Kiến thức tổng quan | 02/12/2021

Hiệu ứng đám đông – Câu chuyện không của riêng lĩnh vực đầu tư nào

Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett đã nói: “Các bạn đừng chạy theo đám đông, hãy đặt đúng câu hỏi”. Chạy theo đám đông hay còn biết đến với cái tên hiệu ứng đám đông là hiện tượng phổ biến trên thị trường chứng khoán. Trong một số trường hợp, hiệu ứng này quyết định diễn biến trên thị trường và xu hướng đầu tư chứng khoán mới trong tương lai. Vậy bản chất của hiệu ứng đám đông là gì và nó có tác động xấu đến thị trường hay không?

Hiệu ứng đám đông là gì?

Tìm hiểu về Hiệu ứng đám đông
Tìm hiểu về Hiệu ứng đám đông

Hiệu ứng đám đông có tên gọi khác là “hiệu ứng bầy đàn”, chỉ tình huống mà suy nghĩ và hành động của cá nhân chịu sự chi phối từ số đông những người khác.

Đám đông luôn vô thức bị tác động, hành động theo bản năng mà không thông qua suy luận, đánh giá về tính hợp lý trong hành vi của những người khác. Một đám đông cần một thủ lĩnh là kim chỉ nam để dẫn dắt và cho họ bản năng hành động. Đối với họ, số đông là đúng, sáng suốt và an toàn.

Ảnh hưởng của hiệu ứng đám đông

Giống như những khía cạnh khác của cuộc sống, hiệu ứng đám đông cũng tồn tại 2 mặt đối lập: tích cực và tiêu cực

Tác động Tích cực

Những tác động tích cực của Hiệu ứng đám đông
Những tác động tích cực của Hiệu ứng đám đông

Hiệu ứng đám đông không phải lúc nào cũng đem lại kết quả tiêu cực. Nhờ hiệu ứng đám đông mà cá nhân cảm thấy an toàn và tự tin hơn để lan tỏa năng lượng tích cực cho xã hội. Ngược lại, tinh thần này cũng cuốn theo những người ngoài cuộc quan tâm và tham gia vào những việc làm tốt.

Ví dụ: Các trào lưu “Sports from home”, “Yêu bếp, nghiện nhà”, “Vũ điệu rửa tay”,… trong mùa dịch đã thu hút đông đảo sự chú ý và hưởng ứng của giới trẻ trên các nền tảng xã hội. Việc này không những làm giảm tác động tiêu cực khi mà người dân bị hạn chế ra ngoài mà còn nâng cao ý thức của giới trẻ về việc chăm sóc sức khỏe và đời sống cho bản thân và phòng chống dịch Covid 19.

Tác động Tiêu cực

Những tác động tiêu cực của Hiệu ứng đám đông
Những tác động tiêu cực của Hiệu ứng đám đông

Hiệu ứng đám đông gây ra hiệu ứng tâm lý dây chuyền, số lượng người tham gia càng nhiều thì hiệu ứng càng lớn. Trong trường hợp đám đông hành động sai lệch thì cá nhân cũng hành động sai lệch, gây ra các hệ lụy tiêu cực về sau.

Những người bị chi phối bởi hiệu ứng đám đông thường mang tâm trạng lo sợ, thiếu chắc chắn và nóng vội. Họ cảm thấy an toàn hơn khi hành động theo bầy đàn. Đám đông cho họ sự tự tin vì số lượng lớn những người khác cũng suy nghĩ và hành động giống mình. Họ không khác biệt. Một đám đông tự tin và điên cuồng hành động thì hậu quả tiếp đó là không thể lường trước được.

Ví dụ điển hình của hiệu ứng đám đông là câu chuyện về Bong bóng tulip vào giữa thế kỷ XVII tại Hà Lan. Hoa tulip lúc đó trở thành cơn sốt trên thị trường Châu Âu và thậm chí được coi là biểu tượng cho quyền lực và địa vị. 1 củ hoa tulip có thể mua được 1 cỗ xe kéo và có những thời điểm tulip hiếm được bán với giá 100.000 USD giá trị hiện nay. Người người đổ xô đi đầu cơ hoa tulip vì họ tin rằng giá hoa còn tăng mạnh trong tương lai. Nhưng vào tháng 2/1637, thị trường hoa tulip lao dốc do các nhà đầu cơ chi phối thị trường quyết định bán tháo. Giá củ hoa rớt xuống chỉ còn 1% giá trị và thổi bay tài sản của nhiều người.

Hiệu ứng đám đông trong chứng khoán

Thị trường chứng khoán bản chất là thị chứng của đám đông. Trong chứng khoán, hiệu ứng đám đông dùng để chỉ việc một nhóm nhà đầu tư thường dựa vào hành động của những nhà đầu tư khác để quyết định. Khi thấy người ta mua, mình cũng mua; khi thấy người ta bán, mình cũng bán.

