Quản lý tài sản | 30/03/2023
Kinh doanh AirBnB là gì? AirBnB tại Việt Nam có thực sự “hốt bạc”?
Theo thống kê của Outbox Consulting, đến giữa năm 2020, số lượng cơ sở AirBnB tại Việt Nam đã vượt mức 40.800, tập trung tại các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng,… Trung bình một AirBnB kiếm được khoảng 14 triệu đồng mỗi tháng. Vậy AirBnB là gì và những lưu ý khi kinh doanh AirBnB tại Việt Nam? Hãy để DNSE giải đáp giúp bạn qua bài viết này nhé.
Giới thiệu về AirBNB
AirBnB (Air Bed and Breakfast) là một mô hình startup kết nối giữa người cần thuê nhà với những người có phòng cho thuê thông qua ứng dụng di động. AirBnB ra đời từ năm 2008 với trụ sở tại Silicon Valley, California. Tới thời điểm hiện tại, AirBnB ngày càng được ưa chuộng bởi khách hàng và có mặt tại hơn 190 quốc gia toàn cầu.
Kinh doanh AirBnB là gì?
Mô hình kinh doanh AirBnB bao gồm 3 chủ thể chính: người thuê nhà, người cho thuê và chính ứng dụng AirBnB. Người cho thuê cần đăng ký tài khoản và tải hình ảnh, thông tin căn hộ cần cho thuê lên ứng dụng AirBnB. Những người mua sẽ lựa chọn căn hộ ưng ý và đặt phòng. Việc thanh toán được thực hiện ngay trên AirBnB, với một mức phí nhỏ đối với cả người cho thuê và người đi thuê. Khoản phí này khoảng 3% giá trị đặt phòng đối với chủ nhà. Và khoảng 6 – 12% đối với khách đặt phòng. Đây là mức phí hợp lý và tiết kiệm so với việc đặt phòng khách sạn qua các kênh truyền thống.
AirBnB ngày càng được sử dụng rộng rãi nhờ những ưu điểm vượt trội so với kênh đặt phòng truyền thống. Có thể kể đến: Nguồn căn đa dạng, tìm phòng nhanh chóng, giá thuê rẻ và nhiều mã giảm giá hấp dẫn.
Những lợi ích khi kinh doanh AirBnB
– Giúp bạn có nguồn thu nhập thụ động hấp dẫn.
– Tiếp cận được đa dạng khách hàng – cả khách hàng Việt Nam và nước ngoài.
– Trên ứng dụng AirBnB có mục review phòng và khách thuê. Vì vậy bạn có thể “né” những khách thuê sử dụng phòng thiếu vệ sinh, bất lịch sự,…
– Nếu bạn đang làm trong ngành du lịch thì đây còn là cơ hội để bạn giới thiệu họ sử dụng các dịch vụ du lịch đi kèm.
– Phí dịch vụ trả cho AirBnB chỉ 3% cho mỗi giao dịch thành công, rẻ nhất trong các kênh OTA.
– Bạn không phải phục vụ khách hàng như ở khách sạn hay nhà nghỉ.
– Ngoài ra, Airbnb cung cấp gói bảo hiểm nếu khách sử dụng dịch vụ trong phòng gây ra hư hại. Ví dụ: trộm cắp, vỡ đồ đạc, hỏng thiết bị…
Cách đăng ký kinh doanh AirBnB
Đăng ký tài khoản trên AirBnB
Đầu tiên, bạn truy cập vào trang web chính thức của AirBnB và làm theo hướng dẫn để tạo tài khoản kinh doanh. Bạn cần điền chính xác và đầy đủ các thông tin cơ bản mà AirBnB yêu cầu. Lưu ý rằng tất cả thông tin viết bằng tiếng Anh.
Đăng ký cho thuê nhà trên AirBnB
Bước 1: Đăng tải thông tin cho thuê nhà
– Chọn loại lưu trú phù hợp: Apartment (căn hộ), Boutique Hotel (khách sạn) và House (nhà)
– Chọn vị trí của nhà/căn hộ cho thuê
– Khai báo số lượng phòng, số giường, số phòng tắm
– Tick chọn những thiết bị tiện nghi mà bạn có và các thiết bị an toàn (wifi, TV, bếp nấu ăn,…)
– Đăng tải hình ảnh căn hộ cho thuê
– Đặt tiêu đề cho nhà của bạn
– Viết description (khoảng 500 chữ) theo hướng dẫn của AirBnB để mô tả chi tiết hơn về căn nhà của bạn.
Bước 2: Tạo profile cá nhân và yết giá thuê
Tiếp đến, bạn cần tạo profile cá nhân để tăng tính tin cậy, thân thiện và thu hút người xem. Hãy chọn 1 avatar rõ mặt, tươi tắn và dễ mến. Đừng quên xác nhận số điện thoại để AirBnB thông báo khi có khách hỏi hoặc đặt phòng.
Điền vào phần Setting những yêu cầu của bạn đối với khách. Bao gồm:
- Lịch cho thuê nhà
- Thời gian tối thiểu khách lưu trú tại nhà (ví dụ tối thiểu 1 đêm)
- Thời gian tối thiểu khách phải đặt trước khi tới nhận phòng (ví dụ 3 ngày)
- Những nội quy khi sử dụng phòng (ví dụ: không gây ồn ào, dọn phòng trước khi đi…)
Tiếp theo, hãy đặt giá cho thuê nhà trên AirBnB. Ở đây, bạn cần cân đối những mức giá như:
- Giá cơ bản: là giá hiển thị khi khách xem căn hộ của bạn trên AirBnB
- Smart Pricing: AirBnB sẽ tự điều chỉnh giá nhà bạn theo giá sàn của hệ thống dựa vào mùa cao hay thấp điểm ở vị trí của bạn
- Phí đặt cọc: phí này chỉ trừ vào tài khoản khách khi khách làm hư hỏng đồ hoặc mất chìa khóa.
