Kiến thức tổng quan | 14/03/2023

Louis Vuitton là ai? – Hành trình trở thành biểu tượng xa xỉ của toàn thế giới!

Louis Vuitton – một trong những thương hiệu thời trang xa xỉ nhất thế giới. Thế nhưng, để đạt được vị thế như ngày hôm nay, ít ai biết được rằng người sáng lập ra thương hiệu này đã phải trải qua những gì.

Louis Vuitton – Người có tuổi thơ cơ cực tạo nên thương hiệu xa xỉ bậc nhất (Nguồn: HVBVG)

Cậu bé vô gia cư có tuổi thơ bị bạo hành

Chân dung Louis Vuitton Malletier
Chân dung Louis Vuitton Malletier

Louis Vuitton – tên đầy đủ là Louis Vuitton Malletier, sinh ngày 4 tháng 8 năm 1821 trong một gia đình nghèo tại AnChay, Jura thuộc miền Đông nước Pháp.

Vào năm tròn 10 tuổi, mẹ ông qua đời. Bố ông – Xavier Louis cũng sớm tái hôn nhưng qua đời sau đó ít lâu, để lại Louis với mẹ kế cùng một mối quan hệ chẳng mấy tốt đẹp. 

Đòn roi tàn nhẫn của mẹ kế khiến ông nung nấu ý định ra đi từ khi mới 13 tuổi. Không một xu dính túi, hành trang chỉ là hai bàn tay trắng, ông hướng tới kinh đô ánh sáng – Paris. Trong chuyến hành trình dài 470km, ông “ăn bờ ngủ bụi”, làm đủ mọi nghề để sống.

Năm 1837, vừa đặt chân tới Paris, Louis Vuitton đã được Monsieur Marechal – nghệ nhân sản xuất cốp du lịch cho giới thượng lưu nhận làm học trò và dạy cho bí kíp đóng rương và sản xuất vali. Đây chính là bước ngoặt trong cuộc đời ông.

Ông tổ ngành “đóng hòm”

Đầu thế kỉ 19 là thời điểm rực rỡ của ngành “đóng hòm” ở Châu Âu. Có thể nói đây là vua của mọi nghề. Louis khi đó đã trở thành một trong những thợ học nghề giỏi nhất tại hãng chuyên sản xuất vali Monsieur Marechal.

Danh tiếng vang xa tới tận lâu đài của Hoàng hậu Pháp – Eugenie de Montijo. Năm 1852, ông là người duy nhất được hoàng hậu tin tưởng giao cho đóng những chiếc rương và túi của bà. Cũng nhờ đó, ông đã có cho mình một danh sách khách hàng giàu có và quyền lực. Những người này đã trở thành khách hàng thân thiết nhất của ông đến hết cuộc đời.

Sau 17 năm gắn bó với Marechal, ông quyết định rời xưởng và mở một cửa hàng tại Rue Neuve des Capucines năm 1854 với thương hiệu mang tên chính mình và mặt hàng chủ đạo là các vali hành lý, với phương châm đóng gói được những vật dụng dễ vỡ nhất nhưng vẫn phải chú trọng tới thời trang.

Những chiếc rương phiên bản mới
Những chiếc rương phiên bản mới được Louis Vuitton thiết kế

Vào năm 1858, ông nhận ra những chiếc rương thời đó vừa nặng vừa “bốc mùi” khi gặp nước, lại có thiết kế nắp vòm gây tốn diện tích. Với sự sáng tạo của mình, ông đã cho ra mắt phiên bản mới có một không hai với thiết kế hình chữ nhật nắp phẳng. Chất liệu bằng vải bạt canvas, nhẹ và nổi trên mặt nước.

Với phiên bản này, doanh thu của cửa hàng bùng nổ, Louis trở thành “ông tổ” ngành đóng hòm.

Khởi nguồn của một thương hiệu xa xỉ

Năm 1870 chiến tranh Pháp – Phổ nổ ra, ông phải bỏ cửa hàng đi di tản. Một năm sau khi ông quay về, cửa hàng bị phá hủy, vật liệu bị đánh cắp. Thay vì nhụt chí, ông tìm được cho mình một cửa tiệm ngay tại trung tâm thành phố. Khi kinh tế phục hồi, công việc kinh doanh của ông như cá gặp nước, muốn sở hữu được sản phẩm mang thương hiệu LV, nhiều người thậm chí phải đặt hàng trước cả vài tháng.

