Kiến thức tổng quan | 25/11/2022
Dự đoán dấu hiệu suy thoái kinh tế 2023 – Bức tranh ngày càng rõ rệt!
Các dấu hiệu suy thoái kinh tế 2023 đang được các chuyên gia nhận định và cảnh báo dồn dập. Trước khi thực sự bước vào giai đoạn khủng hoảng, nền kinh tế thường có những biểu hiện sớm thể hiện qua con số và thông tin trên thị trường. Trong bài viết này, hãy cùng DNSE tìm hiểu những dấu hiệu cảnh báo về cuộc suy thoái này nhé!
Suy thoái kinh tế là gì?
Khái niệm về suy thoái kinh tế
Khái niệm suy thoái kinh tế được dùng để chỉ sự suy giảm trầm trọng trong hoạt động kinh tế của một quốc gia. Nó thể hiện qua sự sụt giảm chỉ số GDP trong vòng 2 quý liên tiếp. Nếu sự suy thoái kéo dài, nền kinh tế sẽ bị khủng hoảng hay suy sụp.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy thoái kinh tế. Chính sách quản lý tiền tệ yếu kém có thể làm cho hoạt động kinh tế của quốc gia không hiệu quả. Ngoài ra, nền kinh tế có thể chịu tác động từ thiên tai, dịch bệnh hoặc chiến tranh.
Dấu hiệu điển hình của suy thoái kinh tế
Lãi suất trái phiếu
Để đánh giá tác động của thị trường đối với nền kinh tế, người ta thường sử dụng đường cong lãi suất trái phiếu. Đây là đường thể hiện mức lãi suất khác nhau của các khoản vay có cùng giá trị nhưng khác thời hạn.
Thông thường, thời gian đáo hạn càng dài thì càng nhiều rủi ro nên lãi suất sẽ cao hơn. Nhưng nếu lãi suất trong ngắn hạn cao hơn dài hạn, đây là dấu hiệu cho sự suy thoái. Tín hiệu này đã được xác nhận trong 7 cuộc suy thoái gần nhất của Mỹ.
Điều kiện tín dụng
Nếu nền kinh tế bị suy thoái, các điều kiện vay vốn sẽ bị thắt chặt. Các ngân hàng nhìn thấy rủi ro của thị trường và yêu cầu cao hơn khi cho vay, đặc biệt là với những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Để xác nhận được tín hiệu này có thể dựa vào thăm dò ý kiến các chuyên viên của ngân hàng hoặc chỉ số điều kiện tín dụng.
Tâm lý kinh doanh
Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng phản ánh tình trạng của nền kinh tế. Thị trường không khả quan khiến các doanh nghiệp trở nên dè dặt hơn. Chỉ số sản xuất, nhu cầu lao động của doanh nghiệp đều có sự giảm sút.
Thị trường lao động
Các công ty cắt giảm hoạt động ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường lao động và tiền lương của nhân viên. Biến động thị trường có thể được dự báo thông qua động thái sa thải nhân viên hoặc ngừng tuyển thêm người mới của các công ty.
Những dấu hiệu suy thoái kinh tế có thể xảy ra vào năm 2023?
Đồng USD mạnh lên
Kinh tế Mỹ có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đối với nền kinh tế toàn cầu. Đồng USD trở nên hấp dẫn hơn do chính sách thắt chặt của FED. Khi này, tỷ giá các đồng tiền khác so với USD đều giảm mạnh.
Để đối phó với tình trạng này, các nước buộc phải tăng lãi suất và thắt chặt các chính sách tiền tệ. Đây là lúc nền kinh tế bắt đầu có dấu hiệu suy thoái.
Trong vòng 2 thập kỷ gần đây, đồng USD đang có giá trị cao nhất. Hơn nữa, nhiều quốc gia đang phải gánh chịu áp lực từ lạm phát và giá năng lượng tăng cao do chiến tranh Nga – Ukraine. Những bất ổn chính trị và kinh tế là dấu hiệu suy thoái kinh tế 2023.
Tình hình phát triển kinh tế của Mỹ
Mỹ đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát tăng mạnh. Lương của người dân không tăng theo kịp với sự tăng giá của hàng hóa. Vì thế, người tiêu dùng phải hạn chế các khoản chi tiêu. Nền kinh tế cũng bị chững lại.
Hơn nữa, việc điều chỉnh lãi suất của Fed cũng ảnh hưởng đến nhu cầu chi tiêu của người dân Mỹ. Mức lãi suất cho vay tăng cao khiến việc thuê hay mua nhà trở nên khó khăn. Cả nhu cầu tiêu dùng và nhà ở đều đắt đỏ gây cản trở đến quyết định tiêu dùng của người dân.
Hoạt động của doanh nghiệp Mỹ chững lại
Từ giữa tháng 9/2022, một số công ty lớn đã cảnh báo về sự suy giảm trong hoạt động của nền kinh tế. Công ty vận tải FedEx dự báo nhu cầu vận tải đang suy yếu và lợi nhuận công ty có thể giảm tới 40%. Cổ phiếu Apple cũng giảm mạnh khi kế hoạch tăng sản lượng iPhone 14 bị hủy bỏ do nhu cầu thấp hơn dự báo.
Ngoài ra, dù đã vào thời điểm tăng cường tuyển dụng cho dịp lễ cuối năm nhưng hầu hết các doanh nghiệp Mỹ đều rất dè chừng trong quyết định nhân sự. Đây là dấu hiệu cho sự suy giảm của nền kinh tế.
Chứng khoán Mỹ rơi sâu vào “thị trường gấu”
Thị trường gấu là thị trường chứng khoán có xu hướng giảm mạnh trong một thời gian dài. Đối với chứng khoán Mỹ, cổ phiếu đã rớt giá mạnh trong những tháng vừa qua. Cả ba chỉ số chính là Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq đều giảm ít nhất 20% so với đỉnh gần nhất.
Nguyên nhân là do lạm phát và lãi suất tăng khiến nhà đầu tư lo lắng. Lãi suất trái phiếu tăng lên, đặc biệt là trong ngắn hạn. Các quốc gia khác cũng điều chỉnh lãi suất để hỗ trợ đồng nội tệ của mình. Những dấu hiệu này cho thấy một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu đang đến gần.
Diễn biến phức tạp của tình hình thế giới
Sự xung đột trong chính sách tiền tệ và tài khóa ở một số nền kinh tế lớn cũng gây ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu. Một trong những biểu hiện rõ nhất là ở Anh.
Đại dịch và chiến tranh Nga – Ukraine khiến hàng hóa tại Anh tăng giá chóng mặt. Mức độ lạm phát gia tăng cùng với sai lầm trong chính sách tiền tệ khiến thị trường tài chính của Anh cũng như toàn cầu hoảng loạn. Đối tượng chịu tác động lớn nhất là người dân Anh. Họ phải đối mặt với mức lãi suất cao, khoản nợ vay cũng tăng lên.
Kết
Dấu hiệu suy thoái kinh tế 2023 có thể được dự đoán nhưng chưa thể tính toán mức độ nghiêm trọng. Dù thế nào, nó cũng sẽ gây ra những tổn hại đáng kể cho các quốc gia trên toàn cầu. Nhưng khủng hoảng cũng là động lực để thay đổi và phát triển mạnh mẽ hơn. Đừng quên tiếp tục theo dõi DNSE để cập nhật những thông tin tài chính hữu ích nhé!