Kinh tế | 29/04/2022

Chu kỳ kinh tế là gì? Cách đầu tư theo chu kỳ kinh tế

Chứng khoán được coi là tấm gương phản ánh sức khoẻ nền kinh tế. Có thể nói, thị trường chứng khoán luôn thay đổi theo từng chu kỳ của kinh tế. Hiểu về chu kỳ kinh tế sẽ giúp bạn đưa ra quyết định đầu tư sáng suốt hơn. Vậy chu kỳ kinh tế là gì? Nên đầu tư theo chu kỳ kinh tế như thế nào? Câu trả lời sẽ có trong bài viết dưới đây.

Chu kỳ kinh tế là gì?

Chu kỳ kinh tế là gì?

Định nghĩa về chu kỳ kinh tế là gì?

Nền kinh tế không thể mãi mãi tăng trưởng hay mãi suy thoái, mà nó có tính chu kỳ. Điều đó được thể hiện ở các chuỗi sự kiện kinh tế lặp lại theo thời gian. Tuy chúng dẫn đến những kết quả không giống nhau nhưng có một số điểm đặc trưng.

Ví dụ, khi thu nhập của người dân tăng dẫn đến nhu cầu tiêu dùng tăng. Vì vậy, các doanh nghiệp sẽ tăng nguồn cung hàng hóa, mở rộng nhà máy, gia tăng sản lượng hàng hóa. Đồng thời số lượng người lao động sẽ tăng lên (tỷ lệ thất nghiệp giảm). Việc sản lượng hàng hóa tăng và tỷ lệ thất nghiệp giảm sẽ dẫn đến GDP tăng. Đây là thời kỳ tăng trưởng của nền kinh tế. Khi nền kinh tế tăng trưởng đến đỉnh điểm sẽ xảy ra hiện tượng lượng cung nhiều hơn lượng cầu. Lúc này chỉ số tiêu dùng sẽ giảm. Khi đó, nền kinh tế bước vào chu kỳ suy thoái.

Cứ như vậy, các sự kiện này lặp lại và tạo thành một chu kỳ kinh tế. Trong một chu kỳ từ tăng trưởng đến suy thoái, có thể chia ra các giai đoạn khác nhau dựa trên các đặc điểm của từng giai đoạn.

Các giai đoạn chu kỳ kinh tế là gì?

Các giai đoạn của chu kỳ kinh tế
Các giai đoạn của chu kỳ kinh tế

Giai đoạn suy thoái (recession): Đây là thời điểm nền kinh tế bắt đầu đi xuống. Sản lượng hàng hóa suy giảm, doanh nghiệp cắt bớt số lượng lao động, tỷ lệ thất nghiệp tăng. Lãi tín dụng bị siết chặt dẫn đến chi phí tài chính tăng vọt, trong khi đó doanh thu không thể tăng lên. Hậu quả dẫn đến GDP sụt giảm.

Giai đoạn đáy chu kỳ kinh tế (trough): Tại thời kỳ này, nền kinh tế giảm sút tới mức vô cùng nghiêm trọng. Chính phủ bắt đầu các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế, ví dụ như giảm lãi suất để hỗ trợ các doanh nghiệp. Nguồn tiền được bơm vào nền kinh tế khiến cho người tiêu dùng và doanh nghiệp tăng chi tiêu.

Giai đoạn phục hồi (recovery): Nhờ vào những nỗ lực cứu vãn trước đó, nền kinh tế bắt đầu dần hồi phục. Lúc này, ngân hàng sẽ tăng mức lãi suất vay vốn, mức tín dụng sẽ tiếp tục tăng trưởng. Sản lượng và công suất sản xuất sẽ tăng lên đáng kể. Điều này dẫn đến doanh nghiệp ghi nhận doanh thu và lợi nhuận nhiều hơn trước.

Giai đoạn đỉnh chu kỳ kinh tế (peak): Trong giai đoạn này, GDP vẫn tiếp tục tăng nhưng đã chậm hơn so với các giai đoạn trước do đã đạt đỉnh. Đây cũng là thời kỳ lạm phát tăng nhanh. Doanh nghiệp không còn tuyển dụng thêm người lao động nhiều như trước. Khi GDP tăng tới đỉnh, đồng tiền mất giá quá nhiều do lạm phát, nền kinh tế sẽ có dấu hiệu khủng hoảng và bước vào giai đoạn suy thoái, bắt đầu bước vào chu kỳ mới.

