Phân tích kỹ thuật | 22/03/2024
Phương pháp CANSLIM – Bí quyết tìm siêu cổ phiếu hiệu quả
Trong giới đầu tư chứng khoán, phương pháp CANSLIM thường được nhắc đến như một hệ thống đầu tư theo đà tăng trưởng. Rất nhiều nhà đầu tư thành công dựa trên 7 tiêu chí của CANSLIM. Ngoài ra, việc dùng CANSLIM để tìm ra những siêu cổ phiếu chính là điểm nhấn của phương pháp này. Trong 12 năm nghiên cứu của Hiệp hội Nhà đầu tư Cá nhân Hoa Kỳ đối với hơn 50 chiến lược đầu tư hàng đầu: CANSLIM của William O’Neil thuộc vào nhóm chiến lược sinh lợi nhuận. Hệ thống này tạo ra tỷ suất sinh lợi là 2,763.3% trong 12 năm so với 14.9% của chỉ số S&P500. Trong chuyên đề hôm nay, DNSE sẽ giới thiệu đến các bạn phương pháp CANSLIM và cách lọc ra siêu cổ phiếu. Hãy cùng theo dõi nhé.
Phương pháp CANSLIM là gì?
CANSLIM là hệ thống đầu tư giúp nhà đầu tư lọc ra những cổ phiếu tăng trưởng tốt. Mỗi chữ cái trong hệ thống CANSLIM tương ứng với 1 trong 7 yếu tố để tìm ra các siêu cổ phiếu. Hầu hết, các cổ phiếu tăng giá mạnh nhất đều có 7 đặc điểm này khi mới bắt đầu sóng tăng:
- C : Current Quarterly Earning Per Share nghĩa là tăng trưởng EPS ở quý hiện tại.
Các doanh nghiệp đáp ứng được tiêu chí C thì EPS của quý hiện tại ít nhất phải đạt 18% đến 20%, hoặc thậm chí là 40%, 100%, 200%. Tăng trưởng càng cao càng tốt. Đồng thời, tốc độ tăng trưởng EPS cũng phải được chú ý, ít nhất là 25% bền vững trong vài quý gần đây.
- A: Annual Earning Increases nghĩa là tăng trưởng EPS hằng năm.
Trong 3 năm gần nhất, các doanh nghiệp có mức tăng trưởng EPS cao (25%) và ROE trên 17% sẽ đạt tiêu chí A. Sẽ rất tốt nếu ROE có thể đạt từ 25% đến 50% (Ở thị trường Việt Nam, rất khó tìm được doanh nghiệp đạt ROE trên 25%).
- N: New Products, New Managements, New Highs nghĩa là sản phẩm mới, lãnh đạo mới, đỉnh giá mới.
Tiêu chí này hướng đến những có những sản phẩm, dịch vụ mới, lãnh đạo mới và có chuyển biến tích cực trong kinh doanh. Điều quan trọng phà phải mua cổ phiếu khi giá thiết lập điểm phá vỡ ra khỏi nền giá tốt và tạo nên đỉnh giá mới.
- S: Supply and Demand nghĩa là quy luật cung và cầu.
Hãy chắc chắn bạn đã tìm được công ty có tính thanh khoản cao. Điều này giúp cổ phiếu của công ty tiếp nhận được nguồn lực về vốn một cách dễ dàng.
- L: Leader or Laggard nghĩa là Dẫn dắt hoặc lãng quên.
Đối với tiêu chí L, bạn hãy mua cổ phiếu dẫn dắt (leader) và tránh xa cổ phiếu bị thị trường lãng quên (laggard). Cổ phiếu của công ty có chỉ số sức mạnh tương đối (RS) từ 80 đến 90 điểm sẽ là lựa chọn tốt nhất của nhà đầu tư.
- I: Institutional Sponsorship nghĩa là sự bảo trợ của các nhà đầu tư tổ chức.
Lời khuyên là hãy mua những cổ phiếu nhiều nhà đầu tư tổ chức thu gom. Trong đó, ít nhất phải có 1 hoặc 2 nhà quản trị quỹ xuất sắc trong thời gian gần đây.
