Tài sản số | 28/06/2023

Social Token là gì? Những điều cần biết về xu hướng mới trên thị trường Crypto

Theo nhận định của Raoul Pal – giám đốc điều hành của RealVision, Social Token sẽ là một bước nhảy vọt tiếp theo trên thị trường tiền mã hóa và nó có tiềm năng để thay đổi ngành công nghiệp sáng tạo và giải trí truyền thống. Đây cũng được xem là một hình thức đầu tư đầy hấp dẫn trong tương lai. Hãy cùng DNSE tìm hiểu Social Token là gì trong bài viết dưới đây nhé.

Social Token là gì?

Những điều cần biết về Social Token
Những điều cần biết về Social Token

Social Token là một loại tiền mã hóa (Crypto) có thể được tạo ra bởi một cộng đồng, một thương hiệu hay một cá nhân có tầm ảnh hưởng như người nổi tiếng, nhà sáng tạo nội dung… Mỗi loại Social Token sẽ có các ứng dụng khác nhau, cho phép người sở hữu có quyền truy cập độc quyền vào một số nội dung hay quyền lợi nào đó. Điều này được quy định bởi cá nhân hay tổ chức phát hành. 

Social Token hoạt động dựa trên nguyên tắc “nền kinh tế sở hữu”. Khi cộng đồng sở hữu token càng phát triển thì giá trị của nó sẽ càng cao. 

Cách thức hoạt động của nó cũng tương tự cổ phiếu nhưng khác ở chỗ không phải ai cũng có thể mua. Đối tượng sở hữu và giao dịch token sẽ được quyết định bởi bên phát hành. 

Những lợi ích mà Social Token mang lại

Thông qua phát hành Social Token, người nổi tiếng hay những tổ chức, cộng đồng có tầm ảnh hưởng có thể kiếm tiền từ bản thân họ bên cạnh những cách kiếm tiền phổ biến hiện nay như làm đại sứ thương hiệu, quảng cáo… Ngoài ra, loại tiền mã hóa này còn mang lại một số lợi ích sau:

Tiền tệ hóa 

Social Token có thể được sử dụng như một công cụ thanh toán. Những người sở hữu dùng token để đổi lấy một món đồ, phụ kiện từ một thương hiệu hay thần tượng mình yêu thích hoặc thậm chí là voucher giảm giá khi thanh toán. 

Theo quy định của một số nhà phát hành, khi nắm giữ một lượng token nhất định, người sở hữu có quyền truy cập vào một số quyền lợi giống như việc mở khóa hạng thành viên. 

Ngoài ra, social token còn được sử dụng như một công cụ gọi vốn trực tiếp từ cộng đồng mà không cần thông qua một bên thứ ba. Nhà phát hành hoặc người sở hữu cũng có thể bán social token của mình đi khi có nhu cầu về vốn.

Thúc đẩy Network Effect (hiệu ứng mạng lưới)

Như đã nói ở trên, khi càng có nhiều người tham gia vào cộng đồng hay sở hữu social token thì social token đó càng có giá trị. Đây chính là hiệu ứng mạng lưới. 

Social Token có những đặc tính cho phép thúc đẩy hiệu ứng mạng lưới như:

  • Tính mở rộng: Việc sở hữu token tương tự như việc sở hữu cổ phiếu. Để tăng giá trị của token mà mình nắm giữ, những người sở hữu có xu hướng xây dựng và phát triển cộng đồng lớn mạnh, lan tỏa loại tiền mã hóa này đến những đối tượng khác.
  • Tính biểu tượng: Thay vì sử dụng tiền mặt thông dùng để làm phần thưởng, người sở hữu có thể tặng Social Token cho những người khác và qua đó, biến họ trở thành một phần của cộng đồng người nắm giữ Social Token.
  • Giá trị sử dụng: Đối với người phát hành, việc tạo ra Social Token không mất nhiều công sức và chi phí. Để tăng độ nhận diện với chi phí tối thiểu, người đó có thể sử dụng token thay vì tiền mặt hay những giấy tờ có giá tương đương để trả thưởng.

Có những loại Social Token nào?

Social Token gồm Social Platform Token, Community Token và Personal Token
Social Token gồm Social Platform Token, Community Token và Personal Token

Dựa theo đối tượng phát hành, có 3 loại Social Token được sử dụng phổ biến nhất hiện nay. Đó là:

  • Social Platform Token: Là token đại diện cho một nền tảng. Nền tảng này giúp tạo ra và giao dịch các Social Token. Ví dụ như Bitclout (CLOUT), Rally (RLY), TryRoll (ROLL)
  • Personal Token: Là token được tạo ra bởi một cá nhân và đại diện cho cá nhân đó. Người hâm mộ mua token này để đổi lấy một số quyền lợi hay dịch vụ nhất định từ người phát hành. 
  • Community Token: Đây là token đại diện cho một nhóm. Việc sở hữu token sẽ giúp bạn có bạn tư cách tham gia cộng đồng và được hưởng những lợi ích đặc trưng của nhóm đó. Ví dụ như WHALE, FWB…

Một vài dự án Social Token nổi bật nhất hiện nay

Các dự án Social Token nhận được nhiều sự chú ý hiện nay
Các dự án Social Token đang nhận được nhiều sự chú ý hiện nay

Để hiểu hơn về cách thức hoạt động của Social Token, bạn có thể tham khảo một số dự án Social Token nổi bật hiện nay.

