Kiến thức tổng quan | 25/11/2021
P2P Lending là gì? Lợi ích và rủi ro đối với nhà đầu tư
Sự phát triển của công nghệ đã kéo theo rất nhiều hoạt động khác ra đời và phát triển. Đặc biệt phải kể đến sự ra đời của những dịch vụ tài chính ứng dụng công nghệ cao. Một trong số đó là hình thức P2P Lending – cho vay ngang hàng.
Trên thực tế, không phải ai cũng từng nghe và hiểu về khái niệm P2P lending là gì? Vì vậy, trong bài viết này, DNSE sẽ cung cấp cho bạn những kiến thức về chủ đề này. Cùng với đó là những cơ hội, rủi ro nhà đầu tư phải đối mặt khi sử dụng cho vay ngang hàng. Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này nhé.
P2P Lending – cho vay ngang hàng là gì?
P2P Lending, Peer-to-Peer Lending hay cho vay ngang hàng. Đây được biết đến là hình thức vay tiền từ cá nhân hoặc tổ chức thông qua Internet. Người vay và cho vay sẽ trực tiếp thỏa thuận với nhau, không qua trung gian tài chính.
Cho vay ngang hàng xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2005. Đến nay, khi công nghệ ngày càng phát triển, loại hình này càng trở nên phổ biến.
P2P hoạt động với mô hình đơn giản và “ăn liền” như Uber và Grab trong lĩnh vực cho vay. Người có nhu cầu vay tiền chỉ cần đăng ký thông tin trên các ứng dụng cho vay. Hệ thống sẽ qua đó chấm điểm tín dụng và định ra mức lãi suất phù hợp. Những nhà đầu tư có tiền nhàn rỗi đăng ký nhu cầu cho vay kèm thông tin lãi suất, vốn, thời hạn. Mức độ rủi ro sẽ được tính toán tự động. Sau đó hệ thống sẽ kết nối những người phù hợp với nhu cầu của hai bên lại với nhau.
Đặc điểm của cho vay ngang hàng – P2P
- Là hình thức cho vay không cần gặp mặt. Người vay và người đi vay được kết nối nhờ ứng dụng công nghệ.
- Công ty cho vay đóng vai trò là trung gian, xây dựng nền tảng kết nối mọi người.
- Mọi giao dịch được thực hiện trực tuyến chỉ trong tích tắc. Với vài thao tác đăng ký, nhập thông tin đơn giản là có thể giao dịch.
- Phù hợp cho những khoản vay nhỏ, ngắn hạn với lãi suất vừa phải.
- Thời gian kiểm duyệt hồ sơ nhanh chóng, tiền về tài khoản chỉ sau 30 phút được duyệt.
Quy trình hoạt động của dịch vụ P2P Lending
Nhằm giúp việc cho vay ngang hàng thuận lợi, người đi vay và cho vay đều cần đăng ký thông tin trên ứng dụng của công ty cho vay ngang hàng. Các công ty này thường cung cấp những dịch vụ sau:
- Xác định, kiểm chứng thông tin cá nhân, nghề nghiệp và thu nhập của khách hàng.
- Đánh giá xếp hạng tín nhiệm của người di vay. Góp phần hoàn thiện hệ thống quản lý thông tin người dùng tin cậy.
- Tìm kiếm và huy động thêm nhiều nhà đầu tư tham gia vào hệ thống.
- Quản lý và phân phối dòng tiền trong hệ thống. Xử lý thanh toán của khách đi vay và rải ngân đến khách cho vay.
Để tham gia sử dụng dịch vụ peer-to-peer lending, khách hàng cần làm theo những bước sau:
- Bước 1: Đăng ký thông tin và vị trí (đi vay hay cho vay)
- Bước 2: Điền đầy đủ thông tin, bao gồm: cá nhân, hoạt động tín dụng (đối với người đi vay). Số vốn, thời gian tham gia đầu tư, lãi suất mong muốn (đối với người cho vay).
- Bước 3: Hệ thống tự động kiểm tra tính xác thực của thông tin. Sau đó phân tích và kết nối những đối tượng phù hợp với nhau.
- Bước 4: Giải ngân
- Bước 5: Thu hồi nợ và trả lãi
Cơ hội và rủi ro của cho vay ngang hàng đối với nhà đầu tư
Nhờ sự phát triển của khoa học công nghệ, các hoạt động cho vay ngang hàng ngày càng phổ biến. Bởi vậy, nó vừa mang đến cho chúng ta nhiều cơ hội. Song song với đó, hệ thống này cũng tồn tại rất nhiều rủi ro khó lường trước.
Cơ hội khi sử dụng dịch vụ P2P Lending
Peer-to-peer Lending đóng vai trò rất lớn trong cải thiện và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Cụ thể như sau:
- Đối với người đi vay: P2P giúp mọi người dễ dàng tiếp cận nguồn vốn trong thời gian ngắn nhất. Thủ tục tiến hành vay P2P cực kỳ đơn giản, được hoàn thiện 100% qua online. Quy trình cho vay không yêu cầu thủ tục rườm rà giống hình thức vay truyền thống. Bên cạnh đó, thời gian giải ngân của hình thức này cũng cực kỳ nhanh chóng, chỉ 30 phút sau khi hồ sơ đăng ký vay được xét duyệt thành công.
