3 triệu để mua một chiếc váy trên mạng. Khi được giao đến, chiếc váy lại không giống với hình mà người bán đã đăng. Tuy nhiên, theo chính sách mua hàng, bạn cũng không được hoàn trả lại tiền. Lúc này, dù bạn có quyết định mặc hay không thì cũng không thể thu hồi lại số tiền mua váy đã bỏ ra. Số tiền 3 triệu này chính là chi phí chìm.

>>> Xem thêm: Chi phí cơ hội là gì? Xác định chi phí cơ hội như thế nào?

Đặc điểm của chi phí chìm

Chi phí chìm có những đặc điểm cơ bản sau:

  • Không được cân nhắc khi ra quyết định
  • Đã được thanh toán và không thể phục hồi
  • Chi phí rủi ro đều có thể trở thành chi phí chìm
  • Không thể tránh được, luôn tồn tại trong bất kỳ phương án nào
  • Không kiểm soát được

Bẫy chi phí chìm là gì?

Mặc dù chi phí chìm không phải là yếu tố quan trọng và cần thiết để cân nhắc khi ra quyết định nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn xem xét đến. Do đó, họ chần chừ trong việc theo đuổi các phương án mới, ngay cả khi biết việc từ bỏ phương án cũ sẽ có lợi hơn. 

Hiện tượng bẫy chi phí chìm (Sunk Cost Trap hoặc Concorde Fallacy)
Hiện tượng bẫy chi phí chìm (Sunk Cost Trap hoặc Concorde Fallacy)

Nói một cách đơn giản, các nhà đầu tư đang theo đuổi phương án đầu tư đến cùng một cách phi lý bất chấp kết quả trái mong đợi. Hiện tượng này gọi là bẫy chi phí chìm.

Giả sử, một người đầu tư 50 triệu vào cổ phiếu. Sau một thời gian, trái với kỳ vọng ban đầu, giá trị của cổ phiếu đó trên thị trường liên tục giảm và không có dấu hiệu sẽ tăng trở lại. Tại thời điểm giá trị của khoản đầu tư chỉ còn 15 triệu, nhà đầu tư vẫn chần chừ trong việc cắt lỗ vì tiếc cho thời gian và số tiền mà mình đã bỏ ra. Đến cuối cùng, thay vì có thể thu hồi 15 triệu tiền vốn, nhà đầu tư lại mất sạch tiền khi những cổ phiếu đang nắm giữ trở nên vô giá trị.

Nguyên nhân dẫn đến bẫy chi phí chìm là gì?

Trong khía cạnh về doanh nghiệp, một nghiên cứu của giáo sư tài chính Michael Weisbach về chiến lược giảm bớt hoạt động của doanh nghiệp chỉ ra rằng các nhà quản lý cố thủ sẽ chọn giữ các đơn vị kinh doanh đang gặp khó khăn, trong khi CEO mới có nhiều khả năng sẽ thoái vốn. So với các CEO cũ, các CEO mới không bị gánh nặng về chi phí chìm.

Gánh nặng của chi phí chìm cũng xuất hiện trong đầu tư. Nguyên nhân gây ra hiện tượng này bao gồm:

Thứ nhất, nhà đầu tư đưa ra quyết định dựa vào hành vi trong quá khứ, bỏ qua các thông tin phản hồi tiêu cực. Ngoài ra, họ còn cảm thấy tiếc nuối cho thời gian, số tiền mình đã bỏ vào phương án đầu tư cũ. Do đó, họ muốn kiên trì với dự án mặc dù đang thua lỗ. Hiện tượng này còn được gọi là Ngụy biện chi phí chìm.

Thứ hai, khi đầu tư, nhà đầu tư kỳ vọng nhiều về lợi ích mà nó đem lại, nhưng kết quả thực tế lại không như mong đợi. Để hợp lý hóa hành động, họ vẫn duy trì hoạt động đầu tư bất chấp thiệt hại về tiền bạc và cơ hội. Từ góc độ tâm lý học, hành động này được xem là cơ hội để giải quyết sự bất hòa trong nhận thức cá nhân và duy trì niềm tin vào quyết định ban đầu.

Thứ ba, tâm lý không bao giờ bỏ cuộc khiến cho đầu tư tin tưởng với sự kiên trì của bản thân, họ nhất định sẽ gặt hái được “quả ngọt”.

