Kinh tế | 17/10/2023
Lãi suất điều hành là gì? Lãi suất điều hành tác động thế nào đến TTCK
Lãi suất điều hành chắc hẳn còn xa lạ đối với nhiều người, tuy nhiên đây là một công cụ quan trọng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để ổn định nền kinh tế. Vậy lãi suất điều hành là gì? DNSE sẽ giải đáp thắc mắc của bạn đọc qua bài viết dưới đây!
Lãi suất điều hành là gì?
Lãi suất điều hành là một công cụ, chính sách của ngân hàng nhà nước Việt Nam nhằm điều tiết các hoạt động tài chính, thúc đẩy nền kinh tế của quốc gia hoặc hỗ trợ hoạt động sản xuất cho doanh nghiệp.
Việc tăng hay giảm lãi suất điều hành trên thị trường là chỉ đạo của NHNN, còn người thực hiện là các tổ chức tín dụng (TCTD) và các ngân hàng thương mại (NHTM).
Quy định điều chỉnh lãi suất điều hành?
Việc điều chỉnh lãi suất của NHNN được đưa ra dựa vào Điều 12 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010:
- Ngân hàng Nhà nước công bố lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cơ bản và các loại lãi suất khác để điều hành chính sách tiền tệ, chống cho vay nặng lãi.
- Trong trường hợp thị trường tiền tệ có diễn biến bất thường, NHNN quy định cơ chế điều hành lãi suất áp dụng trong quan hệ giữa các tổ chức tín dụng với nhau và với khách hàng, các quan hệ tín dụng khác.
Khi thực hiện điều chỉnh lãi suất, NHNN sẽ đưa ra Thông tư, Quyết định. Sau đó các tổ chức tín dụng và ngân hàng thương mại có trách nhiệm thực hiện.
Tùy thuộc vào từng thời điểm, NHNN sẽ ban hành các Thông tư, Quyết định khác nhau để điều chỉnh lãi suất điều hành nhằm ổn định nền kinh tế và đảm bảo tăng trưởng.
Ví dụ: Quyết định 1809/QĐ-NHNN ban hành ngày 24/10/2022
- NHNN điều chỉnh tăng lãi suất tái cấp vốn từ 5%/năm lên 6%/năm
- Lãi suất tái chiết khấu từ 3,5% lên 4,5%/năm
- Các mức lãi suất cho vay qua đêm từ 6% lên 7%/năm.
Ý nghĩa của việc Ngân hàng nhà nước điều chỉnh lãi suất điều hành
- Tác dụng ổn định tỷ giá
NHNN tăng lãi suất là để thu hẹp khoảng cách trong điều hành so với mặt bằng xu hướng chung của các quốc gia lớn trên thế giới và trong khu vực.
Việc tăng/giảm lãi suất điều hành sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ giá hối đoái. Khi lãi suất điều hành của một nước tăng cao nghĩa là loại tiền tệ của nước đó sẽ có “giá” hơn.
Ví dụ: Khi tỷ giá giữa USD và VND tăng cao (1 USD = 30.000 VNĐ), các nhà đầu tư sẽ quy đổi USD sang VND để tận dụng sức mua của đồng USD. Nếu lượng quy đổi là quá lớn sẽ xảy ra tình trạng “chảy máu” đồng nội tệ. Lúc này Việt Nam trở nên “giàu” USD hơn bao giờ hết.
- Tác động đến thị trường tiền tệ
Các ngân hàng trung ương cũng cung cấp tiền cho các ngân hàng thương mại. Các ngân hàng thương mại cũng có hoạt động huy động vốn chéo của nhau. Như vậy lãi suất của ngân hàng trung ương thay đổi cũng sẽ tác động đến lãi suất giữa các ngân hàng, tổ chức tín dụng và thị trường tiền tệ.