- M: Market Direction. Nghĩa là xu hướng thị trường.
Đây cũng là tiêu chí quan trọng nhất, hãy học cách xác định xu hướng thị trường bằng hành động giá và khối lượng. Hãy hòa nhịp cùng với thị trường, tức mua khi thị trường tăng và bán khi thị trường giảm.
Lưu ý: Chỉ số RS không phải là RSI trong phân tích kỹ thuật. RS là chỉ số tính toán thành tích của một cổ phiếu so với những cổ phiếu còn lại trong 52 tuần gần nhất.
Hướng dẫn lọc cổ phiếu bằng phương pháp CANSLIM
Hiện nay có rất nhiều bộ lọc được tạo ra nhằm đáp ứng nhu cầu sàng lọc cổ phiếu của nhà đầu tư. Trong chương này DNSE sẽ hướng dẫn các bạn lọc cổ phiếu theo phương pháp CANSLIM bằng bộ lọc của Investing.
Lọc cổ phiếu theo tiêu chí C
Tiêu chí trong chữ C đó là tốc độ tăng trưởng EPS quý hiện tại ít nhất là 18% và 4 quý gần nhất là 25%.
Như bạn thấy, có 319 cổ phiếu thỏa điều kiện chữ C trong CANSLIM.
Lọc cổ phiếu theo tiêu chí A
Tiêu chí trong chữ A là tăng trưởng EPS hàng năm trong vòng từ 3 – 5 năm tối thiểu là 25% và ROE trên 17%.
Sau khi bổ sung thêm tiêu chí A, số cổ phiếu đạt chuẩn đã giảm xuống còn 19 cổ phiếu.
Lọc cổ phiếu theo tiêu chí N
Với tiêu chí N, mức đỉnh giá mới nên nằm trong biến động 10% so với giá cao nhất trong 52 tuần. Các vấn đề lãnh đạo, sản phẩm bạn phải tự phân tích bằng kiến thức kinh tế vi mô, vĩ mô của mình.
Sau khi bổ sung tiêu chí N, số lượng cổ phiếu đạt chuẩn giảm còn 9 cổ phiếu.
Lọc cổ phiếu theo tiêu chí S
Đối với tiêu chí S, số lượng cổ phiếu giao giao dịch trung bình trong một phiên nền từ 10,000 cổ phiếu/ phiên.
Sau khi bổ sung thêm tiêu chí S, số cổ phiếu thỏa điều kiện vẫn là 9 cổ phiếu.
Lọc cổ phiếu theo tiêu chí L
Ở tiêu chí L, ta cần tìm ra cổ phiếu dẫn đầu ngành trong 9 cổ phiếu đã lọc.
Ví dụ: Trong ngành dịch vụ bất động sản, ta thấy có cổ phiếu PDR của tập đoàn Phát Đạt đang dẫn đầu ngành bất động sản. Do đó, PDR sẽ là đối tượng đầu tiên trong 9 cổ phiếu.
Lọc cổ phiếu theo tiêu chí I
Trong tiêu chí này, bạn sử dụng trang web tra cứu thông tin về ban lãnh đạo. Nếu trong 1 năm trở lại đây, số lượng cổ phiếu được thành viên trong ban lãnh đạo và cổ đông mua vào lớn hơn bán ra. Đồng nghĩa, đây là doanh nghiệp có được sự gắn bó và cống hiến của bộ máy điều hành.
Ví dụ: Tra cứu thông tin ban lãnh đạo trên trang CafeF, Ta thấy được khối lượng mua vào cổ phiếu của thành viên trong ban lãnh đạo nhiều hơn là bán ra. Chứng tỏ HPG là cổ phiếu đạt tiêu chí I.
Lọc cổ phiếu theo tiêu chí M
Đây là tiêu chí quan trọng nhất của CANSLIM. Tiêu chí này không có bất kỳ công cụ nào có thể giúp bạn làm được. Chỉ có duy nhất một cách là học tập và tích lũy kinh nghiệm trong việc xác định xu hướng, hành động giá.