Biện pháp tránh bẫy chi phí chìm trong đầu tư chứng khoán

Xác định điểm cắt lỗ

Nhà đầu tư cần tiến hành lập kế hoạch đầu tư cụ thể, xác định tỷ suất sinh lợi mục tiêu và khoản lỗ tối đa có thể gánh để tránh lún sâu vào bẫy chi phí chìm. Việc xác định cụ thể những mục tiêu này sẽ giúp nhà đầu tư cắt lỗ an toàn và tối thiểu hóa thiệt hại khi rủi ro đầu tư xảy ra.

Tính toán chi phí cơ hội

Bên cạnh việc xem xét các chi phí tài chính, nhà đầu tư cũng cần tính đến chi phí cơ hội. Chi phí cơ hội hiểu đơn giản là lợi ích mà bạn có thể bỏ lỡ khi lựa chọn phương án này thay vì phương án khác. Mỗi quyết định đầu tư sẽ có các chi phí cơ hội khác nhau.

Việc đánh giá chi phí cơ hội cho phương án đầu tư sẽ tạo cảm giác dễ buông bỏ hơn những quyết định đã không còn phù hợp.

Ví dụ: Nếu một người đầu tư 100 triệu vào cổ phiếu nhưng giá cổ phiếu giảm liên tục. Tại thời điểm hiện tại, giá trị chỉ còn 60 triệu và không có dấu hiệu sẽ tăng trở lại trong tương lai. Nếu người đó vẫn kiên trì với phương án đầu tư ban đầu bất chấp thua lỗ, vậy thì chi phí cơ hội ở đây là những phương án đầu tư thay thế tốt hơn.

Vậy nên, khi đưa ra quyết định, thay vì nhìn vào viễn cảnh tốt đẹp mà bản thân mong đợi, hãy nhìn vào những con số thực tế và những điều đang diễn ra trong thực tại.

4 Nguyên tắc tránh bẫy chi phí chìm hiệu quả
4 Nguyên tắc tránh bẫy chi phí chìm hiệu quả

Tạo ra các phương án thay thế

Thay vì trả lời câu hỏi có hay không, nhà đầu tư nên xem xét và đánh giá một loạt các phương án khác nhau. Câu trả lời có hay không như phương án có xác suất 50-50. Việc tạo ra các phương án thay thế cụ thể sẽ giúp phân bổ xác suất, tránh gây ra sự thiên vị khi ra quyết định đầu tư.

Thừa nhận sai lầm

Như người ta vẫn thường nói, kể cả những huyền thoại đầu tư còn mắc sai lầm thì chúng ta phạm sai lầm khi đầu tư là điều hết sức bình thường.

Vào cuối năm 2012, Berkshire Hathaway (Quỹ đầu tư được sáng lập bởi huyền thoại đầu tư Warren Buffett) sở hữu 415 triệu cổ phiếu của Tập đoàn bán lẻ Tesco (Anh). Khi vụ việc Tesco khai gian doanh thu nhằm che giấu thua lỗ bị phát hiện năm 2014, Berkshire Hathaway đã phải chịu thua lỗ cho khoản đầu tư này là 444 triệu USD.

Trong bức thư gửi các cổ đông của mình năm 2014, Buffett thừa nhận dù đã sớm bán bớt cổ phiếu của tập đoàn Tesco vì lo ngại vấn đề quản lý, nhưng ông đã quá chần chừ để bán nốt số cổ phiếu còn lại. Sai lầm của Warren Buffett cho chúng ta bài học nên dũng cảm để đưa ra quyết định đúng lúc.

Vì vậy, mỗi sai lầm mắc phải chính là bài học cho chiến lược đầu tư trong tương lai. Quan trọng là sau mỗi sai lầm, bạn học được cách chấp nhận, đối mặt với sự thật và rút ra kinh nghiệm cho bản thân.

Kết luận

Nếu bạn không biết Chi phí chìm là gì, vậy thì kiến thức trên là những điều bạn cần nằm lòng để tránh những sai lầm khi đầu tư. Bẫy chi phí chìm có thể xảy ra đối với mọi nhà đầu tư và thậm chí là mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Để hạn chế ảnh hưởng từ chiếc bẫy phổ biến này, bạn cần xác định mục tiêu đầu tư rõ ràng và dựa vào tình hình thực tế để đưa ra quyết định đúng đắn và kịp thời.

ads-3
share facebook
Author

Tác giả:

Đặng Trà My

Đã đóng góp: 1 bài viết

Bài viết liên quan