Doanh nghiệp | 11/04/2023
Tân Hiệp Phát của ông Trần Quý Thanh trở thành “đế chế” như thế nào?
Tân Hiệp Phát – “đế chế” đồ uống Việt với thương hiệu hàng tỷ USD, cạnh tranh với Coca-Cola và Pepsi, được vợ chồng ông Trần Quí Thanh xây dựng từ tay trắng với những sản phẩm đột phá, tạo động lực để các doanh nghiệp Việt Nam khác có thể vươn tới những thành công lớn trong tương lai.
Trần Quí Thanh là ai?
Tiến sĩ Trần Quí Thanh (15/10/1953) là một trong những doanh nhân hàng đầu của Việt Nam, người sáng lập và Giám đốc điều hành của Tập đoàn nước giải khát Tân Hiệp Phát – một trong những công ty hàng đầu trong ngành FMCG và là một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất cả nước.
Ông sinh ra trong một gia đình khá giả tại xóm Cầu Bông, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Bố ông là Trần Văn Bưởi – chủ vựa buôn bán vật liệu xây dựng Hiệp Phát. Do biến cố gia đình, ông phải vào trại trẻ mồ côi khi mới 10 tuổi.
Không bỏ cuộc trước khó khăn, ông tốt nghiệp Đại học Bách khoa, chuyên ngành kỹ sư cơ khí chế tạo máy năm 1978 sau đó nhận được bằng tiến sĩ Quản trị Kinh doanh tại Đại học Nam California.
“Những năm sống ở cô nhi viện đã khiến tôi hình thành tính cách là không đầu hàng, không bỏ cuộc và làm gì cũng phải đàng hoàng”, ông Thanh từng chia sẻ với báo chí.
Sau khi tốt nghiệp, ông Thanh đã bắt đầu sự nghiệp tại Tổng Công ty thực phẩm Trung ương. Với tinh thần ham học hỏi và cầu tiến, ông nhanh chóng được bổ nhiệm làm giám đốc Xưởng Cồn Gas & nước giải khát Bến Thành thuộc Tổng công ty thực phẩm miền Nam.
Trở thành “ông lớn” trong ngành nước giải khát tại Việt Nam
Ông Trần Quí Thanh quyết định khởi nghiệp và thành lập Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Tân Hiệp Phát năm 1994, chuyên sản xuất nước giải khát, nước ngọt và bia tươi mang thương hiệu Laser. Nhưng, sau những nỗ lực đầu tiên, doanh nghiệp đã thất bại.
Giai đoạn sau đó, công ty đã ra mắt hàng loạt sản phẩm mới, từ trà xanh 0 độ, trà thảo mộc Dr Thanh, nước ép trái cây Juicie, trà Ô Long Không Độ Linh Chi, Trà Bí đao collagen, đến sữa đậu nành Soya và nhiều sản phẩm khác, tất cả đều nhận được sự đón nhận tích cực từ người tiêu dùng.
Tân Hiệp Phát đã tận dụng cơ hội và bứt tốc phát triển mạnh mẽ nhờ vào chiến lược kinh doanh hiệu quả, trở thành “ông lớn” trong ngành nước giải khát tại Việt Nam và cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ lớn từ nước ngoài như Pepsi, Coca-Cola.
Vào năm 2012, được đề nghị hợp tác sản xuất và kinh doanh từ Coca-Cola với giá trị 2,5 tỷ USD, Tân Hiệp Phát đã từ chối đề nghị này vì cho rằng hai bên có tầm nhìn khác nhau và không thể đồng hành lâu dài.
Từ năm 2014 đến năm 2017, doanh nghiệp đã đạt doanh thu trung bình khoảng gần 7.000 tỷ đồng mỗi năm. Sau đó tăng lên 8.300 tỷ đồng vào năm 2018 và tiếp tục tăng lên 9.200 tỷ đồng vào năm 2019.
Trang Bloomberg đã đưa tin vào tháng 3/2019, ông Thanh đang tìm kiếm một đối tác chiến lược để đầu tư 3 tỷ USD vào Tân Hiệp Phát, nhằm đưa công ty trở thành một Red Bull thứ hai trên thị trường nước giải khát châu Á và toàn cầu. Cho đến nay vẫn chưa có thông tin về đối tác nào sẽ hợp tác.
