Doanh nghiệp | 02/11/2021
Chỉ số Net Asset Value (NAV) là gì? Công thức tính và ý nghĩa của NAV
Nhu cầu tìm hiểu và đầu tư chứng khoán ngày càng lớn. Để quá trình tìm hiểu diễn ra dễ dàng hơn, bạn cần nắm vững những “từ ngữ chuyên ngành chứng khoán”. Có những thuật ngữ quan trọng và được giới đầu tư sử dụng khá nhiều, một trong số đó là Chỉ số Net Asset Value (NAV). Nếu bạn chưa biết NAV là gì, ý nghĩa của chỉ số này ra sao, vậy thì nội dung dưới đây sẽ là lời giải đáp dành cho bạn.
Chỉ số NAV là gì?
NAV (Net Asset Value) là giá trị tài sản thuần. Con số này bao gồm tổng giá trị tài sản trừ đi tổng số nợ của doanh nghiệp. Chỉ số NAV giúp nhà đầu tư đánh giá được giá trị tài sản của mỗi doanh nghiệp và quỹ đầu tư tại từng thời điểm nhất định.
Công thức tính chỉ số NAV là gì?
Chỉ số NAV được tính theo công thức dưới đây:
NAV = Tổng tài sản – tổng nợ phải trả
Giả sử: Tổng tài sản của doanh nghiệp A là 10 tỷ đồng, tổng số nợ phải trả là 1 tỷ 200 triệu đồng. Áp dụng công thức trên, ta có thể tính được NAV của doanh nghiệp A như sau:
10.000.000.000 – 1.200.000.000 = 8.800.000.000 đồng
Như vậy, NAV của doanh nghiệp A là 8 tỷ 800 triệu đồng.
Nhiều người nhầm lẫn giữa chỉ số NAV và NAV per share (NAV trên mỗi cổ phiếu hoặc chứng chỉ quỹ). Điều này dẫn đến những sự sai lệch trong việc so sánh chỉ số NAV và giá trị mỗi cổ phiếu.
Như ví dụ trên, NAV của doanh nghiệp A là hơn 8 tỷ đồng. Nếu đem chỉ số NAV này so sánh với giá trị mỗi cổ phiếu thì sẽ rất khập khiễng. Lúc này, bạn cần biết số lượng cổ phiếu hiện có của doanh nghiệp A để tính được chỉ số NAV per share (NAVPS).
Các quỹ đầu tư cũng phải áp dụng công thức NAV per share (hay còn gọi là NAV/CCQ) để công bố giá của một chứng chỉ quỹ (CCQ) vào mỗi cuối ngày làm việc (business day). Sự biến động về giá của chứng chỉ quỹ sẽ ảnh hưởng tới hiệu suất đầu tư của quỹ cũng như lợi nhuận của nhà đầu tư theo thời gian.
Công thức tính chỉ số NAV per share như bức hình dưới đây:
Ví dụ: với quỹ VCBF-BCF, công ty quản lý quỹ luôn cập nhật dữ liệu về quỹ này theo ngày. Bạn có thể lấy chỉ số Giá trị tài sản ròng chia cho Số lượng chứng chỉ quỹ đang lưu hành để ra được Giá trị của 1 chứng chỉ quỹ.
Chứng chỉ quỹ VCBF-BCF vào ngày 19/07/2022 có giá: 378.499.892.731 / 14.081.282,57 = 26.879,64 VNĐ
Bạn có thể tìm kiếm dữ liệu này dễ dàng trên website của các công ty quản lý quỹ.
Phân biệt chỉ số NAVPS và giá cổ phiếu
Chỉ số NAVPS và giá trị của cổ phiếu đều được tính theo đơn vị tiền mặt (tại Việt Nam là Việt Nam Đồng). Tuy nhiên, bạn cần phân biệt rõ ràng 2 khái niệm này để tránh ảnh hưởng đến quyết định đầu tư.
- NAVPS là giá trị tài sản thuần của doanh nghiệp trên mỗi cổ phiếu, trong khi đó giá trị cổ phiếu được coi là mức chi phí mà nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra để thực hiện mua bán. Điều này có nghĩa là giá cổ phiếu có thể bị tác động bởi nhiều yếu tố như tâm lý nhà đầu tư, đầu cơ, thông tin vĩ mô,…
- Giá cổ phiếu có thể cao hơn hoặc thấp hơn so với NAVPS. Lý do là bởi giá cổ phiếu sẽ biến động liên tục trong phiên giao dịch dựa trên quyết định của nhà đầu tư, còn chỉ số NAVPS sẽ được tính và chốt theo ngày dựa trên giá trị tài sản.
Ý nghĩa của chỉ số NAV là gì?
Chỉ số NAV và NAVPS giúp nhà đầu tư có thể đánh giá một số yếu tố của doanh nghiệp cũng như quỹ đầu tư. Từ đó, họ có góc nhìn đa dạng hơn cho những quyết định đầu tư của mình.