Bước 3: Cài đặt phương thức rút tiền
Bạn truy cập mục Account Setting, chọn Payout Method để chuyển tiền về tài khoản ngân hàng. Hoặc bạn có thể sử dụng Paypal hay Payoneer. Lưu ý phí chuyển tiền Paypal sẽ sẽ cao hơn Payoneer một chút.
Có nên kinh doanh AirBnB tại Việt Nam hay không?
Tình hình kinh doanh AirBnB tại Việt Nam
Sau đại dịch, nhu cầu du lịch tại Việt Nam phục hồi trở lại và ngày càng tăng trưởng rõ rệt. Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2022 là 3,66 triệu lượt người – tăng gấp 23,3 lần so với năm 2021. Đây là điều kiện lý tưởng để AirBnB phát triển mạnh mẽ, đặc biệt tại các trọng điểm du lịch như Đà Nẵng, Hồ Chí Minh, Hà Nội,…
Xuất hiện tại Việt Nam từ 2015, hiện nay các hình thức AirBnB ngày càng đa dạng. Không chỉ là hình thức cho thuê căn hộ bình dân, cho thuê homestay, nhà nghỉ,… Nhiều gia đình giàu có sở hữu các biệt thự, villas ven biển hoặc tại các điểm du lịch lớn. Họ chỉ đến nghỉ ngơi dịp cuối tuần, lễ hội nên phần lớn thời gian còn lại họ đăng ký AirBnB cho thuê.
Thủ tục pháp lý khi kinh doanh AirBnB tại Việt Nam
Mặc dù hình thức kinh doanh này rất hấp dẫn, nhiều người e ngại về các rủi ro pháp lý của nó. Vậy hãy để DNSE giúp bạn các thủ tục pháp lý cần làm để kinh doanh AirBnB tại Việt Nam nhé.
1. Đăng ký hộ kinh doanh cá thể
Trước tiên, bạn truy cập website: https://dangkykinhdoanh.gov.vn/ và chuẩn bị hồ sơ theo hướng dẫn. Ngành nghề kinh doanh ghi “cho người nước ngoài thuê nhà nguyên căn”. Sau đó nộp cho UBND tại quận huyện nơi cho thuê nhà. Khi đăng ký thành công và nộp hồ sơ xong, UBND quận sẽ hướng dẫn bạn qua Chi cục Thuế quận để khai mã số thuế cá nhân và đóng thuế môn bài.
2. Đăng ký phòng cháy chữa cháy
Việc đăng ký phòng cháy chữa cháy bạn làm theo hướng dẫn của Cảnh sát PCCC tại nơi sinh sống. Bạn có thể tham khảo Thông tư 33/2010/TT-BCA để lựa chọn phương án đăng ký phòng cháy chữa cháy phù hợp.
3. Đăng ký tạm trú
Đăng ký tạm trú là điều kiện bắt buộc đối với hộ kinh doanh lưu trú. Bạn phải khai báo tạm trú cho khách hàng trước 21h mỗi ngày qua trang web của bộ công an.
4. Khai báo và đóng thuế
Việc đóng thuế của bạn sẽ thực hiện theo các quy định về thuế đối với hộ kinh doanh cá thể.
Làm gì để căn nhà AirBnB của bạn đông khách?
Viết giới thiệu về căn hộ cho thuê
Một lời giới thiệu ấn tượng sẽ tạo thu hút sự chú ý của khách hàng đối với căn hộ cho thuê của bạn. Hãy làm nổi bật những đặc điểm tuyệt vời của căn hộ. Ví dụ như: Vị trí thuận lợi gần trung tâm thành phố và các tụ điểm du lịch, đầy đủ tiện nghi, có bồn tắm và ban công rộng… Lưu ý, mọi mô tả trên AirBnB cần được viết bằng tiếng Anh.
Hình ảnh minh họa
Hãy sử dụng hình ảnh chụp chất lượng, bao quát toàn bộ căn hộ của bạn. Bạn có thể chụp cả cảnh quan bên ngoài nếu căn hộ nằm tại nơi có view đẹp. Nếu có bể bơi, phòng tập thể thao cũng là một điểm cộng. Hãy nhớ đầu tư cho hình ảnh vì đó là cơ sở để khách hàng lựa chọn căn hộ của bạn.
Đặt giá cho thuê phù hợp
Bạn cũng cần chú ý đến giá cho thuê căn hộ sao cho phù hợp. Hãy tham khảo giá cả các căn hộ tương tự ở cùng khu vực để đưa ra một mức giá hợp lý, cạnh tranh. Ngoài ra, cần chú ý thời điểm cho thuê có phải mùa cao điểm du lịch hay không. Ví dụ, trong dịp lễ như 30/04, bạn có thể tăng giá phòng từ 5%. Nếu khách đề nghị thuê phòng dài hạn bạn có thể cân nhắc giảm giá để giữ chân khách hàng.
Kết
Hy vọng bài viết của DNSE đã cung cấp cho bạn thông tin hữu ích và giải đáp mô hình kinh doanh AirBnB là gì. Nhìn chung, đây là một kênh gia tăng thu nhập hiệu quả và không tốn quá nhiều chi phí. Tuy nhiên, bạn cần chuẩn bị mọi thứ thật tốt từ cơ sở vật chất đến việc đối mặt với các vấn đề phát sinh khi cho thuê. Ngoài ra, bạn có thể tham khảo các cách kiếm tiền online để tích lũy tài chính ngay bây giờ nhé.