Sau những thành công đạt được, Louis mở thêm nhiều cửa hàng trên khắp thế giới: London (Anh), New York, Philadelphia,.. Lúc này, ông quyết định cho con trai Georges tham gia vào công việc kinh doanh.

Năm 1886, Georges đã phát minh thành công hệ thống khóa không thể phá được. Thế nhưng, khi công việc kinh doanh đang ở đỉnh cao, Louis Vuitton đột ngột qua đời vào năm 1892. Để tôn vinh bố, Georges đã cho ra mắt LV Monogram huyền thoại với biểu tượng chữ lồng “LV” mà chúng ta thường thấy ngày nay. Hình dạng logo được lấy cảm hứng từ những bông hoa Nhật Bản. 

Hình dạng logo được lấy cảm hứng từ những bông hoa Nhật Bản. 
Hình dạng logo được lấy cảm hứng từ những bông hoa Nhật Bản. 

Năm 1896, công ty đẩy mạnh quảng bá sản phẩm và lấy bằng sáng chế quốc tế cho chất liệu Monogram Canvas – thứ đã thành công trong việc ngăn chặn các sản phẩm nhái. Nối tiếp sự nghiệp của cha, Georges Vuitton là người có công rất lớn trong việc hô biến công ty LV thành tập đoàn lớn toàn cầu. Năm 1930, tòa nhà của Louis Vuitton chính thức mở cửa tại Champs-Elysees – cửa hiệu bán sản phẩm du lịch lớn nhất thế giới tại thời điểm đó.

Năm 1987, Moet Hennessy – nhà sản xuất rượu hàng đầu thế giới sáp nhập với Louis Vuitton để tạo ra tập đoàn LVMH (Louis Vuitton Moet Hennessy), đánh dấu cho một đế chế thời trang lớn nhất hành tinh. Chỉ trong vòng 2 năm sau khi sáp nhập, LV đã có tổng cộng 130 cửa hàng trên khắp thế giới. Tập đoàn LVMH ngày một bành trướng khi sáp nhập và mua lại 70 thương hiệu đình đám như: Givenchy, Kenzo, Fendi,… 

Thương hiệu Marc Jacobs cũng bị LVMH thâu tóm toàn bộ vào năm 1997. Thông qua thương vụ này, chủ thương hiệu là ông Marc Jacobs trở thành Giám đốc sáng tạo của LVMH. Với óc sáng tạo đột phá của mình, ông đã thay da đổi thịt cho LV với những thiết kế trẻ trung, tươi mới hơn và dần dần lấn sân sang mảng trang phục, phụ kiện và nhiều hơn thế nữa. 

Trong gần 20 năm cống hiến, Jacobs đã hô biến LV từ thương hiệu đóng hòm trở thành một trong những cái tên đình đám nhất giới thời trang xa xỉ, khiến khách hàng nghiện không dứt ra được cho đến tận ngày nay.

Thách thức hàng “Fake” đối với Louis Vuitton

Hàng thật và hàng giả (Ảnh minh họa)
Hàng thật và hàng giả (Ảnh minh họa)

Chính cuộc cách mạng về thời trang này là nguồn cảm hứng cho các thương hiệu quần áo “fake”, nổi bật nhất là LUONVUITUOI và Lord Voldemort. Louis Vuitton luôn chủ động tham gia vào các chiến dịch phòng, chống hàng giả và sẵn sàng kiện các nhà sản xuất hàng giả để bảo vệ thương hiệu của mình. 

Họ cũng đầu tư mạnh vào các công nghệ bảo vệ sản phẩm: Dán tem chống hàng giả và các kỹ thuật in ấn độc quyền, nhằm đảm bảo tính xác thực và giá trị các sản phẩm. Nhưng nhìn chung, hàng “fake” của LV vẫn tràn lan trên thị trường, cho thấy độ phủ sóng và tầm ảnh hưởng của thương hiệu này là rất lớn tới tận ngày nay.

ads-3
share facebook
Author

Tác giả:

Hoàng Quỳnh Anh

Đã đóng góp: 1 bài viết

Bài viết liên quan