Chứng khoán | 30/06/2022
Chứng quyền là gì? Những điều bạn cần biết về chứng quyền
Chứng quyền là khái niệm còn khá mới mẻ với nhiều nhà đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên, xét trên phương diện quốc tế, chứng quyền là một trong những sản phẩm chứng khoán giúp nhà đầu tư có nhiều lựa chọn trên thị trường. Vậy chứng quyền là gì? Chứng quyền có gì khác so với chứng quyền có bảo đảm? Những câu hỏi này sẽ được DNSE giải đáp trong nội dung dưới đây.
Chứng quyền là gì?
Chứng quyền có tên tiếng Anh là Stock Warrant – là một sản phẩm phái sinh giữa công ty đại chúng và nhà đầu tư. Nó cung cấp cho người mua quyền mua cổ phiếu của doanh nghiệp trong tương lai tại giá xác định trước. Loại chứng khoán này giúp huy động thêm nguồn vốn cho doanh nghiệp phát hành.
Ví dụ: Chứng quyền của cổ phiếu VNM là CNVM01 được công ty chứng khoán A phát hành với mức giá là 1.000 đồng/1 chứng quyền với kỳ hạn 1 năm. Người sở hữu chứng quyền này được mua cổ phiếu VNM với giá ngày đáo hạn là 90.000 đồng/1cp.
Nghĩa là, dù giá cổ phiếu VNM biến động ra sao bạn vẫn có quyền mua với giá 90.000 đồng/1cp. Nếu giá cổ phiếu xuống quá thấp, dưới 89.000 đồng/1cp. Lúc này bạn có thể không thực hiện quyền mua cổ phiếu và chịu lỗ 1.000 đồng/1cq.
Đặc điểm của chứng quyền:
- Được phát hành bởi công ty chủ quản (công ty phát hành cổ phiếu).
- Với mục đích huy động vốn cho các mục tiêu, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
- Chứng quyền doanh nghiệp chỉ bao gồm cổ phiếu do doanh nghiệp phát hành.
Hiện tại, mới chỉ có chứng quyền có đảm bảo là sản phẩm phổ biến và được nhiều nhà đầu tư tiếp cận tại thị trường Việt Nam.
Chứng quyền có bảo đảm là gì?
Chứng quyền có đảm bảo là khái niệm được mở rộng từ chứng quyền, tên tiếng Anh là Covered Warrant. Nó là một loại chứng khoán được phát hành bởi tổ chức tài chính (tại Việt Nam, các tổ chức này thường là công ty chứng khoán), cung cấp cho nhà đầu tư quyền mua cổ phiếu cụ thể trong tương lai với mức giá đã được xác định trước.
Chứng quyền có bảo đảm có hai loại, gồm:
- Chứng quyền mua: Nhà đầu tư kiếm lời theo chiều tăng của chứng khoán cơ sở. Đến thời điểm đáo hạn, nhà đầu tư được quyền mua cổ phiếu cơ sở.
- Chứng quyền bán: Nhà đầu tư kiếm lời theo chiều giảm của chứng khoán cơ sở.
Tuy nhiên, tại thị trường Việt Nam hiện nay chỉ kinh doanh chứng quyền mua, chưa có chứng quyền bán.
Ví dụ: Chứng quyền của cổ phiếu VNM là CNVM01 được công ty chứng khoán A phát hành. Lúc này, chúng không phải chứng quyền được phát hành bởi công ty chủ quản. Thay vào đó, được phát hành thông qua một công ty chứng khoán. Do đó, công ty A cần xây dựng một kho chứng quyền trước khi phát hành. Tức là công ty chứng khoán phải mua một lượng cổ phiếu VNM nhất định để làm tài sản đảm bảo khi phát hành chứng quyền.
Bạn có thể hiểu đơn giản về chứng quyền có đảm bảo như sau: Công ty chứng khoán sẽ mua trước một lượng cổ phiếu, sau đó phát hành chứng quyền theo một mức giá xác định. Nhà đầu tư có thể giao dịch mua bán chứng quyền như một mã cổ phiếu bình thường.
Đặc điểm của chứng quyền có bảo đảm:
- Chứng quyền có bảo đảm được niêm yết và giao dịch trên sàn chứng khoán như cổ phiếu.
- Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ chịu trách nhiệm cấp phép hoạt động cho các tổ chức tài chính được phát hành chứng quyền.
