Doanh nghiệp | 09/02/2023

Điểm danh các “Startup Kỳ Lân” tại Việt Nam – Đâu sẽ là cái tên tiếp theo?

Điểm danh các “Startup Kỳ Lân” tại Việt Nam
Điểm danh các “Startup Kỳ Lân” tại Việt Nam

Trong thời gian gần đây, chắc hẳn bạn đọc đã ít nhiều nghe đến thuật ngữ “Startup Kỳ Lân” trong các chương trình khởi nghiệp và không khỏi tò mò. Vậy “Startup Kỳ Lân” là gì? Trên thế giới đã có rất nhiều “Startup Kỳ Lân” còn Việt Nam thì sao?

Sơ lược về “startup kỳ lân”

“Startup kỳ lân” là thuật ngữ chỉ những startup được định giá trên 1 tỷ đô la. Việc sử dụng kỳ lân làm hình tượng đại điện thể hiện sự hiếm có cho start-up. Vì các dự án khởi nghiệp đạt mức định giá 1 tỷ đô trong 10 năm gần đây cũng chỉ chiếm 0,08% trên tổng số các công ty khởi nghiệp.

Đặc trưng của “startup kỳ lân” bao gồm:

  • Sở hữu những thay đổi mang tính đột phá. Ví dụ: Uber là ví dụ điển hình cho việc thay đổi hoàn toàn lĩnh vực dịch vụ vận chuyển từ khi startup xuất hiện.
  • Ứng dụng công nghệ hiện đại: Trên thực tế hiện nay, gần 85% sản phẩm và dịch vụ của họ là phần mềm, 7% là phần cứng và 8% còn lại là dịch vụ.
  • Tập trung giải quyết nhu cầu khách hàng.
  • Xuất phát từ công ty tư nhân. Các startup kỳ lân đa phần thuộc sở hữu cá nhân và tăng giá trị bằng cách kêu gọi đầu tư.

Điểm danh các “startup kỳ lân” tại Việt Nam

1. VNG (VNG Corporation)

VNG Corporation được coi là 1 trong những "Kỳ Lân" đầu tiên của Việt Nam.
VNG Corporation được coi là 1 trong những “Kỳ Lân” đầu tiên của Việt Nam.

VNG được ông Lê Hồng Minh cùng một số người bạn sáng lập vào ngày 09 tháng 9 năm 2004 với tên gọi ban đầu là VinaGame. Mục tiêu ban đầu của startup là tập trung vào việc phát hành game online tại Việt Nam.

Cột mốc thành công đầu tiên vào năm 2005, khi VNG được KingSoft cho phép phát hành game Võ Lâm Truyền Kỳ tại Việt Nam – game quốc dân của giới trẻ. Từ thành công đó, VNG liên tục cho ra mắt các tựa game khác. Đến năm 2006, doanh thu của VNG đã đạt 17 triệu đô.

Bên cạnh đó, VNG dần mở rộng sang nhiều mảng công nghệ khác như ra mắt các trang thương mại điện tử, mạng xã hội, nền tảng nhạc số, ví điện tử…Sau đó đổi tên thành VNG vào năm 2008.

Năm 2014, VNG đã được World Startup Report định giá 1 tỷ USD – qua đó trở thành startup kỳ lần đầu tiên của Việt Nam. Vào những năm 2016-2020, VNG nằm trong Top 50 thương hiệu dẫn đầu của Forbes Việt Nam với định giá 69,3 triệu USD năm 2020.  VNG sau 5 năm trở thành “kỳ lân” giá trị doanh nghiệp cũng tăng đến hơn 50%, cuối năm 2020 được định giá khoảng từ 1,5-1,7 tỷ USD.

Sau khi kết thúc năm 2021, tổng tài sản của VNG tăng lên 9.278 tỷ đồng tương đương 18%.

2. VNLife/VNPay

VNPay đạt trạng thái "kỳ lân" sau vòng gọi vốn từ Softbank Vision Fund và quỹ đầu tư GIC.
VNPay đạt trạng thái “kỳ lân” sau vòng gọi vốn từ Softbank Vision Fund và quỹ đầu tư GIC.

VNLife ra đời vào tháng 03 năm 2007, do ông Trần Trí Mạnh và ông Mai Thanh Bình đồng sáng lập. Startup hoạt động chính trong lĩnh vực thanh toán điện tử với ngành kinh doanh cốt lõi là tài chính ngân hàng. Cũng vì lý do đó, ứng dụng VNPay ra đời.

Theo thời gian, VNPay đã trở thành siêu ứng dụng thanh toán hàng đầu khi cung cấp hơn 30 dịch vụ như thanh toán hóa đơn, nạp tiền điện thoại, du lịch trực tuyến OTA, thanh toán mã QR cho hơn 40 ngân hàng tại Việt Nam, 12 ngân hàng tại Campuchia, 7 đối tác ví điện tử.

