Phân tích kỹ thuật | 31/12/2022
Top-down là gì? Ưu và nhược của phương pháp Top-down
Top-down là thuật ngữ được sử dụng khá rộng rãi trong chứng khoán, ngoài ra đây còn là một phương pháp đầu tư hiệu quả. Phương pháp Top-down trước tiên sẽ phân tích tổng thể thị trường, tiếp đến là phân tích ngành và cuối cùng là phân tích doanh nghiệp. Bài viết dưới đây giúp cho bạn hiểu rõ hơn Top-down là gì.
Phương pháp Top-down là gì?
Phương pháp Top-down còn được gọi là chiến lược đầu tư từ trên xuống dưới, phương pháp này bắt đầu phân tích từ tổng thể thị trường và xem xét tình hình kinh tế vĩ mô, tiếp đến là phần tích thực trạng của từng ngành, cuối cùng là phân tích doanh nghiệp. Phương pháp này được nhiều nhà đầu tư sử dụng nhằm chọn ra doanh nghiệp tốt nhất trong ngành, có lợi thế để đầu tư.
Để hiểu rõ hơn về các yếu tố kinh tế vĩ mô, nhà đầu tư cần phải quan tâm đến GDP, lạm phát, thu nhập bình quân,…từ đó suy đoán khả năng phát triển của nền kinh tế.
Tiếp theo, nhà đầu tư cần tìm hiểu xem ngành nào có khả năng phát triển vượt bậc trong tương lai. Từ chính sách vĩ mô của Nhà nước, các nhà đầu tư có thể tìm các ngành được hưởng lợi để xem xét đầu tư.
Cuối cùng là phân tích các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực đó nhằm tìm ra doanh nghiệp tốt nhất để đầu tư.
Ví dụ
Khi thị trường thay đổi (GDP tăng) người dân tại Việt Nam sẽ mua hàng tại các siêu thị hay cửa hàng tiện lợi thay vì mua tại chợ như trước kia. Lúc này, lĩnh vực sản xuất thực phẩm và hàng tiêu dùng sẽ được săn đón, nhận thấy điều đó các nhà đầu tư bắt đầu tìm hiểu về những doanh nghiệp có triển vọng về lĩnh vực này. Họ nhận thấy Masan là doanh nghiệp hàng đầu về lĩnh vực sản xuất thực phẩm và hàng tiêu dùng và bắt đầu phân tích sâu hơn. Các nhà đầu tư sẽ bắt đầu phân tích thị phần của Masan trong các lĩnh vực sản xuất như nước mắm, mì gói, thịt sạch,… cùng các số liệu về doanh thu, lợi nhuận,… Từ đó nhà đầu tư có thể quyết định việc có đầu tư vào Masan hay không.
Đặc điểm của phương pháp đầu tư Top-down
Dưới đây là một số đặc điểm quan trọng mà các nhà đầu tư cần cân nhắc khi sử dụng phương pháp Top-down:
Tập trung vào các yếu tố vĩ mô nhiều hơn là nội tại doanh nghiệp:
Phương pháp này chủ yếu tập trung vào việc xem xét tổng thể xu hướng của thị trường, quan tâm đến các biến số như tổng sản phẩm quốc nội (GDP), khả năng tăng trưởng kinh tế, cán cân thương mại, biến động của dòng tiền, lạm phát,… nhằm tìm ra nhóm ngành có triển vọng trong thời gian tới. Sau khi lựa chọn được ngành phù hợp, nhà đầu tư mới bắt đầu phân tích những doanh nghiệp có triển vọng trong ngành và quyết định đầu tư.
Phù hợp cho các nhà đầu tư trung hoặc ngắn hạn:
Phương pháp Topdown chủ yếu ăn theo xu hướng của thị trường nên thường được sử dụng trong ngắn hoặc trung hạn. Thông qua phương thức này, nhà đầu tư có thể tìm thấy những cơ hội thu lợi từ biến động thị trường hoặc dựa trên những yếu tố bên ngoài doanh nghiệp.
Ưu và nhược điểm của phương pháp Top-down
Ưu điểm
- Giúp các nhà đầu tư có cái nhìn toàn cảnh về thị trường, có sự hiểu biết sâu rộng về các vấn đề chung
- Giúp các nhà đầu tư duy trì được sự tập trung và tính nhất quán trong việc lựa chọn cơ hội đầu tư thông qua các phân tích về vĩ mô. Ví dụ, bạn nhận thấy ngành năng lượng có tiềm năng phát triển trong 6 tháng tới thì bạn sẽ chỉ tập trung vào các doanh nghiệp ngành này thay vì chạy theo thị trường liên tục.
Nhược điểm
- Phương pháp này khiến nhà đầu tư có cái nhìn chủ quan, thậm chí là bảo thủ trong quá trình ra quyết định.
- Phương pháp này đòi hỏi nhà đầu tư phải có tầm nhìn xa, có đầy đủ kinh nghiệm để bao quát thị trường, nhận định được toàn cảnh nền kinh tế.
Và trên đây là toàn bộ câu trả lời cho câu hỏi “Top-down là gì?”. Có thể nói phương pháp Top-down phù hợp với những nhà đầu tư thích nghiên cứu cơ bản bởi nền kinh tế vĩ mô gần như quyết định đến hiệu quả đầu tư. Hy vọng bài viết này có thể giúp các bạn lựa chọn cho mình một phương pháp đầu tư phù hợp, đem lại nhiều lợi nhuận cho bản thân.