Quản trị danh mục | 14/09/2023

Tài chính hành vi ảnh hưởng gì đến kết quả đầu tư?

Tài chính hành vi là một lĩnh vực nghiên cứu, tập trung vào việc làm rõ cách tâm lý có thể tác động và ảnh hưởng đến kết quả của thị trường tài chính. Trong bài viết này cùng chúng tôi tìm hiểu về tài chính hành vi ảnh hưởng gì như thế nào đến hoạt động đầu tư của bạn.

Tìm hiểu về tài chính hành vi
Tìm hiểu về tài chính hành vi

Tài chính hành vi là gì?

Tài chính hành vi (Behavioral Finance) là một lĩnh vực nghiên cứu về những thiên hướng sai lệch trong suy nghĩ, sẽ ảnh hưởng đến hành động trong việc quản lý và đầu tư.

Những ảnh hưởng và sai lệch này có thể giải thích cho các tình huống bất thường trên thị trường, đặc biệt là trên thị trường chứng khoán như khi giá cổ phiếu tăng hoặc giảm mạnh mà không rõ lý do. 

Hiểu về Behavioral Finance

Mục tiêu của việc phân loại các hành vi tài chính để giải thích lý do tại sao con người đưa ra những quyết định tài chính cụ thể từ đó làm rõ ảnh hưởng của những quyết định đó đến thị trường.

Không phải lúc nào những nhà đầu tư tham gia thị trường đều đưa ra các quyết định đúng đắn dựa trên logic và kiểm soát bản thân tốt. Có khi họ bị ảnh hưởng bởi cảm xúc và tâm trạng và không thể kiểm soát hành vi của mình.

Ví dụ, nếu họ đang cảm thấy vui vẻ và khỏe mạnh, họ có thể quyết định khác so với khi họ đang trong tâm trạng không tốt hoặc không khỏe mạnh.

Những khái niệm liên quan 

Có 5 khái niệm chính trong tài chính hành vi:

Có 4 xu hướng từ phân tích tài chính hành vi
Có 4 xu hướng từ phân tích tài chính hành vi
  • Mental Accounting (kế toán nhận thức): Nhà đầu tư đưa ra quyết định tài chính dựa trên các phán đoán, lập luận cảm tính, thường là gây bất lợi cho bản thân nhưng không nhận ra. Hành vi cảm tính ở đây là gán các giá trị, ý nghĩa khác nhau cho một khoản tiền dựa trên cảm xúc tạm thời.
  • Herd Behavior (hành động như người khác): Cho rằng con người thường bắt chước hành vi của người khác. Hiện tượng này diễn ra mạnh mẽ trên thị trường chứng khoán, dẫn đến các tình huống tăng giá hoặc giảm giá đột ngột.
  • Emotion Gap (vấn đề cảm xúc): Là việc đưa ra quyết định dựa trên những cảm xúc cực đoan như lo lắng, tức giận, sợ hãi hay phấn khích. Thường thì cảm xúc chính là lý do khiến con người không thể đưa ra quyết định sáng suốt.
  • Anchoring (thả neo): Là khi các nhà đầu tư sử dụng các thông tin không liên quan trong quá khứ làm cơ sở cho quyết định hiện tại. Ví dụ như khi quyết định mua một cổ phiếu nhưng chỉ căn cứ vào mức giá đỉnh trước đây và coi đây là cơ hội tốt. 
  • Self Attribution (tự tin quá mức): Ám chỉ việc nhà đầu tư ra quyết định dựa trên sự tự tin quá mức vào kiến thức và kỹ năng của bản thân. 

Trong trường hợp này, nhà đầu tư thường đánh giá kiến thức của mình cao hơn người khác, ngay cả khi thực tế cho thấy họ không có đủ năng lực.

Những loại thiên kiến có hại trong tâm lý đầu tư

Khi phân tích một cách cụ thể hơn, nhiều sai lệch và khuynh hướng cá nhân đã được xác định. Một số trong số này bao gồm:

Thiên kiến xác nhận

Giả sử bạn đã có suy nghĩ riêng về một khoản đầu tư cụ thể. Khi thông tin mới xuất hiện, bạn sẽ chỉ chú ý và tin tưởng vào những thông tin đồng tình với ý kiến bạn đã có. Ngay cả khi thông tin đó không chính xác.

Thiên kiến kinh nghiệm

Thiên hướng này xảy ra khi nhà đầu tư nhớ lại những sự kiện trước đó và tin rằng nó có thể xảy ra lại trong tương lai. 

Ví dụ: Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và 2009, nhiều nhà đầu tư đã rút lui khỏi thị trường chứng khoán. Họ nhớ về những thời kỳ khó khăn trong thị trường và có thể nghĩ rằng tương lai cũng sẽ khó khăn. Kinh nghiệm tiêu cực đó làm cho họ tin rằng khả năng những sự kiện tương tự có thể xảy ra. Tuy nhiên, thực tế là kinh tế đã hồi phục và thị trường đã phục hồi trong những năm sau đó.

Ác cảm thua lỗ

Xu hướng này xuất hiện khi các nhà đầu tư tập trung vào thua lỗ hơn lợi nhuận. Nói cách khác, họ ưu tiên việc bảo vệ khỏi việc mất tiền hơn là mục tiêu kiếm lời từ đầu tư.

Vì lý do này, nhiều nhà đầu tư thường bán những tài sản mới bắt đầu tăng giá và giữ lại những tài sản đang mất giá trong danh mục đầu tư của mình thay vì cắt lỗ. Họ rằng chưa bán là chưa lỗ. Giữ tài sản đồng nghĩa với việc họ vẫn còn cơ hội và sẽ chờ đợi cho đến khi giá tài sản trở lại mức mua ban đầu.

Thiên kiến quen thuộc

Thiên kiến này xảy ra khi các nhà đầu tư có xu hướng đầu tư vào những thứ họ biết rõ. 

Ví dụ như các loại bất động sản xung quanh khu họ ở, các công ty trong nước hoặc doanh nghiệp địa phương. 

Tài chính hành vi trong thị trường chứng khoán

Giả thuyết thị trường hiệu quả (Efficient Market Hypothesis – EMH) cho rằng, trong một thị trường có nhiều giao dịch và thanh khoản cao, giá cổ phiếu sẽ phản ánh đầy đủ thông tin.

Nhưng thực tế nhiều nghiên cứu đã chỉ ra trong lịch sử thị trường chứng khoán, có nhiều sự kiện mâu thuẫn với lý thuyết này.Nghiên cứu tài chính hành vi đã cho thấy các nhà đầu tư thường đánh giá cổ phiếu một cách không logic và không dựa trên thông tin có sẵn. 

Họ thường bị chi phối bởi cảm xúc, tâm trạng và các yếu tố xã hội khác. Từ đó, có thể ảnh hưởng đến việc định giá cổ phiếu và cách họ vào lệnh mua/bán.

Không chỉ trong chứng khoán, tài chính hành vi còn được áp dụng để giải thích các hiện tượng, sự kiện xảy ra đối với kinh tế như lạm phát, cơn sốt bất động sản…

ads-3
share facebook
Author

Tác giả:

Nguyễn Thu Hằng

Đã đóng góp: 1 bài viết

Bài viết liên quan