Chứng khoán | 20/01/2022
Những điều nhà đầu tư cần biết trước khi giao dịch chứng chỉ quỹ
Giao dịch chứng chỉ quỹ là một cách đầu tư phổ biến hiện nay. Với rủi ro thấp, dễ thực hiện và nhiều lợi ích khác, chứng chỉ quỹ là một trong những lựa chọn tối ưu với nhiều đối tượng. Nếu bạn muốn “làm bận rộn” nguồn tiền nhàn rỗi của mình mà không muốn tốn quá nhiều công sức thì chứng chỉ quỹ chính là lựa chọn dành cho bạn. Tuy nhiên, đầu tư chứng chỉ quỹ cũng có nhiều lưu ý. Vậy những lưu ý đó là gì? Những công ty quản lý quỹ nào là lựa chọn hàng đầu để đầu tư?
Những điều cần lưu ý khi giao dịch chứng chỉ quỹ
Chọn công ty quản lý quỹ uy tín
Công ty quản lý quỹ có vai trò quan trọng khi giao dịch chứng chỉ quỹ. Họ sẽ nắm giữ và trực tiếp quyết định tương lai số tiền mà bạn đầu tư. Nói cách khác, họ là người thay bạn thực hiện các quyết định đầu tư. Do đó, bạn cần tìm hiểu thật kỹ để chọn mặt gửi vàng nhé.
Nhà đầu tư nên lựa chọn các công ty quản lý quỹ uy tín để đảm bảo tài sản và lợi nhuận. Bản chất việc đầu tư chứng chỉ quỹ là bạn đưa tiền cho người khác đầu tư. Do đó, nếu quỹ hoạt động không tốt, thua lỗ nhiều thì số tiền bạn bỏ ra sẽ bị tổn thất
Bạn có thể đọc các tài liệu được công khai của các công ty quản lý quỹ. Hoặc bạn cũng có thể tham khảo ý kiến của những người đi trước, chuyên gia,… để đánh giá các công ty quản lý. Hãy đảm bảo rằng công ty được lựa chọn có uy tín tốt và am hiểu thị trường nhé. Nếu không, số tiền của bạn rất có thể là một khoản đầu tư không có lời lắm đấy!
Giá trị tài sản ròng
Chỉ số quan trọng tiếp theo mà nhà đầu tư cần lưu ý là Giá trị tài sản ròng trên mỗi chứng chỉ quỹ (NAVPS). Đây là một thông số quan trọng nhằm đánh giá hiệu quả mà quỹ mang lại. Khái niệm này được sử dụng rất phổ biến đối với các quỹ đại chúng. So sánh chỉ số này của các quỹ với nhau, bạn có thể đánh giá được tiềm năng của các quỹ. Qua đó, có thể đưa ra các quyết định đầu tư khôn ngoan hơn.
Giá trị tài sản ròng (Net Asset Value) trên một đơn vị quỹ của một quỹ đầu tư được tính bằng công thức:
[Tổng giá trị tài sản của quỹ đang nắm giữ – Tổng giá trị các khoản nợ của quỹ ] / Số lượng chứng chỉ quỹ đang lưu hành.
Sự tăng trưởng của NAV thể hiện sự tăng trưởng của quỹ. Qua đó, nhà đầu tư có thể biết được sự tăng trưởng của các danh mục đầu tư.
Ví dụ: Dưới đây là bảng giá trị tài sản ròng của Quỹ ETF được quản lý bởi Dragon Capital:
GIÁ TRỊ TÀI SẢN RÒNG tại ngày 29/11/2021 | |
NAV/CCQ (VNĐ) (*) | 26.089,21 |
Tổng NAV (VNĐ) | 11.584.148.475.017 |
Thay đổi so với kỳ trước (%) | -0,86 |
Thay đổi so với đầu năm (%) | 46,98 |
Ở đây, NAV của quỹ là 11 tỷ, so với đầu năm có sự tăng trưởng đáng kể. Điều này cho thấy việc đầu tư của quỹ là có lãi.