- Chứng quyền có bảo đảm được phát hành với mục đích bổ sung thêm loại hình đầu tư. Đồng thời giúp các công ty chứng khoán có thể tăng lợi nhuận từ bán chứng quyền.
- Chứng quyền có bảo đảm bao gồm nhiều loại chứng khoán: cổ phiếu, chứng chỉ quỹ,…
Ví dụ thông tin về một chứng quyền có bảo đảm
Thông tin về mã chứng quyền CMWG1901 như sau:
- C: Chứng quyền mua
- MWG: Mã chứng khoán cơ sở
- 19: Năm phát hành (2019)
- 01: Số lần phát hành chứng quyền của cùng một công ty chứng khoán cơ sở trong cùng 1 năm.
- Thời hạn chứng quyền: 03 tháng
- Giá thực hiện (giá để nhà đầu tư thực hiện quyền mua chứng khoán cơ sở khi CW đáo hạn): 88.300 đồng
- Tỷ lệ chuyển đổi (Số CW nhà đầu tư cần dùng để đổi 1 cổ phiếu cơ sở): 4/1
- Ngày đáo hạn: 09/09/2019
- Ngày giao dịch cuối: 07/09/2019 (2 ngày trước ngày đáo hạn).
- Kiểu thực hiện: Châu Âu (tức chỉ được thực hiện quyền mua vào ngày đáo hạn)
- Phương thức thanh toán: Bằng tiền
Phân biệt chứng quyền và chứng quyền có bảo đảm
Bảng so sánh dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về sự khác nhau giữa 2 loại sản phẩm này.
Chứng quyền | Chứng quyền có bảo đảm | |
Tổ chức phát hành | Doanh nghiệp | Công ty chứng khoán |
Mục đích | Huy động thêm vốn từ thị trường | – Cung cấp thêm sản phẩm đầu tư- Tăng doanh thu cho công ty chứng khoán phát hành chứng quyền có bảo đảm |
Tài sản cơ sở | Cổ phiếu do chính doanh nghiệp phát hành | Chỉ số, quỹ ETF, cổ phiếu,… Chứng quyền có bảo đảm ở Việt Nam hiện tại chỉ dựa trên cổ phiếu |
Quyền thực hiện | Quyền mua cổ phiếu mới phát hành | Quyền mua, quyền bán chứng khoán cơ sở (tại Việt Nam hiện chỉ có quyền mua) |
Ảnh hưởng của việc thực hiện quyền | Số lượng cổ phiếu lưu hành và vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp có thể sẽ tăng lên | Số lượng cổ phiếu đang lưu hành không thay đổi |
Cơ hội và rủi ro khi giao dịch chứng quyền
Cơ hội
- Vốn đầu tư thấp: giá chứng quyền thường nhỏ hơn nhiều so với các chứng khoán cơ sở nên số vốn cần cũng nhỏ hơn
- Tỷ suất sinh lời cao: chứng quyền có biên độ dao động lớn do đó mà tỷ lệ lợi nhuận thu được cũng cao hơn nhiều so với chứng khoán cơ sở
- Dễ dàng giao dịch: nhà đầu tư có thể mua bám chứng quyền trên sàn tương tự như với cổ phiếu
Rủi ro
- Mất toàn bộ vốn: trong trường hợp chứng quyền đáo hạn nhưng mức giá thực hiện vẫn cao hơn so với thị giá cổ phiếu thì nhà đầu tư có nguy cơ mất trắng số tiền vốn mua đã bỏ ra
- Biến động mạnh: mức độ biến động mạnh vừa là cơ hội cũng là rủi ro đối với nhà đầu tư. Điều này đồng nghĩa rằng chứng quyền cũng có thể giảm mạnh hơn nhiều lần so với chứng khoán cơ sở.
- Vòng đời có giới hạn: không giống như cổ phiếu có thể mua và để đó mãi, chứng quyền có thời gian đáo hạn xác định. Do đó, nó có thể không quá phù hợp với nhà đầu tư dài hạn.
Trong bài viết trên, DNSE đã cung cấp cho bạn kiến thức về chứng quyền. Hy vọng nội dung trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về định nghĩa này cũng như phân biệt được chứng quyền và chứng quyền có bảo đảm. Hãy tiếp tục đón xem những bài viết khác của DNSE bạn nhé.