Dưới góc độ doanh nghiệp và cổ phiếu
Về cơ bản, chỉ số NAV và NAVPS của mỗi công ty giúp nhà đầu tư hiểu rõ hơn tình hình của doanh nghiệp đó. Những ví dụ dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn:
Mệnh giá cổ phiếu phát hành thấp hơn chỉ số NAVPS
Điều này cho thấy doanh nghiệp có vốn tích lũy từ lợi nhuận của hoạt động sản xuất kinh doanh. Nó phản ánh tình hình tài chính của công ty khỏe mạnh, không có vấn đề. Nhà đầu tư có thể an tâm khi mua cổ phiếu của công ty như vậy.
Ví dụ: Cổ phiếu VNM của Công ty sữa Việt Nam Vinamilk có giá 90.000 đồng. Nhưng hiện nay chỉ số NAVPS của Vinamilk đã là 110.000 đồng. Lúc này có thể công ty đã tích lũy được vốn từ lợi nhuận của hoạt động kinh doanh. Vì vậy, nhà đầu tư vẫn có thể yên tâm mua cổ phiếu VNM với giá 90.000 đồng bởi giá trị cổ phiếu này có thể đang thấp hơn so với giá trị tài sản hiện có của doanh nghiệp.
Trong trường hợp giá cổ phiếu VNM ngang bằng hoặc vượt quá chỉ số NAVPS của doanh nghiệp này, điều này có nghĩa rằng kỳ vọng của nhà đầu tư hiện đang ngang bằng hoặc vượt quá so với giá trị tài sản hiện có của Vinamilk. Vì vậy, khả năng sinh lời của VNM có thể sẽ không cao. Lúc này, bạn cần cân nhắc nhiều yếu tố khác để biết được mình có nên đầu tư vào cổ phiếu này không.
Lợi nhuận doanh nghiệp cao nhưng chỉ số NAV không tăng
Dấu hiệu này cho thấy trong thời gian ngắn, hoạt động kinh doanh của công ty rất suôn sẻ. Có thể mang về tỷ suất lợi nhuận cực cao. Về lâu dài, cố phiếu của công ty như này có thể tăng trưởng ổn định. Nhà đầu tư có thể cân nhắc đầu tư sinh lời vào những công ty như vậy.
Ví dụ: Chỉ số NAV của VNM vẫn giữ mức 110.000 đồng dù lợi nhuận của công ty đang tăng cao. Lúc này, bạn có thể đầu tư cổ phiếu VNM, sau đó chờ giá tăng giá trong thời gian tới.
Chỉ số vay nợ cao hơn NAV
Chỉ số vay nợ của doanh nghiệp lớn hơn chỉ số NAV là điều rất đáng lo ngại. Điều này phản ánh công ty đang làm ăn thua lỗ, thậm chí có nguy cơ phá sản. Vì vậy, bạn cần tìm hiểu kỹ lưỡng nếu vẫn muốn đầu tư vào những công ty như vậy.
Dưới góc độ quỹ đầu tư
- Về cơ bản, giá của chứng chỉ quỹ của mọi quỹ được định giá ban đầu như nhau. Chúng đều có mệnh giá 10.000/1 chứng chỉ quỹ. Theo thời gian hoạt động, chỉ số NAVPS (NAV/CCQ) biến động ở mỗi quỹ sẽ khác nhau. Quỹ có thời gian hoạt động ngắn sẽ có chỉ số thấp. Trong khi những quỹ có thời gian hoạt động dài sẽ có chỉ số cao hơn. Chính vì vậy, nếu so sánh chỉ số giữa các quỹ khác nhau là không hợp lý.
- Khi chỉ số NAV/CCQ thấp, nhà đầu tư có thể nhân cơ hội mua thêm nhiều chứng chỉ quỹ. Tuy nhiên, những quỹ như vậy thường có thời gian hoạt động ngắn, tỷ suất sinh lời chưa cao. Vậy nên, nhà đầu tư cần mất nhiều thời gian chờ để thu về lợi nhuận cao hơn.
- Chỉ số NAV/CCQ cao, đồng nghĩa với việc nhà đầu tư chỉ mua được ít chứng chỉ quỹ. Tuy nhiên, quỹ đầu tư này đã có thời gian hoạt động dài, cho hiệu suất sinh lời ổn định. Vì vậy, bạn có thể đầu tư vào những quỹ như vậy với mục đích dài hạn.
Nhìn chung, NAV/CCQ không phải yếu tố quá quan trọng để bạn cân nhắc đầu tư vào quỹ nào. Bạn cần tìm hiểu kỹ các công ty quản lý quỹ, chiến lược, lợi nhuận trong quá khứ và đội ngũ chuyên gia của họ trước khi ra quyết định rót tiền vào các quỹ đầu tư đó.
Thông qua bài viết trên, DNSE hy vọng bạn đã có thể hiểu rõ NAV chứng khoán là gì. Mong rằng các kiến thức về NAV có thể giúp bạn đưa ra những quyết định đầu tư sáng suốt.