Cách đầu tư dựa theo chu kỳ kinh tế

Mối quan hệ giữa chu kỳ kinh tế và thị trường chứng khoán

Tương quan giữa chu kỳ kinh tế và thị trường chứng khoán
Tương quan giữa chu kỳ kinh tế và thị trường chứng khoán – Nguồn: Fidelity

Có thể thấy như trên biểu đồ, thị trường chứng khoán luôn đi trước so với nền kinh tế. Lý do vì chứng khoán phản ánh kỳ vọng vào tương lai của doanh nghiệp. Trong thời kỳ kinh tế suy thoái, thị trường chứng khoán sẽ chạm đáy. Điểm đáy của một chu kỳ kinh tế là lúc thị trường chứng khoán bắt đầu tăng nhẹ. Chứng khoán sẽ tăng mạnh nhất vào lúc nền kinh tế đang trong giai đoạn hồi phục. Và đến khi chu kỳ kinh tế đạt đỉnh thì đó là lúc thị trường sẽ bắt đầu đi xuống.

Ngành nên đầu tư trong các chu kỳ kinh tế là gì?

Ở đáy của một chu kỳ kinh tế, nhà đầu tư có thể tìm kiếm cơ hội ở các ngành tài chính, chứng khoán, ngân hàng và vận chuyển – logistic. Vì trong thời kỳ này, nguồn cung tiền sẽ được Chính phủ tăng lên. Dòng tiền sẽ có khả năng chảy vào chứng khoán – nơi có mức lãi suất cao hơn. Nhu cầu tiêu dùng bắt đầu phục hồi trở lại nên các ngành vận chuyển – logistic sẽ được hưởng lợi. Một số mã cổ phiếu tiêu biểu ở nhóm này có thể kể đến như: VND (Công ty CP Chứng khoán VNDirect), MBB (Ngân hàng MB), TCB (Techcombank)

Khi bắt đầu vào chu kỳ phục hồi, ngành nên đầu tư là ngành công nghệ, công nghiệp cơ bản (như sắt, thép, đồng, nhôm, và các nguyên liệu công nghiệp khác). Ngoài ra còn có ngành cung cấp tư liệu sản xuất (như sản xuất máy móc, xây dựng công trình). Một số mã chứng khoán tiêu biểu trong nhóm này bao gồm: FPT (Công ty CP FPT), HPG (Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát),….

Tại đỉnh của chu kỳ kinh tế, ngành năng lượng, ngành kim loại quý hiếm (vàng, bạc, platinum), ngành y tế và ngành hàng tiêu dùng thường xuyên (đồ uống, thực phẩm, nông nghiệp, chế biến thực phẩm) sẽ là những ngành mà bạn nên đầu tư. Các mã cổ phiếu điển hình của nhóm này bao gồm: PNJ (Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận), MSN (Công ty CP Tập đoàn Ma San),

Bước vào chu kỳ suy thoái, thị trường chứng khoán nói chung sẽ có xu hướng đi xuống. Tuy nhiên, vẫn có một số ngành được hưởng lợi. Đó là ngành cung cấp tiện ích (điện, nước), hàng tiêu dùng theo chu kỳ (như bất động sản, giải trí, bán lẻ) và ngành ngân hàng. Một số mã chứng khoán trong nhóm này gồm: POW (Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam), VRE (Vincom Retail), VHM (Vinhomes)…

Kết luận

Về mặt lý thuyết, các chu kỳ kinh tế có thể diễn ra đều đặn và có thể dự báo. Tuy nhiên trên thực tế, thời điểm xảy ra và khoảng thời gian mỗi giai đoạn kéo dài thường không giống nhau. Việc dự báo các biến động của nền kinh tế là một công việc phức tạp. Tuy vậy, điều chắc chắn là mỗi một chu kỳ kinh tế đều bao gồm các giai đoạn chạm đáy, phục hồi, đạt đỉnh và suy thoái và sẽ diễn ra đúng theo thứ tự như vậy. Dựa vào đó, bạn có thể có một vài ý tưởng về đầu tư dựa theo chu kỳ kinh tế.

ads-3
share facebook
Author

Tác giả:

Trần Kim Phượng

Đã đóng góp: 1 bài viết

Bài viết liên quan