- Tác động tới lạm phát
Trong một số trường hợp, ngân hàng trung ương tăng lãi suất điều hành để kiềm chế lạm phát. Khi giá cả thị trường tăng lên, ngân hàng trung ương tăng lãi suất khiến người dân khi vay của các ngân hàng thương mại sẽ phải chịu lãi cao hơn. Điều này gây tác động giảm đến sức mua tiêu dùng. Dần dần giá cả tiêu dùng sẽ giảm.
Lãi suất điều hành tác động thế nào tới thị trường chứng khoán?
Khi lãi suất điều hành giảm và được duy trì trong khoảng thời gian đủ dài, sẽ có tác động tích cực đến thị trường chứng khoán.
Lãi suất điều hành giảm tức là lãi suất tiền gửi (ngân hàng và các tổ chức tín dụng) sẽ trở nên kém “hấp dẫn”. Người dân thay vì gửi tiền tiết kiệm sẽ chuyển sang buôn bán kinh doanh, đầu tư bất động sản hoặc đầu tư chứng khoán.
Và ngược lại, khi lãi suất điều hành tăng và duy trì trong thời gian dài, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán (TTCK).
Lúc này, hình thức “đầu tư” gửi tiền tiết kiệm trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết. Vì lúc này người dân không phải tốn quá nhiều công sức như kinh doanh, mua/bán bất động sản hay đầu tư chứng khoán mà vẫn có tỷ suất sinh lời cao.
Dòng tiền trong nền kinh tế luôn vận động và luân chuyển. Mục đích của chúng là tìm đến các cơ hội đầu tư có khả năng sinh lời cao. Đầu tư nói chung và đầu tư chứng khoán nói riêng, đã và đang là kênh sinh lời hiệu quả.
Nhắc đến TTCK, có một chỉ số được coi là “tiêu chuẩn” để đánh giá về xu hướng và sức mạnh của TTCK. Đó chính là chỉ số VNIndex – Chỉ số đo lường tất cả các cổ phiếu của doanh nghiệp được niêm yết trên sàn HOSE.
Giai đoạn 2012-2014
Giai đoạn này, lạm phát giảm dần tạo điều kiện để NHNN nới lỏng tiền tệ, khi giảm mạnh 8,5% lãi suất tái cấp vốn về mức 6,5%/năm, kéo theo đà giảm tương tự của mặt bằng lãi suất thương mại. Chẳng hạn, thời điểm đầu năm 2012, lãi suất tiền gửi (kỳ hạn 1 năm) lên tới 14% thì đến cuối năm 2014, đã về mức 6,8% (tương ứng mức giảm 7,2%).
Giai đoạn này sự ảnh hưởng của việc thay đổi lãi suất có tác động rõ nét đến TTCK.
Thời điểm này, VNIndex đã có mức tăng ấn tượng, từ mốc 350 điểm (đầu năm 2012) lên mức cao nhất là 642 điểm (cuối năm 2014), tăng trưởng hơn 83%.
Giai đoạn 2019 – 2021
Nền kinh tế thế giới trong thời điểm nay gắn liền với chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và đại dịch Covid-19, ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt của quốc gia. Hầu hết các nước đều thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế thông qua “bơm” tiền và giảm lãi suất điều hành.
Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ, NHNN đã chủ động điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, tiêu biểu như lãi suất cho vay giảm từ mức 6,25%/năm đầu năm 2019 về mức 4%/năm vào cuối năm 2021.
Tác động từ việc giảm lãi suất điều hành thể hiện rất rõ khi TTCK đã có mức tăng ngoạn mục, vượt đỉnh lịch sử 1500 điểm.
Giai đoạn này, hầu hết cổ phiếu các nhóm ngành đều ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc, đem lại tỷ suất sinh lời “mơ ước” cho nhiều nhà đầu tư.
Mong rằng bài viết đã giúp bạn đọc có cái nhìn tổng quan về lãi suất điều hành cũng như tác động của lãi suất đến TTCK. Chúc cho bạn đọc có thể tìm ra cơ hội kiếm lời từ những lần điều chỉnh lãi suất.