Một số nhà đầu tư thích mua theo “đội lái”. Đội lái là từ lóng chỉ nhóm nhà đầu tư lớn, liên kết với nhau để đánh lên hoặc đánh xuống giá cổ phiếu để hưởng lợi từ chênh lệch giá. Họ sử dụng tâm lý đám đông để thao túng và chi phối xu hướng đầu tư. Điều này dẫn đến xáo trộn thị trường chứng khoán và phá vỡ sự cạnh tranh lành mạnh.

Hiệu ứng đám đông trong chứng khoán
Hiệu ứng đám đông trong chứng khoán

Tâm lý đám đông tạo ra 2 thái cực trên thị trường chứng khoán: các nhà đầu tư quá hưng phấn hoặc quá sợ hãi. Trường hợp đám đông nhà đầu tư quá hưng phấn, việc đầu cơ tăng nhanh, giá ảo và các bong bóng chứng khoán sẽ xuất hiện. Khi đám đông sợ hãi, tình trạng ồ ạt bán tháo ra thị trường để cắt lỗ khiến thị trường lao dốc không phanh. Cả hai trường hợp này đều nguy hiểm và gây ra hậu quả nghiêm trọng, thậm chí tác động lên nền kinh tế vĩ mô.

Làm thế nào để tránh được hiệu ứng đám đông trong đầu tư chứng khoán?

Đầu tư kiến thức

Thị trường chứng khoán bị chi phối bởi sự không chắc chắn, sợ hãi và lòng tham. Một số người mải mê chạy theo cơ hội đầu tư và lợi nhuận mà không trau dồi, học tập để nâng cao kiến thức.

Theo một thống kê, 80% thời gian của những nhà đầu tư cá nhân, những người lướt sóng và trading dành cho việc đọc tin, hóng hớt các diễn đàn, group, theo dõi bảng điện,… Trong khi đó, chưa đến 20% thời gian là nghiên cứu về tình hình hoạt động, báo cáo tài chính của doanh nghiệp hay nghiên cứu chuyên sâu về các phương pháp đánh giá, phân tích chứng khoán.

Biện pháp tránh bị tác động bởi hiệu ứng đám đông
Biện pháp tránh bị tác động bởi hiệu ứng đám đông

Vậy nên, không những trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán mà còn đối với tất cả các lĩnh vực khác, việc nắm vững kiến thức sẽ giúp nhà đầu tư tự tin hơn và tâm lý ổn định khi thị trường biến động mạnh.

Cập nhật, theo dõi tình hình kinh tế xã hội

Cập nhật, theo dõi tình hình kinh tế xã hội để có cái nhìn toàn diện hơn về thị trường.
Cập nhật, theo dõi tình hình kinh tế xã hội để có cái nhìn toàn diện hơn về thị trường.

Ngoài ra, nhà đầu tư nên cập nhật thông tin về những chính sách, quy định, văn bản pháp lý do nhà nước ban hành và theo dõi biến động của yếu tố vi mô, vĩ mô và các yếu tố tác động khác lên chứng khoán để có cái nhìn toàn diện hơn về thị trường.

Đặt câu hỏi

Thuờng xuyên đặt câu hỏi trước những xu hướng đầu tư mới
Thuờng xuyên đặt câu hỏi trước những xu hướng đầu tư mới

Khi nhận thấy xu hướng đầu tư mới trên thị trường, nhà đầu tư cần cẩn thận đánh giá, phân tích tính chân thật và sự phù hợp của xu hướng đối với chiến lược đầu tư cá nhân. “Liệu trào lưu đầu tư này có phù hợp với mục tiêu đầu tư của bản thân hay không?”, “Có điểm gì bất hợp lý và rủi ro của xu hướng này không?”, “Trong trường hợp không mong muốn nên cắt lỗ như thế nào?”,…Đây là những câu hỏi mà nhà đầu tư nên cân nhắc trước mỗi xu hướng đầu tư mới.

Chấp nhận khác biệt

Luôn sẵn sàng tách biệt bản thân ra khỏi đám đông
Luôn sẵn sàng tách biệt bản thân ra khỏi đám đông

Điều cuối cùng để hạn chế sự ảnh hưởng của hiệu ứng đám đông đến tâm lý và hành động của nhà đầu tư là luôn sẵn sàng tách biệt bản thân ra khỏi đám đông, kiểm soát sự bất ổn trong tâm lý và bứt phá khỏi giới hạn của mình. Đám đông có thể đúng nhưng không phải lúc nào cũng đúng. Khi đám đông hành động không hiệu quả hay hợp lý, hãy tách khỏi đám đông.

Nếu bạn cảm thấy phương án đầu tư của mình đi ngược lại với xu hướng trên thị trường, hãy tham khảo những nguồn thông tin, đánh giá và dự báo của đám đông và kết hợp sử dụng chiến lược tiếp cận thông minh để tối thiểu rủi ro.

ads-3
share facebook
Author

Tác giả:

Đặng Trà My

Đã đóng góp: 1 bài viết

Bài viết liên quan