Chấp nhận rủi ro
Rủi ro là một phần không thể tránh khỏi khi tham gia đầu tư. Tuy rằng đây là điều không ai mong muốn nhưng cũng không thể tránh khỏi. Với chứng chỉ quỹ, mức độ rủi ro đầu tư sẽ ít hơn so với các phương pháp khác. Mức độ này phụ thuộc phần lớn vào quỹ (trái phiếu, cổ phiếu, cân bằng) mà bạn lựa chọn.
Ai nên tham gia giao dịch chứng chỉ quỹ?
Người mới tham gia thị trường
Đầu tư chứng khoán được đánh giá là một cách sử dụng nguồn tiền nhàn rỗi hiệu quả. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả thì nhà đầu tư phải tốn khá nhiều thời gian. Tham gia vào thị trường chứng khoán yêu cầu nhà đầu tư cần học hỏi và nghiên cứu kỹ các thông tin tài chính. Ngoài ra, họ cũng cần nhạy bén với thị trường để nắm bắt được các cơ hội. Đây là một quá trình không dễ dàng và không phải ai cũng có thể thành công.
Nếu vậy, chứng chỉ quỹ là một lựa chọn tối ưu. Bằng cách đầu tư giao dịch chứng chỉ quỹ, bạn vẫn thu được một nguồn lợi ổn. Trong khoảng thời gian đó, bạn có thể từ từ học hỏi cách chơi chứng tối ưu nhất mà không lãng phí nguồn tiền nhàn rỗi của mình
Người bận rộn
Việc đầu tư chứng khoán không chỉ yêu cầu kiến thức và kỹ năng mà còn cần thời gian để theo dõi biến động trên sàn. Nếu không thể thường xuyên theo dõi sự lên xuống, bạn sẽ dễ để mất các cơ hội lớn đấy. Đồng thời, bạn cũng dễ gặp rủi ro nếu không theo kịp được thị trường. Vì thế, nếu quá bận rộn nhưng vẫn muốn đầu tư, giao dịch chứng chỉ quỹ cũng là một lựa chọn không tồi.
Nhà đầu tư muốn đa dạng hóa danh mục
Việc đa dạng hóa danh mục đầu tư là điều mà nhiều người vẫn hay làm. Mục đích là để chia nhỏ nguồn tiền, giảm bớt rủi ro tài chính. Cùng với đó là để nuôi dưỡng nguồn tiền dài hạn.
Nếu bạn đã có bất động sản, trái phiếu, tiền gửi ngân hàng trong danh mục tài sản. Vậy tại sao không đưa chứng chỉ quỹ vào danh mục đầu tư? Đây được đánh giá là nguồn đầu tư an toàn và có khả năng sinh lời cao đó!
Những quỹ đầu tư uy tín
Lựa chọn công ty quản lý quỹ là quyết định quan trọng nhất khi giao dịch chứng chỉ quỹ. Họ sẽ có vai trò quyết định đối với nguồn tiền đầu tư của bạn. Bạn thu được bao nhiêu lợi nhuận, lỗ hay lãi hoàn toàn phụ thuộc vào công ty quản lý quỹ. Vì vậy, hãy chọn cho mình một công ty uy tín và dày dặn kinh nghiệm nhé.
Dưới đây là một vài công ty quản lý quỹ có tiếng trên thị trường mà bạn có thể cân nhắc chọn mặt gửi vàng nhé!
