Tài chính - Ngân hàng | 23/02/2023
Nợ mạo hiểm là gì? Và vì sao nó ngày càng phổ biến?
Xuất hiện đầu tiên tại Mỹ từ những năm 1970, đến nay nợ mạo hiểm đang ngày càng phổ biến. Nó đóng góp một tỷ lệ đáng kể trong cấu trúc vốn của các công ty khởi nghiệp như Spotify, Airbnb, Uber,…. Vậy bản chất của nợ mạo hiểm là gì? Nợ mạo hiểm khác biệt gì so với tài trợ vốn thông thường và những lưu ý khi sử dụng? Tất cả sẽ được trình bày trong bài viết dưới đây của DNSE.
Nợ mạo hiểm là gì?
Nợ mạo hiểm (Venture Debt/ Venture Lending) là khoản nợ được cung cấp cho doanh nghiệp mà không đòi hỏi tài sản thế chấp. Nợ mạo hiểm được tài trợ bởi ngân hàng hoặc các tổ chức, quỹ đầu tư,… Doanh nghiệp thường sử dụng nguồn vốn này cho nhu cầu vốn lưu động của mình.
Một số đặc đặc điểm của nợ mạo hiểm có thể kể đến:
- Giá trị: thường tương đương 30% số tiền huy động vốn cổ phần
- Thời hạn: ngắn hoặc trung hạn (từ 1 đến 3 hoặc 5 năm)
- Lãi suất: lãi suất cơ bản hoặc lãi suất chuẩn (LIBOR)
- Rủi ro: rủi ro cao do không có tài sản đảm bảo đi kèm
- Các điều kiện: nợ mạo hiểm có thể bao gồm các điều kiện cụ thể khác (mua lại thành cổ phần công ty,…)
Nợ mạo hiểm đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp startup vì có thể cung cấp cho họ nguồn vốn lớn với chi phí rẻ trong giai đoạn đầu. Thị trường nợ mạo hiểm vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai. Theo Silicon Valley Bank, nợ mạo hiểm hiện chỉ chiếm 15% thị trường tài chính mạo hiểm ở Mỹ và 5% ở Châu Âu.
Nợ mạo hiểm khác với tài trợ vốn cổ phần như thế nào?
Nợ mạo hiểm | Tài trợ vốn cổ phần |
Là khoản vay cần phải được hoàn trả | Là khoản góp vốn không cần hoàn trả |
Nợ mạo hiểm không gây pha loãng cổ phiếu | Có thể làm cổ phiếu công ty bị pha loãng trong trường hợp góp vốn bằng cách mua cổ phần |
Thời gian huy động nợ mạo hiểm nhanh | Tài trợ vốn cổ phần đòi hỏi thời gian và các thủ tục phức tạp |
Chi phí nói chung của nợ mạo hiểm rẻ hơn | Chi phí của vốn góp tương đối đắt |
Ưu điểm của nợ mạo hiểm
- Nguồn vốn dồi dào với tốc độ huy động nhanh: Ưu điểm lớn nhất của nợ mạo hiểm là tốc độ huy động nhanh. Justin Fitzpatrick, CEO của công ty khởi nghiệp Duedil, cho biết công ty huy động nợ mạo hiểm chỉ trong 4 – 6 tuần.
- Hạn chế tối đa việc pha loãng cổ phiếu (equity dilution) đối với doanh nghiệp
- Không ảnh hưởng tới cấu trúc công ty
- Không yêu cầu việc định giá doanh nghiệp
Một số lưu ý khi sử dụng nợ mạo hiểm
Cân nhắc về kế hoạch tài chính
Khác với vốn đầu tư mạo hiểm, nợ mạo hiểm đòi hỏi doanh nghiệp phải hoàn trả lại. Vì vậy, doanh nghiệp chỉ nên sử dụng nguồn vốn này khi đã có kế hoạch tài chính khả thi.
Theo James Jenkins-Yates, CEO của Houst, công ty chỉ nên vay nợ khi đảm bảo được tỷ suất hoàn vốn ROI của tất cả các khoản đầu tư trong vòng 3 năm tới. Như vậy sẽ có dòng tiền để thanh toán khoản vay đúng hạn. Doanh nghiệp cần có kế hoạch tài chính cụ thể và chính xác.
Tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp
Tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp cũng là một yếu tố quan trọng. Doanh nghiệp cần đảm bảo rằng việc sử dụng nợ sẽ hướng đến gia tăng giá trị trong tương lai. Stephanie Heller, đối tác quản lý quỹ Bootstrap Europe, cho rằng: “Tôi sẽ không sử dụng nợ mạo hiểm trừ khi công ty có một sự gia tăng giá trị đủ lớn”.
Cẩn trọng khi đàm phán, ký kết
Nợ mạo hiểm thường đi kèm chi phí ẩn – các điều kiện mà đối tác cung cấp khoản vay đưa ra để bù đắp rủi ro. Doanh nghiệp cần tuân thủ những điều kiện này trong suốt thời hạn của khoản vay. Vì thế, cần lưu ý khi đàm phán các giao ước này.
Các chuyên gia cho rằng, bên cạnh sự có mặt của giám đốc tài chính – người hiểu rõ về nền tảng tài chính của công ty, doanh nghiệp nên sử dụng thêm các dịch vụ tham vấn tài chính. Họ sẽ chịu trách nhiệm đàm phán để đưa ra những thỏa thuận tốt nhất.
Đối tác cung cấp nợ mạo hiểm
Không phải mọi đối tác cung cấp các khoản nợ mạo hiểm đều khả thi. Trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp cần cân nhắc lựa chọn đối tác tài trợ cho mình. Hãy đảm bảo rằng đó là đối tác giúp công ty có thể phát triển được các cơ hội kinh doanh.
Kết
Nợ mạo hiểm là một nguồn vốn quan trọng đối với các doanh nghiệp non trẻ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp phải đảm bảo rằng họ có kế hoạch kinh doanh hợp lý để hoàn trả khoản vay đó. Mong rằng bài viết này của DNSE đã giúp bạn giải đáp nợ mạo hiểm là gì. Đừng quên ghé thăm website thường xuyên để cập nhật những thông tin bổ ích về kinh tế – tài chính nhé.