Tự do tài chính | 22/03/2023
KFC và thăng trầm khởi nghiệp của Harland Sanders
Với những ai là tín đồ của gà rán, không thể không biết tới thương hiệu KFC lừng danh khắp thế giới. Câu chuyện về KFC và người sáng lập Harland Sanders không chỉ truyền cảm hứng mà còn minh chứng cho một điều “không bao giờ là quá muộn để bắt đầu”.
Harland Sanders là ai?
Harland Sanders – nổi tiếng với biệt danh “Đại tá Sanders”, sinh ngày 9/9/1890 tại Indiana, Mỹ.
Lên 6 tuổi, bố mất sớm nên mẹ ông phải lao động để trang trải cho gia đình. Từ đây, cậu bé Harland đã thay mẹ lo việc chăm sóc những đứa em nhỏ và làm rất nhiều công việc bếp núc.
Năm 12 tuổi, do mâu thuẫn với cha dượng cục cằn mà mẹ mới cưới, Sanders rời nhà đi làm thêm tại một trang trại cách đó 130km. Ông nhận ra việc học không thể nuôi sống mình lúc bấy giờ nên đã thôi học khi mới 16 tuổi.
Cuộc sống bấp bênh, Sanders đã trải qua rất nhiều công việc. Năm 15 tuổi làm nhân viên điều khiển giao thông, 16 tuổi đi lính 6 tháng tại Cuba rồi bị đuổi do khai gian tuổi. 17 tuổi bị đuổi việc 4 lần.. Trong suốt thời gian này, duy chỉ có một điều không hề thay đổi đó là niềm đam mê nấu ăn đã bắt đầu nảy sinh trong ông ngay từ khi còn rất nhỏ.
Ông lấy vợ ở tuổi 18, lập gia đình sớm nhưng sự nghiệp lại không hề tiến triển. Trong suốt khoảng 3 thập kỷ tiếp theo, ông lăn lộn đủ mọi loại nghề để kiếm sống như: Thủy thủ, cứu hỏa, luật sư, thư ký, thậm chí còn đi bán bảo hiểm nhưng không thành công ở lĩnh vực nào.
KFC đã ra đời như thế nào?
Ở tuổi tứ tuần, Sanders sạt nghiệp và chuyển về bang Kentucky, ông và gia đình xin được ở tạm tại 1 cửa hàng xăng, đổi lại ông phải làm nhân viên bán xăng cho họ với tiền công rẻ mạt. Ngoài đổ xăng ra thì quán còn phục vụ cho tài xế và khách vãng lai với những bữa ăn đơn giản như: giăm bông, đậu que, bánh quy mềm và gà rán.
Nhận thấy gà rán là món rất được ưa chuộng trong menu, thế nên ông sáng tạo ra cách rán gà trong nồi áp suất, chỉ mất vài phút là có ngay 1 đĩa gà giòn tan. Đây là cách chế biến đi trước thời đại vì hồi đấy, các nhà hàng phải mất tới tận nửa tiếng mới rán xong 1 suất gà. Đặc biệt, ông còn sáng tạo ra công thức trứ danh với 11 loại gia vị thảo mộc bí mật tạo nên một món gà rán với hương vị đặc biệt chưa từng xuất hiện trước đó.
Nhờ vậy mà Sanders đã có cho mình khoản tiền để mở nhà hàng riêng ở đối diện trạm xăng. Ông đặt tên cho quán này là Kentucky Fried Chicken, viết tắt là KFC.
Những năm đầu thăng trầm của KFC
Năm 1952, Sanders lần đầu tiên nhượng quyền công thức gia vị bí mật của mình về món gà rán “Kentucky Fried Chicken” cho Pete Harman ở South Salt Lake, Utah, nhà điều hành của một trong những nhà hàng lớn nhất thành phố khi đó. Thương vụ thành công này đã mở ra nhiều cánh cửa mới cho Sanders.
Sanders được Thống đốc bang Kentucky Ruby Laffoon trao tặng danh hiệu danh dự “Đại tá” vì nỗ lực phục vụ cộng đồng và tinh thần khởi nghiệp của ông.