Học cách sử dụng các mẫu hình giá phổ biến như: Cốc tay cầm, hai đáy, nền giá phẳng, lá cờ cao thắt chặt,… Khi đã có kinh nghiệm và thành thạo về sử dụng mẫu hình. Đây chính là lúc bạn hoàn thiện phương pháp CANSLIM 100%.
Ví dụ về áp dụng phương pháp CANSLIM trong thị trường Việt Nam
Giả sử: Sử dụng CANSLIM để phân tích cổ phiếu VNM (Vinamilk) vào năm 2023
1. Thu thập dữ liệu:
- Báo cáo tài chính: Kiểm tra báo cáo tài chính quý và năm của VNM để đánh giá tăng trưởng lợi nhuận, doanh thu.
- Biểu đồ giá: Phân tích biểu đồ giá của VNM để tìm kiếm các tín hiệu kỹ thuật như breakout, volume, các mẫu hình nến.
- Tin tức: Theo dõi tin tức về VNM, ngành sữa, và các yếu tố ảnh hưởng đến ngành.
2. Áp dụng các tiêu chí CANSLIM:
- C (Current Quarterly Earnings): Kiểm tra lợi nhuận quý gần nhất của VNM so với cùng kỳ năm trước. Nếu lợi nhuận tăng trưởng tốt, tiêu chí này được đáp ứng.
- A (Annual Earnings Growth): Đánh giá tăng trưởng lợi nhuận hàng năm của VNM trong 3-5 năm gần đây. Nếu lợi nhuận tăng trưởng ổn định, tiêu chí này được đáp ứng.
- N (New Products, Services, Management, Price Breakout): VNM có nhiều sản phẩm mới, mở rộng thị trường, hoặc có những thay đổi tích cực trong ban quản trị.
- S (Supply and Demand): Khối lượng giao dịch của VNM tăng, giá cổ phiếu hình thành các mẫu hình tăng giá.
- L (Leader or Laggard): So sánh VNM với các công ty cùng ngành để xem VNM có phải là một trong những cổ phiếu dẫn dắt không.
- I (Institutional Sponsorship): Kiểm tra danh sách các cổ đông lớn của VNM để xem có sự tham gia của các nhà đầu tư tổ chức lớn không.
- M (Market Direction): Đánh giá xu hướng chung của thị trường chứng khoán Việt Nam.
3. Phân tích và đánh giá:
Giả sử sau khi phân tích, chúng ta thu được kết quả như sau:
- VNM có lợi nhuận tăng trưởng ổn định trong nhiều năm, đặc biệt là nhờ vào việc mở rộng thị trường và ra mắt các sản phẩm mới.
- Giá cổ phiếu của VNM đã có một đợt tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian gần đây.
- Khối lượng giao dịch tăng cao, cho thấy nhu cầu mua vào của nhà đầu tư lớn.
- Các nhà đầu tư tổ chức lớn đang nắm giữ một lượng lớn cổ phiếu VNM.
- Ngành sữa đang có triển vọng phát triển tốt.
4. Kết luận:
Dựa trên kết quả phân tích, có thể thấy rằng VNM đáp ứng khá tốt các tiêu chí của CANSLIM. Tuy nhiên, nhà đầu tư nên xem xét thêm các yếu tố khác như giá, rủi ro và so sánh các cơ hội đầu tư khác để đưa ra quyết định cuối cùng đúng đắn nhất.
Phương pháp CANSLIM giúp nhà đầu tư tìm ra những cổ phiếu tăng trưởng tốt. Việc tìm ra siêu cổ phiếu cũng trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, đây là phương pháp dành cho những nhà đầu tư có tính kỷ luật cao. Hãy luôn làm đúng theo chiến thuật đã đề ra khi sử dụng CANSLIM mà không có bất kỳ ngoại lệ nào, bạn sẽ thành công trên thị trường chứng khoán.