- Đối với nhà đầu tư: Có thêm một kênh đầu tư mới với lãi suất cực kỳ hấp dẫn. Trên thực tế, lãi suất cho vay P2P tốt hơn nhiều so với lãi suất gửi tiết kiệm. Thêm vào đó, mức độ rủi ro cùng không quá cao, bởi các công ty cho vay ngang bằng sẽ chịu trách nhiệm về lãi và vốn của khoản vay.
Rủi ro của sự phát triển Peer-to-peer Lending
Bất kỳ hình thức đầu tư nào cũng tồn tại hai mặt cơ hội và rủi ro, P2P cũng không ngoại lệ. Loại hình cho vay ngang hàng tiềm ẩn những rủi ro cực kỳ lớn với mọi đối tượng tham gia.
- Rủi ro về pháp lý: Tại Việt Nam, loại hình P2P là hoạt động khá nhạy cảm. Rất dễ bị đối tượng xấu lợi dụng “núp bóng” làm ăn phi pháp. Chính vì vậy, những nhà nhà cung cấp dịch vụ cho vay ngang hàng kém uy tín dễ gặp rủi ro về mặt pháp lý. Từ đó dẫn đến việc có thể bị cấm hoặc hạn chế hoạt động.
- Rủi ro mất vốn hoặc chậm hoàn lãi suất: Công ty P2P là đơn vị chịu trách nhiệm về khoản vốn và lãi của nhà đầu tư. Nhưng những đơn vị này thường có kém uy tín hơn so với các ngân hàng chính thống. Vì thế nhà đầu tư phải đối mặt với rủi ro về sự an toàn của nguồn vốn. Trong trường hợp giao dịch không thuận lợi, khoản tiền của nhà đầu tư có thể bị mất.
- Rủi ro về thanh khoản: Các khoản vay ngang hàng sẽ được thanh toán và giải trừ cho đến khi kết thúc thời hạn. Vì vậy cả hai bên đi vay và cho vay đều không thể chủ động về quyết định của mình.
- Rủi ro khi vận hành hệ thống: Hình thức P2P hoạt động hoàn toàn dựa vào nền tảng công nghệ cao. Nên nó luôn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro như rò rỉ thông tin, sập hệ thống. Những vấn đề này tác động cực xấu đến hoạt động giao dịch cùng bảo mật cá nhân. Mọi hacker nắm được thông tin cá nhân của bạn đề có thể sử dụng với mục đích phạm pháp.
- Rủi ro đạo đức: Nhà cung cấp dịch vụ cho vay P2P đóng vai trò cực kỳ lớn trong hoạt động này. Do vậy tính minh bạch, uy tín của những đơn vị này là cực kỳ cần thiết. Trong trường hợp các công ty cho vay ngang hàng lập ra với mục đích hoạt động biến tướng, kinh doanh dịch vụ cho vay nặng lãi, lừa gạt khách hàng,… Như vậy cực kỳ nguy hại về tài chính và con người đối với bên đi vay.
Có nên đầu tư vào P2P không?
Tại Việt Nam, hoạt động P2P chính thức phổ biến rộng rãi kể từ năm 2014. Đến nay nó đã thu hút rất nhiều nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này. Điều này cho thấy sức hút của P2P là cực kỳ lớn.
Thông qua P2P Lending, nhà đầu tư có cơ hội mở rộng kết nối không giới hạn. Qua đó mở ra nhiều cơ hội đầu tư sinh lời hấp dẫn. Thêm vào đó, nhà đầu tư hoàn toàn có thể chủ động quản lý vốn qua hệ thống Internet. Đặc biệt, P2P không yêu cầu vốn đầu tư lớn. Vì vậy, bạn có thể bắt đầu ngay với số vốn nhỏ như 1 triệu đồng.
Dù vậy, những rủi ro trong đầu tư P2P Lending là điều không thể phủ nhận. Vì vậy, để đầu tư an toàn, bạn cần lưu ý những điều sau:
- Nắm rõ mức lãi suất: Để tránh phát sinh mâu thuẫn và rắc rối về sau, bạn cần rõ ràng mọi thông tin tài chính trước khi xuống tiền. Cụ thể mức lãi suất nhận được mỗi tháng là bao nhiêu, thường từ 15-20% tùy công ty.
- Nghiên cứu kỹ về công ty cung cấp dịch vụ: Những thông tin về bên cung cấp nền tảng tuyệt đối không được bỏ qua. Một đơn vị trung gian uy tín sẽ giúp tài sản của bạn được đảm bảo an toàn hơn. Tuyệt đối không nên quá tin tưởng những lời quảng cáo lãi suất hấp dẫn mà bị lừa. Đặc biệt hiện nay, tình hình tội phạm công nghệ cao đang ngày càng gia tăng mạnh mẽ. Bởi vậy, bạn cần hết sức tỉnh táo trước chiêu trò của những đơn vị như vậy.
- Cam kết tính bảo mật và riêng tư: Những thông tin cá nhân như địa chỉ, tài khoản ngân hàng,… phải tuyệt đối được bảo mật. Vì vậy bạn tuyệt đối đừng quên ký cam kết về những điều khoán này trước khi cung cấp bất kỳ thông tin nào cho bên thứ 3.
Trong bài viết trên, DNSE đã cập nhật đầy đủ cho bạn những kiến thức về P2P Lending. Hy vọng những thông tin này sẽ thật sự bổ ích với bạn, nhờ đó bạn có thể đánh giá và lựa chọn loại hình đầu tư phù hợp với mình. Và bạn đừng quên theo dõi DNSE Blog để tìm hiểu thêm nhiều kênh đầu tư hấp dẫn khác nhé.