Đặc biệt, VNLife còn có hệ thống thanh toán bằng mã QR lớn nhất Việt Nam với mạng lưới khoảng 1000.000 điểm thanh toán. Hệ thống thanh toán của VNPay đang xử lý tới khoảng 1 tỷ USD lưu lượng thanh toán mỗi năm.

Đến năm 2020, VNLife đã tăng vốn điều lệ từ 150 tỷ lên 1000 tỷ đồng.

Đến năm 2021, VNLife chính thức công bố đã huy động vốn thành công hơn 250 triệu USD trong vòng gọi vốn series B. VNLife đã trở thành kỳ lân công nghệ thứ 2 của Việt Nam với định giá công ty hơn 1 tỷ USD.

3. Ví điện tử MOMO

MoMo hoàn thành vòng gọi vốn 200 triệu USD và được coi là 1 trong những "Kỳ Lân" mới tại Việt Nam.
MoMo hoàn thành vòng gọi vốn 200 triệu USD và được coi là 1 trong những “Kỳ Lân” mới tại Việt Nam.

Momo là một nền tảng ví điện tử hay được biết tới là siêu ứng dụng cho phép người dùng  thanh toán, giao dịch trên thiết bị di động hơn 500 dịch vụ lớn nhỏ khác nhau, bao trùm mọi lĩnh vực trong đời sống do Công ty Cổ phần Dịch vụ Di động Trực tuyến (M_Service) phát triển.

Thời gian đầu hoạt động, vì mô hình mới mẻ cũng như dịch vụ chuyển tiền miễn phí nên lượng người dùng tăng lên đều đặn. Đến tháng 3 năm 2016, Momo đã có tới 2,5 triệu người dùng. Nhờ vậy, startup đã được Goldman Sachs rót vốn cùng đối tác là Standard Chartered Private Equity tại vòng series B với tổng số tiền là 28 triệu USD.

Vào cuối vòng gọi vốn series E năm 2021, Momo đã nhận số tiền đầu tư trị giá khoảng 200 triệu USD, nâng định giá công ty trên 2 tỷ USD. Như vậy, Momo đã trở thành kỳ lân tiếp theo của Việt Nam.

Trong ba năm 2019-2021, doanh thu thuần và lợi nhuận gộp của MoMo đều tăng . Tuy nhiên, do chi phí bán hàng lớn khiến kỳ lân này vẫn chưa có lãi. Mỗi năm MoMo đều lỗ hơn 850 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2021, công ty này ghi nhận khoản lỗ lũy kế hơn 3.600 tỷ đồng.

4. Sky Mavies

Sky Mavies - “Kỳ lân công nghệ” thần tốc nhất việt nam
Sky Mavies – “Kỳ lân công nghệ” thần tốc nhất việt nam

Sky Mavis được Nguyễn Thành Trung thành lập vào đầu năm 2018. Đến tháng 2 cùng năm, công ty đã phát hành tựa game NFT Axie Infinity đình đám. Axie Infinity gây ấn tượng khi ứng dụng được điểm mạnh nhất của công nghệ blockchain, đó chính là dữ liệu sẽ được lưu trữ và truyền tải trong các khối liên kết với nhau bằng mã hóa. 

Đầu năm 2021, Axie Infinity đã thu hút hơn 2,6 triệu người chơi. Đồng thời tổng giá trị giao dịch tháng trong game đạt gần 1 triệu USD. Đến tháng 7/2021, giá trị giao dịch tháng đạt 666 triệu đô. Axie Infinity cùng AXS đã trở thành một trong những tài sản kỹ thuật số hoạt động tốt nhất từ trước đến nay với mức tăng giá 7000% vào tháng 8/2021.

Đến Tháng 10/2021, Sky Mavis huy động thành công 152 triệu USD trong vòng gọi vốn series B, chính thức trở thành 1 trong 4 kỳ lân công nghệ của Việt Nam. Không những thế, đây còn được coi là kỳ lân nhanh nhất mà Việt Nam có cơ hội sản sinh ra. Sky Mavis chính xác mất 3 năm 8 tháng để làm được điều này, hai kỳ lân trước đó gồm VNG mất 10 năm và VNLIFE mất 13 năm.

Mong rằng trong những năm tới đây, Việt Nam sẽ có thêm nhiều công ty lớn mạnh để vươn mình trở thành các kỳ lân tiếp theo.

ads-3
share facebook
Author

Tác giả:

Hoàng Quỳnh Anh

Đã đóng góp: 1 bài viết

Bài viết liên quan