STT | Công ty quản lý quỹ | Sản phẩm |
1 | DCVFM – Công ty quản lý quỹ Dragon Capital Vietnam | – Quỹ DCDF – Quỹ Đầu tư Chứng khoán Năng động DC – Quỹ DCBC – Quỹ đầu tư Doanh nghiệp Hàng đầu DC – Quỹ DCBF – Quỹ đầu tư Trái phiếu DC ETF VFMVN30 – Quỹ hoán đổi danh mục ETF – Quỹ đầu tư định kỳ VF-iSAVING – Quỹ hưu trí |
2 | VCBF – Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank | – Quỹ đầu tư cổ phiếu hàng đầu – Quỹ đầu tư trái phiếu – Quỹ đầu tư cân bằng chiến lược |
3 | Công ty cổ phần Quản lý Quỹ Kỹ Thương TCC | – TCBF – Quỹ đầu tư Trái Phiếu – TCEF – Quỹ cổ phiếu Techcom top 30 – TCFF – Quỹ FlexiCA$H (kết hợp cổ phiếu và trái phiếu) |
4 | Công ty chứng khoán Sài Gòn SSI | – SSI-SCA – Quỹ Đầu Tư Lợi Thế Cạnh TranhBền Vững – SSI: Quỹ đầu tư cổ phiếu |
5 | Công ty chứng khoán VNdirect | VNDAF – Quỹ đầu tư chủ động: Quỹ đầu tư cổ phiếu thuộc danh mục VN30 |
6 | VINACAPITAL – Công ty quản lý quỹ Vinacapital | – Quỹ đầu tư cổ phiếu – Quỹ đầu tư trái phiếu – Quỹ đầu tư cân bằng |
Danh sách chứng chỉ quỹ có thể giao dịch trên sàn HOSE
Chứng chỉ quỹ
Mã CCQ | Tên quỹ đầu tư | Công ty quản lý quỹ | Khối lượng đăng ký niêm yết | Ngày niêm yết |
FUCTVGF3 | Quỹ Đầu tư Tăng trưởng Thiên Việt 3 | Công ty Cổ phần Quản lý quỹ Thiên Việt | 19.900.800,00 | 11/10/2021 |
FUCVREIT | Quỹ Đầu tư Bất động sản Techcom Việt Nam | Công ty Cổ phần Quản lý quỹ Kỹ Thương | 5.000.000,00 | 25/01/2017 |
Quỹ ETF
STT | Chỉ số tham chiếu | Mã CK | Tên DN niêm yết | KL đăng ký NY | Khối lượng lưu hành | Ngày niêm yết |
1 | VN30 | E1VFVN30 | Quỹ ETF DCVFMVN30 | 415.400.000,00 | 415.400.000,00 | 29/09/2014 |
2 | VN100 | FUEIP100 | Quỹ ETF IPAAM VN100 | 5.500.000,00 | 5.500.000,00 | 29/09/2021 |
3 | VN30 | FUEMAV30 | Quỹ ETF MAFM VN30 | 38.500.000,00 | 38.500.000,00 | 17/11/2020 |
4 | VN30 | FUESSV30 | Quỹ ETF SSIAM VN30 | 5.600.000,00 | 5.600.000,00 | 07/08/2020 |
5 | VNX50 | FUESSV50 | Quỹ ETF SSIAM VNX50 | 13.500.000,00 | 13.500.000,00 | 17/10/2017 |
6 | VNFIN LEAD | FUESSVFL | Quỹ ETF SSIAM VNFIN LEAD | 152.400.000,00 | 152.400.000,00 | 11/03/2020 |
7 | VN DIAMOND | FUEVFVND | Quỹ ETF DCVFMVN DIAMOND | 491.400.000,00 | 491.400.000,00 | 07/05/2020 |
8 | VN100 | FUEVN100 | Quỹ ETF VINACAPITAL VN100 | 6.900.000,00 | 6.900.000,00 | 14/07/2020 |
Trên đây là một vài thông tin và những lưu ý về việc giao dịch chứng chỉ quỹ. Hy vọng rằng qua bài viết, các bạn đã thu được những thông tin hữu ích về chứng chỉ quỹ. Đồng thời, mong rằng các bạn cũng đã chọn được cho mình một công ty quản lý quỹ ưng ý để gửi gắm. Đừng quên truy cập DNSE thường xuyên để cập nhật những kiến thức tài chính – chứng khoán mới nhất nhé!