Chứng khoán | 06/02/2023
ESG là gì? Những nội dung về ESG nhà đầu tư cần biết
Bộ tiêu chuẩn ESG là một trong những thước đo hoạt động của doanh nghiệp quan trọng nhất. Những “cổ phiếu xanh” của doanh nghiệp đạt chuẩn ESG đang được nhà đầu tư đặc biệt quan tâm. Vậy cụ thể ESG là gì? Những doanh nghiệp nào được coi là đạt chuẩn ESG? Hãy cùng DNSE tìm hiểu trong bài viết này nhé!
ESG là gì?
ESG (Environmental – Social – Governance) là một bộ tiêu chuẩn đo lường những yếu tố liên quan đến hoạt động phát triển bền vững của một doanh nghiệp. Nó bao gồm các tiêu chí về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp.
Nhà đầu tư có thể sử dụng ESG để chọn lọc các công ty hoạt động hiệu quả và có trách nhiệm với xã hội để đầu tư. Đồng thời ESG giúp các doanh nghiệp xác định rủi ro, cơ hội và mức độ ảnh hưởng khi áp dụng các tiêu chuẩn này vào quá trình vận hành.
Nội dung của ESG
E – Environment – Yếu tố môi trường trong ESG
Tiêu chuẩn về môi trường (Environment) đề cập đến mức độ tác động của doanh nghiệp đến môi trường trong quá trình hoạt động sản xuất. Nó bao gồm chính sách sử dụng năng lượng, xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm, đối phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đối xử với động vật.
Một doanh nghiệp chú trọng thực hiện theo tiêu chuẩn ESG về môi trường có thể cân nhắc những hành động phù hợp để vừa đảm bảo hoạt động kinh doanh vừa bảo vệ môi trường. Ngoài ra doanh nghiệp có thể dựa vào ESG để đánh giá rủi ro môi trường có nguy cơ gặp phải. Từ đó có những biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
S- Social – Yếu tố xã hội trong ESG
Tiêu chuẩn về xã hội (Social) xem xét mối quan hệ với các bên liên quan cả trong và ngoài công ty. Nó hướng tới các yếu tố liên quan đến quan hệ với đối tác và khách hàng, cũng như với nhân viên. Trong đó có:
- Đảm bảo quyền riêng tư và bảo mật, đặc biệt đối với thông tin cá nhân của khách hàng.
- Hoạt động hướng tới cộng đồng, đảm bảo công bằng xã hội và đạo đức doanh nghiệp, đấu tranh chống phân biệt chủng tộc và giới tính,…
- Đảm bảo môi trường và điều kiện làm việc của nhân viên. Việc này bao gồm đảm bảo an toàn lao động, công bằng trong đối xử và tuân thủ quy định về mức lương, giờ làm, chính sách bảo hiểm,…Quản trị doanh nghiệp
S- Governance – Quản trị doanh nghiệp
Tiêu chuẩn về quản trị doanh nghiệp (Governance) liên quan đến việc hoạt động minh bạch và tuân thủ quy định về kinh doanh. Trong đó có việc công bố thông tin và kết quả hoạt động hàng năm một cách công khai, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, lựa chọn ban lãnh đạo và chịu trách nhiệm trước cổ đông.
Doanh nghiệp cần minh bạch, chính xác và công bằng trong chọn lọc các thành viên ban lãnh đạo. Đồng thời có những biện pháp chống hối lộ, tham nhũng trong quá trình quản trị. Doanh nghiệp cũng cần đảm bảo tính đa dạng về nguồn gốc của thành viên trong hội đồng quản trị.
Một số doanh nghiệp ESG tiêu biểu tại Việt Nam
Vinamilk
Vinamilk (VNM) là doanh nghiệp Việt Nam đi đầu trong hoạt động phát triển bền vững. Năm 2021, Vinamilk cho ra mắt 3 trang trại Vinamilk Green Farm với nhiều ứng dụng công nghệ. Nhờ đó công ty hạn chế được phát thải, tái tạo tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Nhiều biện pháp chăm sóc động vật, liên kết thúc đẩy kinh tế địa phương sử dụng năng lượng mặt trời,… giúp Vinamilk đến gần hơn với mục tiêu phát triển bền vững đã đề ra.
Vinfast
VinFast chú trọng đến việc sản xuất các phương tiện di chuyển chạy bằng điện giúp giảm thiểu khí thải ra môi trường. Trải nghiệm khách hàng cũng được quan tâm cải thiện nhờ các dịch vụ thông minh và thân thiện.
Năm 2022 VinFast đã nhận được 23,3 điểm đánh giá ESG của Morningstar Sustainalytics. Công ty lọt top 10 hãng xe có xếp hạng ESG cao nhất thế giới. Đặc biệt trong hạng mục rủi ro tiềm ẩn thấp, Vinfast đã xếp hạng cao nhất so với các công ty thuần điện khác.
FPT
Tập đoàn FPT có những đóng góp tích cực trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời FPT cũng góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của nhiều tỉnh, thành phố. Ngoài ra, FPT cung cấp những giải pháp hỗ trợ cho nhiều doanh nghiệp khác. Từ đó giúp họ nâng cao trải nghiệm khách hàng, gia tăng lợi nhuận, tạo thêm việc làm.
Xu hướng đầu tư vào các doanh nghiệp ESG
Hiện nay, ESG trở thành một trong những tiêu chuẩn hàng đầu để nhà đầu tư lựa chọn doanh nghiệp đầu tư, đặc biệt là trong và sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Bên cạnh lợi ích kinh tế, tuân thủ theo ESG là lựa chọn sống còn của doanh nghiệp.
Dòng tiền đầu tư vào các doanh nghiệp đạt chuẩn ESG tăng lên mạnh mẽ theo sự phát triển của hệ sinh thái ESG. Có thể thấy, nhà đầu tư đang quan tâm lớn đối với giá trị cốt lõi của doanh nghiệp thay vì chỉ sử dụng các chỉ tiêu tài chính thông thường.
Tại Việt Nam, thị trường chứng khoán luôn biến động thất thường. Vì vậy, nhà đầu tư cần tập trung nhiều hơn đến nền tảng hoạt động của doanh nghiệp. Họ thường ưu tiên những công ty theo đuổi mục tiêu bền vững và hoạt động có trách nhiệm. Bởi đây được dự báo là khoản đầu tư ổn định và phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Kết
Trên đây là câu trả lời cho câu hỏi ESG là gì. Tuân thủ ESG giúp doanh nghiệp phát triển ổn định, được cộng đồng và nhà đầu tư ghi nhận. Đừng quên theo dõi DNSE để biết thêm nhiều thông tin đầu tư bổ ích nhé!