Tưởng chừng như đã tìm ra được bí quyết thành công. Thế nhưng, một loạt biến cố ập tới với Sanders. Đầu tiên là cháy nhà hàng. Sau đó, Sanders mở một nhà hàng kiêm nhà nghỉ khác thì bị một tuyến đường cao tốc mới bịt đường rẽ vào, khiến cho việc làm ăn của ông lụi bại. Ông đành bán cả cơ nghiệp với số tiền chỉ vừa đủ để đóng thuế và cuộc sống lại trông cậy vào khoản tiền trợ cấp xã hội ít ỏi 105 USD/tháng.
Không bỏ cuộc, Sanders chuyển hướng sang giới thiệu nhượng quyền bí quyết của mình cho các nhà hàng khác. Lúc này, ông đã 62 tuổi, thế nhưng Sanders vẫn phải rong ruổi trên khắp các con đường để tìm kiếm các cửa hàng nhượng quyền tiềm năng với món gà rán KFC. Thậm chí phải xin ăn từ bạn bè và ngủ trong xe ô tô mỗi đêm.
Dù bị từ chối tới tận 1009 lần, thế nhưng Sanders vẫn có một niềm tin mãnh liệt vào món gà rán KFC. Cuối cùng, ông cũng nhận được cái gật đầu của Peter Harmon – một doanh nhân ở Utah. Peter đã cho mở nhà hàng KFC nhượng quyền đầu tiên tại Salt Lake City năm 1952.
Kể từ đó, các cửa hàng nhượng quyền KFC mọc lên như nấm. Thế nhưng, Sanders không dễ dãi trong việc bán công thức rán gà của mình cho các nhà hàng. Ông rất khó tính khi lựa chọn nhà hàng nhượng quyền KFC. Trong suốt các năm sau đó, dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn rong ruổi khắp nước Mỹ để tìm ra những nhà hàng thỏa mãn các yếu tố khắt khe của riêng mình.
KFC chiếm lĩnh thị trường đồ ăn nhanh
Đến năm 1964, KFC đã có hơn 600 cửa hàng nhượng quyền trên khắp nước Mỹ. Cuối cùng thì Sanders cũng khởi nghiệp thành công ở tuổi 74. Sau đó, ông quyết định bán doanh nghiệp của mình với mức giá 2 triệu USD vì nó phát triển quá lớn, ông không đủ sức để điều hành.
Tuy nhiên, đại tá vẫn là đại sứ thương hiệu cho KFC với mức lương 75.000 đô mỗi năm với hình ảnh đặc trưng là bộ suit trắng, chùm râu muối tiêu và thắt một chiếc nơ đen đặc trưng.
Cả đời Sanders đã di chuyển 250.000 dặm mỗi năm để ghé thăm những cửa hàng ăn KFC trên khắp thế giới. Có lẽ chính vì sự nghiêm khắc và chỉn chu này, mà KFC có được những quy chuẩn cần thiết về chất lượng. KFC mạnh đến mức mà một số nhà hàng bán đồ ăn nhanh, điển hình như McDonald’s cũng phải thêm món gà rán vào menu của mình.
Thậm chí, nhiều đối thủ còn muốn tìm mọi cách để có được danh sách 11 gia vị trứ danh của KFC. Nhưng đến giờ, nó vẫn là 1 trong những bí mật thương mại có giá trị nhất của Mỹ.
Ở tuổi 88, Harland Sanders trở thành triệu phú của chuỗi thương hiệu gà rán nổi tiếng nhất thế giới sau bao thăng trầm cuộc đời. Ông mất vào tháng 12 năm 1980 (90 tuổi). Dù đã hơn 30 năm trôi qua kể từ thời điểm đó, KFC vẫn tiếp tục sử dụng hình ảnh của ông để quảng cáo cho món gà rán huyền thoại với hơn 25.000 cửa hàng trên khắp thế giới.
Hiên KFC là 1 trong 3 thương hiệu đang cạnh tranh gắt gao cho ngôi vị ông hoàng nhượng quyền, bên cạnh 7-Eleven và McDonald’s.