Quản lý tài sản | 31/12/2021
Tài sản và tiêu sản – Giàu hay nghèo bắt nguồn từ cách tư duy và chi tiêu
Giàu nghèo vẫn luôn là một chủ đề được quan tâm trong xã hội. Nói về tiền bạc, Robert Kiyosaki đã từng đề cập đến một cái nhìn rất khác khi đưa ra 2 khái niệm về tài sản và tiêu sản trong cuốn sách ăn khách “Rich dad, poor dad” của mình. Đây là hai khái niệm hoàn toàn đối nghịch nhau và đã mở ra một quan điểm mới trong lĩnh vực tài chính cá nhân. Vậy tài sản và tiêu sản là gì? Hiểu về chúng giúp chúng ta thay đổi tư duy ra sao? Hãy cùng DNSE tìm hiểu trong bài viết dưới đây!
Phân biệt tài sản và tiêu sản
Tài sản là gì?
Tài sản là tất cả những thứ bạn bỏ tiền mua mà có thể mang lại nguồn lợi cho bạn trong tương lai. Chúng sẽ bù lại khoản tiền ban đầu của bạn bằng một khoản lợi nhuận lớn hơn. Nó cách khác, tài sản là những thứ mang tính đầu tư.
Ví dụ, bạn mua một mã cổ phiếu. Sau đó cổ phiếu này tăng giá, bạn quyết định bán ra để chốt lời. Khi đó, số tiền bạn bỏ ra là một khoản đầu tư có lời, giúp bạn thu được lợi nhuận. Vậy mã cổ phiếu ban đầu chính là một tài sản của bạn.
Một ví dụ khác là bạn bỏ tiền để mua một căn nhà. Tuy nhiên, bạn quyết định không ở mà để cho thuê. Như vậy, mỗi tháng bạn sẽ có thêm một khoản lợi nhuận từ căn nhà đó. Đây chính là tài sản của bạn. Thế nhưng, câu chuyện sẽ rất khác nếu bạn mua nhà không để thuê mà để ở đó.
Quan niệm này rất khác so với tài sản mà chúng ta vẫn thường biết. Nó được đề cập đến trong cuốn sách nổi tiếng “Rich dad, poor dad” (được xuất bản tại Việt Nam với cái tên Dạy con làm giàu hoặc Cha giàu – Cha nghèo) và đã nhận được sự ủng hộ đáng kể từ phía công chúng. Đây là một quan điểm tân tiến, hiện đại và cũng đáng để tiếp nhận.
Tiêu sản là gì?
Tiêu sản là những thứ bạn bỏ tiền mua nhưng sau đó lại mất thêm tiền cho chúng. Số tiền này có thể là để bảo trì, chăm sóc, sửa chữa,…
Lại lấy ví dụ về căn nhà mua nhé. Lần mua nhà này bạn không để cho thuê mà để ở. Hoặc chỉ đơn thuần là bạn mua nhằm mục đích tích lũy “tài sản” thôi. Tuy nhiên, nó thực tế lại không phải là tài sản của bạn. Nó chính là tiêu sản. Bởi lẽ, sau khi mua nhà, bạn sẽ tốn tiền sửa nhà, lắp đặt hoặc mua nội thất theo ý bạn. Nó không những không đem lại tiền cho bạn mà còn khiến bạn mất thêm tiền.
Cách để cải thiện tình trạng kinh tế
Hiểu về tài sản và tiêu sản đồng nghĩa rằng bạn đã có được một tư duy rất khác về tiền bạc rồi. Sau đây, hãy thử tìm hiểu về cách để cải thiện tình hình tài chính hiệu quả hơn nhé!
Gia tăng tài sản
Cố gắng mở rộng danh mục tài sản của mình là một phương pháp lý tưởng để giảm các áp lực kinh tế. Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng đây phải là “tài sản” đúng nghĩa chứ không phải một khoản tiêu vô thưởng vô phạt nhé. Việc đầu tư tiền sẽ giúp bạn có được một khoản lợi nhuận ổn định. Để tiền sinh tiền rõ ràng là cách cải thiện tài chính hiệu quả rồi.
Các danh mục tài sản tiềm năng mà bạn có thể mua bao gồm: chứng khoán, vàng, bất động sản,… Nếu với số vốn không nhiều lắm, bạn có thể đầu tư nhỏ để đảm bảo không quá thua thiệt. Ngoài ra, nếu bạn có đam mê đặc biệt như yêu thích âm nhạc, vẽ, chụp ảnh,… thì bạn cũng có thể tự đầu tư cho mình những tài sản phục vụ cho công việc. Những khoản tiêu này sẽ giúp bạn có được thu nhập qua chính niềm đam mê của bạn. Đây chắc chắn là những tài sản có ý nghĩa nhất mà bạn có thể có.
Giảm danh sách tiêu sản
Tài sản và tiêu sản luôn đi liền với nhau. Do đó, bên cạnh cố gắng gia tăng tài sản thì việc giảm thiểu các tiêu sản không cần thiết cũng là một chìa khóa quan trọng cho tự do tài chính. Tất nhiên chúng ta luôn có những khoản chi thiết yếu không thể tránh khỏi, ví dụ như các phương tiện cá nhân. Tuy nhiên, hãy cân nhắc cắt giảm những thứ không thật sự cần thiết nhé.
Trước khi bỏ tiền mua điện thoại đời mới, quần áo, giày dép,… hãy tự hỏi nó có thật sự cần hay không. Một chiếc điện thoại xịn có thể nhất thời giúp bạn trở nên sang chảnh hơn nhưng nếu bạn để tiền đó đi mua vàng thì có khi chỉ vài tháng sau, số tiền bạn có được đã gấp 2 lần giá trị của chiếc điện thoại rồi.
Sự giàu nghèo thường bắt đầu từ sự khác biệt trong tư duy và cách chi tiêu. Do đó, hãy cân nhắc những khoản chi dù là nhỏ nhất nhé! Sự thay đổi dù là rất nhỏ trong cách chi tiền cũng có thể giúp bạn giảm bớt những rắc rối tài chính không mong muốn.
Kết luận
Trên đây là những chia sẻ của DNSE về tài sản và tiêu sản. Mong rằng bài viết đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về hai khái niệm này. Qua đó, bạn cũng có được một tư duy chi tiêu hợp lý để giải quyết các vấn đề tài chính cá nhân của mình. Để tìm hiểu thêm nhiều kiến thức tài chính – chứng khoán thú vị, hãy ghé thăm DNSE thường xuyên nhé!