Social Platform Token

Rally

Rally (RLY) là một nền tảng cho phép người dùng có thể tạo ra social token của riêng mình. Người mua social token trên nền tảng sẽ được hưởng một số quyền lợi nhất định từ bên tạo ra token. Nền tảng này tương đối dễ sử dụng cho cả người dùng am hiểu hay không am hiểu về crypto. Hơn nữa, do được xây dựng trên một blockchain riêng biệt nên Rally có chi phí rẻ. 

Nhưng cũng vì vậy mà token được tạo ra trong Rally chỉ có thể sử dụng tại nền tảng Rally. Để tạo token trên nền tảng này, bạn cần điền đơn và chờ xét duyệt.

Tryroll

Tryroll là nền tảng tạo ra một số community token nổi tiếng như token ERC20 hay WHALE. Đối với token ERC20, bạn có thể giao dịch token này trên các sàn, có thể tạo pool và cung cấp thanh khoản… Các token được tạo ra từ Tryroll đều có các tính năng mà token ERC20 hiện tại có. Tương tự như Rally, để tạo token riêng, người dùng cần điền đơn và chờ xét duyệt từ phía nền tảng. Những người dùng này cần có kiến thức về Crypto và token ERC20. Chi phí tạo ra token không hề rẻ. 

Bitclout

Đây là một mạng xã hội tương tự như Facebook hay Twitter nhưng hoạt động trên cơ chế phi tập trung. Bất kỳ người dùng Biclout nào cũng có thể tạo những social token của riêng mình, có thể gửi token hay đầu tư vào token của bất kỳ người dùng nào khác trên nền tảng. Chi phí giao dịch rất thấp do Bitclout tự phát triển blockchain của riêng mình. 

Social Token được tạo ra trên Bitclout chỉ có thể sử dụng trong phạm vi của mạng xã hội này. Ngoài ra, vì người dùng cần thanh toán bằng Bitcoin hay mua trên CEX để tạo tài khoản trên Bitclout, nên mạng xã hội này khó tiếp cận đối với những đối tượng người dùng non-crypto.

Personal Token

Có một vài trường hợp phát hành personal token khá thú vị như token $ALEX và $KERMAN. Người sở hữu những token này có thể bình chọn để đưa ra những quyết định cuộc đời quan trọng của người phát hành token là Alex và Kerman. Một phần doanh thu sẽ được Alex và Kerman sử dụng để mua lại token. 

Community Token

Whale

Token này được phát hành trên nền tảng blockchain của Ethereum và là community token đầu tiên được hỗ trợ bởi các bộ sưu tập NFT. Bộ sưu tập này có trị giá hơn 2 triệu đô. Hệ sinh thái WHALE bao gồm các nghệ sĩ, nhà sưu tập và những cá nhân khác có đam mê phát triển WHALE thông qua các chiến dịch cộng đồng. 

Friends With Benefits

Người tham gia cộng đồng Friends with Benefits là những người có chung sự quan tâm về phát triển Web 3.0. Cộng đồng này hoạt động năng nổ trên nhiều khía cạnh như chia sẻ kiến thức công nghệ, ý tưởng, giải quyết vấn đề… Người tham gia cộng đồng phải sở hữu token FWB để có thể tham gia nhóm kín trên Discord của Friends with Benefits.

Cherry token

Cherry là một website có nội dung 18+. Người dùng càng sở hữu nhiều CHERRY thì càng có quyền truy cập vào nhiều nội dung hơn. Có thời điểm giá trị của Cherry trên thị trường lên đến 100 triệu đô. 

Hy vọng rằng với những thông tin trên đây, bạn đã hiểu rõ Social Token là gì. Tuy đây được coi là một hình thức đầu tư mới đầy hấp dẫn nhưng nó cũng tồn tại một số rủi ro nhất định như giá trị của token phụ thuộc vào quá trình sản xuất nội dung liên tục của người sáng tạo để duy trì cộng đồng hay rủi ro quảng cáo sai sự thật về các lợi ích khi sở hữu token. Hãy tiếp tục theo dõi DNSE để tìm hiểu những kiến thức về đầu tư hữu ích khác nhé.

ads-3
share facebook
Author

Tác giả:

Đặng Trà My

Đã đóng góp: 1 bài viết

Bài viết liên quan