Sau gần 30 năm phát triển từ con số 0, Tân Hiệp Phát đã trở thành nơi làm việc của 5.000 người và sở hữu 4 nhà máy lớn khắp cả nước. Với sản phẩm được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang 16 quốc gia, đạt được thành công đáng kinh ngạc trong ngành nước giải khát.
Bỏ 20.000 tỷ đồng vào bất động sản
Không chỉ ở lĩnh vực đồ uống, ông chủ Tân Hiệp Phát cùng 2 con gái mở rộng kinh doanh sang nhiều lĩnh vực khác như truyền thông, công nghệ, mua bán nợ, và nổi bật nhất là bất động sản.
Năm 2017, ông Trần Quí Thanh trở thành thành viên Hội đồng quản trị của Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn, sở hữu hơn 478.000 cổ phiếu. Khi Địa ốc Sài Gòn lên sàn HoSE đầu năm 2018, ông trở thành một trong những tỷ phú chứng khoán giàu nhất trên sàn. Cùng năm đó, ông quyết định mở rộng hoạt động đầu tư sang lĩnh vực bất động sản, làm nóng cuộc đua tranh giành các dự án đất “hot” tại TP. HCM.
Trong vòng 3 năm từ 2018-2021, doanh nghiệp này đã thành lập gần 10 công ty liên quan đến bất động sản. Đáng chú ý, trong giai đoạn 2021-2022, Tân Hiệp Phát lại tiếp tục thành lập thêm nhiều công ty mới với vốn điều lệ vài trăm tỷ đồng mỗi đơn vị, tất cả đều trong ngành bất động sản và do các thành viên trong gia đình ông Thanh nắm vốn và đại diện pháp luật, với bà Phương đứng tên phần lớn.
Cũng vào năm 2018, Công ty này cũng thành lập công ty TNHH Mua bán nợ VNAMC với mục tiêu thâu tóm các dự án bất động sản bị thế chấp tại ngân hàng với giá rẻ, từ đó tiến đến phát triển hoặc chuyển nhượng.
Đầu năm 2020, Tân Hiệp Phát đưa ra quyết định đầy bất ngờ khi trở thành đối tác chiến lược của Tập đoàn Yeah1 – một tập đoàn truyền thông, giải trí lớn tại Việt Nam, với mục tiêu phát triển mảng kinh doanh thương mại đa kênh M2C.
Trong thời gian đồng hành, Yeah1 tập trung vào phát triển hệ sinh thái M2C với ứng dụng “vua khuyến mãi” Mega1, tiếp đó phát triển thành hệ sinh thái Giga1.
Bà Trần Uyên Phương, đã chi ra 350 tỉ đồng để mua 22% cổ phần của YEG, trở thành cổ đông lớn thứ hai. Việc kinh doanh của Yeah1 không thuận lợi, khiến cổ phiếu bà Phương mua vào giảm giá mạnh. Sau nhiều nỗ lực cắt giảm lỗ và mua vào bán ra, bà đã chính thức thoái sạch vốn khỏi Yeah1 vào tháng 5 năm 2022.
Ông lớn và lùm xùm
Chai nước “có ruồi” trị giá 500 triệu đồng
Năm 2015, một khách hàng phát hiện trong chai nước Number One có ruồi và yêu cầu Tân Hiệp Phát đền bù 500 triệu đồng. Nhưng người này đã bị cơ quan công an bắt vì tống tiền.
Trước đó, doanh nghiệp cũng nhiều lần vướng phải vấn đề về chất lượng sản phẩm. Tháng 3/2009, một khách hàng đã phát hiện lon nước Number One chưa mở nhưng có ống hút bên trong. Tân Hiệp Phát cũng tố cáo khách hàng có hành vi tống tiền nhưng cơ quan chức năng cho rằng không đủ căn cứ.
Ba tháng sau, nhà chức trách tìm thấy 26 tấn hương liệu nhập khẩu hết hạn sử dụng tại kho của Tân Hiệp Phát. Vào năm 2010, một khách hàng đã tìm thấy sáu chai đậu nành Number One có cặn trắng, vẫn còn hạn sử dụng vài tháng. Những sự cố này làm dấy lên lo ngại về cam kết của công ty về chất lượng sản phẩm và bảo vệ người tiêu dùng tại Việt Nam.
Tân Hiệp Phát và gia đình ông Trần Quí Thanh cũng liên quan đến một số vụ việc liên quan đến bất động sản và thuế. Tuy nhiên các vụ việc này đều chưa có kết luận chính thức.