Kinh tế | 24/05/2022
Lãi suất âm là gì? Tác động và những rủi ro của lãi suất âm với nền kinh tế
Lãi suất âm là một thuật ngữ khá lạ lẫm tại Việt Nam nhưng lại tương đối phổ biến tại các quốc gia phát triển. Chính sách này có thể tạo ra những tác động tích cực với nền kinh tế nhưng cũng đi kèm nhiều rủi ro. Vậy lãi suất âm là gì? Khi nào thì nên áp dụng lãi suất âm? Hãy cùng DNSE tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Lãi suất âm là gì?
Thông thường, khi gửi tiền, bạn (với tư cách là một người cho vay) sẽ nhận được một khoản lãi suất. Tuy nhiên, lãi suất âm thì hoàn toàn ngược lại. Bạn sẽ phải trả thêm một khoản phí ngay cả khi bạn cho vay.
Ví dụ, bạn muốn gửi 100 triệu vào ngân hàng với lãi suất là -2%. Vậy hàng tháng bạn sẽ phải trả cho ngân hàng: 100 x 2% = 2 triệu.
Dưới góc độ người đi vay, họ thậm chí sẽ nhận được lãi khi vay tiền. Đây có thể coi là một nghịch lý. Tuy nhiên, lãi suất âm thường xảy ra trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế hoặc Chính phủ mỗi quốc gia có những chính sách tiền tệ đặc biệt.
Ý nghĩa của lãi suất âm là gì?
Lãi suất âm ra đời với kỳ vọng đem lại những hiệu quả kinh tế nhất định, cụ thể như:
- Thúc đẩy việc cho vay nhiều hơn, tránh lãng phí tiền nhàn rỗi
- Khống chế lạm phát ở mức cân bằng thông qua việc áp dụng cho lãi suất xuống dưới 0%
- Kích thích, hỗ trợ thị trường chứng khoán có những khởi sắc, phát triển nhanh chóng
Khi nào cần áp dụng lãi suất âm?
Lãi suất âm hầu như không xuất hiện trong bối cảnh bình thường. Nó chỉ được áp dụng nếu nền kinh tế đang trong tình trạng giảm phát nghiêm trọng. Lúc này, đồng tiền trở nên có giá hơn. Do đó, người dân có xu hướng tích trữ tiền thay vì tiêu dùng. Điều này khiến tổng cầu và mức giá chung bị giảm sút. Từ đó, nền kinh tế trì trệ và bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Lúc này, để kích thích chi tiêu một cách mạnh mẽ, Nhà nước thường sẽ thực hiện giảm lãi suất. Tuy nhiên, mức độ giảm phát vẫn là quá lớn, Nhà nước sẽ hạ lãi suất xuống mức âm để tạo ra những ảnh hưởng tích cực hơn.
Mục đích lớn nhất của việc áp dụng lãi suất âm là để kích thích dòng tiền được lưu thông, giảm lượng tiền nhàn rỗi và đẩy mạnh các hoạt động tiêu dùng, đầu tư. Các doanh nghiệp được khuyến khích vay vốn để đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh. Qua đó thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế chung.
Thụy Điển là đất nước đầu tiên áp dụng mức lãi suất âm vào năm 2012. Sau đó, nhiều quốc gia phát triển tại châu Âu cũng như Nhật Bản cũng thực hiện chính sách này.
Rủi ro khi áp dụng lãi suất âm
Tín dụng bị thắt chặt
Khi lãi suất âm được áp dụng, nguồn thu từ các hoạt động gửi tiền và cho vay của ngân hàng bị giảm sút. Trong khi đó, khi gửi tiền tại ngân hàng Trung ương, các ngân hàng thương mại lại mất thêm chi phí. Về lâu dài, điều này khiến lợi nhuận của ngân hàng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Để đối mặt với tình trạng này, các ngân hàng buộc phải thu hẹp phạm vi cho vay, tăng chi phí lãi vay đối với người đi vay. Kết quả là những nỗ lực thực hiện chính sách tiền tệ mở rộng của ngân hàng không phát huy được tác dụng.
Có thể tạo ra tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán
Lãi suất âm được thực hiện để thúc đẩy thị trường chứng khoán. Thông thường, khi việc cho vay (gửi tiền ngân hàng) không còn hấp dẫn, người dân sẽ có xu hướng giữ tiền mặt hoặc đầu tư vào các tài sản khác có giá trị hơn (một trong số đó là chứng khoán).
Tuy nhiên, không phải lúc nào nó cũng có hiệu quả. Các ngân hàng thường chiếm tỷ trọng vốn hóa cao và có ảnh hưởng lớn với toàn bộ thị trường chứng khoán nói chung. Do đó, lợi nhuận nhóm ngân hàng bị giảm sút sẽ tạo ra những tác động tiêu cực tới thị trường, kéo các chỉ số thị trường đi xuống.
Tạo ra bẫy thanh khoản
Lãi suất âm tạo ra bẫy thanh khoản khi chủ yếu nhằm mục đích thúc đẩy chi tiêu, giảm các hoạt động gửi tiền tiết kiệm. Tuy nhiên, không có điều gì đảm bảo được mục tiêu này. Để tránh mất phí gửi tiền, người dân có thể giữ tiền mặt thay cho việc gửi tiền ngân hàng. Do đó, chính sách lãi suất âm cũng không đạt được hiệu quả như mong muốn.
Tình trạng thực tế về chính sách lãi suất âm đang được áp dụng
Có rất nhiều quốc gia đã thực hiện chính sách lãi suất âm để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Thụy Điển là đất nước đầu tiên áp dụng mức lãi suất -0.25% vào năm 2009. Sau đó, tới năm 2014, NHTW Châu Âu cũng áp dụng chính sách này với mức lãi suất -0.1%. Nhật Bản là quốc gia đầu tiên tại châu Á thiết lập mức lãi suất dưới 0%.
Tuy nhiên, nhìn chung hiệu quả của chính sách này là không lớn. Thị trường chứng khoán không có nhiều khởi sắc. Tại Nhật Bản, sau khi áp dụng chính sách lãi suất âm, đồng yên Nhật thay vì giảm giá như kỳ vọng thì lại tăng tới 10% so với đồng USD. Dù vậy, một vài tác động tích cực tới các hoạt động vay vốn và thúc đẩy kinh tế vẫn là có.
Việc áp dụng chính sách lãi suất âm đòi hỏi Chính phủ phải có những suy tính phù hợp vì rủi ro của nó tương đối lớn. Để tạo được hiệu quả tốt nhất, Nhà nước cần kết hợp chính sách này với những giải pháp khác nhằm khắc phục tối đa các rủi ro.
Kết luận
Trên đây là những chia sẻ của DNSE về lãi suất âm. Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu hơn về bản chất lãi suất âm là gì cũng như hiệu quả của nó đối với nền kinh tế. Để cập nhật thêm những kiến thức tài chính – chứng khoán khác, hãy ghé thăm DNSE thường xuyên nhé!