Doanh nghiệp | 23/09/2022
Tăng vốn điều lệ: Những điều nhà đầu tư cần biết
Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp nào cũng muốn mở rộng quy mô và tăng vốn điều lệ. Vậy tăng vốn điều lệ là gì và nó ảnh hưởng thế nào đối với doanh nghiệp? Hãy cùng DNSE tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Tăng vốn điều lệ để làm gì?
Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản đã được đăng ký với Nhà nước khi thành lập doanh nghiệp. Đến một giai đoạn cần thiết, doanh nghiệp sẽ muốn tăng giá trị vốn của công ty. Số tiền tăng đó có thể do công ty tự bỏ thêm vào hoặc kêu gọi góp vốn từ các nhà đầu tư. Việc tăng vốn điều lệ có mục đích chính là giúp công ty gia tăng năng lực tài chính, mở rộng cơ hội phát triển trong hoạt động kinh doanh.
Ngoài ra, việc này còn có các mục đích khác như:
- Tăng hạn mức vay được từ ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính.
- Khẳng định sự phát triển của công ty, qua đó giúp củng cố niềm tin của các cổ đông, có được sự tin tưởng với đối tác, chủ nợ.
- Có thể hạn chế sự thâu tóm của một số thành viên trong doanh nghiệp.
Vốn điều lệ được tăng khi xảy ra các trường hợp sau:
- Vốn điều lệ đang có không đủ cho hoạt động kinh doanh.
- Giá trị hợp đồng ký kết với khách hàng lớn hơn vốn điều lệ công ty. Khi đó đối tác có thể yêu cầu tăng vốn để hạn chế rủi ro.
- Cần đáp ứng được các điều kiện cần thiết khi tham gia đấu thầu hoặc lên sàn giao dịch chứng khoán.
Ảnh hưởng của việc tăng vốn điều lệ
Có thể nói, việc tăng vốn điều lệ sẽ gây ảnh hưởng đáng kể đến doanh nghiệp. Cụ thể như sau:
- Giúp gia tăng cơ hội phát triển và thực hiện các chiến lược kinh doanh mới.
- Tạo điều kiện để hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp lớn hơn mình.
- Nghĩa vụ và trách nhiệm của các cổ đông sẽ gia tăng do giá trị tài sản của công ty gia tăng.
- Thuế môn bài mới phải tương đương với mức của vốn điều lệ khi đã được tăng.
- Khi công ty có lợi nhuận thì việc tăng về vốn điều lệ cũng đồng nghĩa với việc tăng về thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập của công ty.
Các trường hợp tăng vốn điều lệ
Để có thể hiểu rõ hơn về khái niệm này, hãy cùng xem qua những trường hợp cụ thể khi tăng vốn:
Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn
– Công ty TNHH một thành viên:
- Chủ sở hữu doanh nghiệp sẽ trực tiếp đầu tư thêm vốn;
- Chủ sở hữu sẽ huy động thêm vốn được góp từ các nhà đầu tư khác. Trường hợp này sẽ dẫn đến sự thay đổi về loại hình doanh nghiệp. Tùy thuộc vào số lượng thành viên tiếp nhận thêm mà chuyển đổi thành công ty TNHH 2 thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần.
– Công ty TNHH hai thành viên trở lên:
- Tăng giá trị góp vốn của các thành viên. Phần vốn góp thêm sẽ được chia theo tỷ lệ tương ứng trong vốn điều lệ công ty.
- Điều chỉnh tăng mức vốn điều lệ tương ứng với giá trị tài sản tăng lên của công ty;
- Tiếp nhận vốn góp của các nhà đầu tư mới. Việc này sẽ dẫn đến tăng vốn điều lệ và thay đổi tỷ lệ vốn góp của các thành viên trong công ty.
Đối với công ty cổ phần
Vốn điều lệ của công ty cổ phần là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã bán. Để tăng vốn điều lệ, các công ty sẽ phải thêm số lượng cổ phần được quyền chào bán.
Việc chào bán cổ phần có thể thực hiện theo một trong các hình thức sau đây:
– Chào bán cho các cổ đông hiện hữu: Như tên gọi của nó, số lượng cổ phần tăng thêm được bán cho tất cả cổ đông theo tỷ lệ sở hữu cổ phần hiện có của họ tại công ty.
Ví dụ: Tại phiên họp thường niên 2022, đại đồng cổ đông Chứng khoán SSI đã thông qua phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 2:1 (tức sở hữu 2 cổ phiếu được quyền mua thêm 1 cổ phiếu nữa trong đợt phát hành), tương đương gần 497,4 triệu cổ phiếu, giá 15.000 đồng/cp. Sau khi hoàn tất đợt phát hành này, vốn điều lệ dự kiến lên hơn 14.900 tỷ đồng.
– Chào bán cổ phần riêng lẻ của công ty cổ phần phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Không chào bán thông qua phương tiện thông tin đại chúng.
- Chào bán cho dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hoặc chỉ chào bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
- Các hoạt động mua bán có liên quan phải tuân theo quy định của Pháp luật.
Quy định về tăng vốn điều lệ
- Thời hạn góp vốn: Khi doanh nghiệp tăng vốn, cần nộp đủ số tiền trước sau đó mới thực hiện thủ tục thay đổi đăng ký doanh nghiệp với Sở Kế hoạch và Đầu tư. Một lưu ý nhỏ đó là bạn cần phân biệt rõ thời hạn góp tăng vốn điều lệ và thời hạn góp vốn khi mới thành lập doanh nghiệp (Theo quy định hiện hành là trong thời gian 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh)
- Thuế môn bài: Căn cứ vào vốn điều lệ ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, công ty sẽ nộp lệ phí môn bài (cập nhật năm 2022) như sau:
- Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng: 3.000.000 đồng/năm;
- Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống: 2.000.000 đồng/năm;
- Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác: 1.000.000 đồng/năm.
- Hạch toán thuế môn bài: Hạch toán thuế môn bài là việc ghi bút toán loại chi phí này vào các sổ sách kế toán. Chi tiết cách hạch toán thì bạn hoàn toàn có thể xem trên các trang hướng dẫn, hoặc nhờ người có chuyên môn thực hiện.
Lời kết
Qua bài viết, hy vọng bạn đọc đã có thêm những kiến thức hữu ích về việc tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp. Để tìm hiểu thêm những thông tin thú vị khác, hãy ghé thăm DNSE thường xuyên bạn nhé.