Chứng khoán | 29/03/2022

Vốn hóa thị trường là gì? Những điều nhà đầu tư cần biết về vốn hóa thị trường

Khi tham gia thị trường chứng khoán, vốn hóa thị trường là một trong những khái niệm F0 cần biết. Đây là một yếu tố thường được sử dụng để lựa chọn mã cổ phiếu đầu tư phù hợp. Vậy vốn hóa thị trường là gì? Nó có ý nghĩa như thế nào?

Vốn hóa thị trường là gì?

vốn hóa thị trường là một trong những khái niệm F0 cần biết
vốn hóa thị trường là một trong những khái niệm F0 cần biết

Vốn hóa thị trường (Market Capitalization) được hiểu là tổng giá trị tất cả các cổ phiếu của công ty hiện đang được niêm yết trên thị trường chứng khoán. Có thể hiểu một cách đơn giản đó là tổng số tiền cần phải chi trả để có thể mua lại doanh nghiệp ở tại thời điểm mua.

Giá trị này phụ thuộc vào số lượng cổ phiếu và giá trị thị trường của mã cổ phiếu đó tại thời điểm giao dịch. Nó có thể tăng hoặc giảm theo thời gian, diễn biến thị trường chứ không chỉ phụ thuộc vào tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hay giá trị thực sự.

Vốn hóa thị trường được tính bằng công thức:

Vốn hóa thị trường = Giá cổ phiếu thời điểm hiện tại x Số lượng cổ phiếu đang lưu hành

Ví dụ: công ty A có 100.000 cổ phiếu đang lưu hành với mức giá là 20.000đ/cp. Vốn hóa thị trường của công ty lúc này là: 100.000 x 20.000 = 2.000.000.000 (2 tỷ đồng).

Vốn hóa thị trường có những loại nào?

Về cơ bản, vốn hóa thị trường được chia thành 4 nhóm: Nhóm có vốn hóa lớn, vừa, nhỏ và siêu nhỏ.

Vốn hóa lớn (Large-cap)

Large-cap gồm những doanh nghiệp vốn hóa lớn hơn 10.000 tỷ VNĐ
Large-cap gồm những doanh nghiệp vốn hóa lớn hơn 10.000 tỷ VNĐ

Những doanh nghiệp có mức vốn hóa thị trường lớn hơn 10.000 tỷ VNĐ được xếp vào nhóm Large-cap (hay còn được gọi là Bluechip). Nhóm này thường có số lượng cổ phiếu lớn cùng giá cổ phiếu cao. Ưu điểm khi đầu tư vào Large-cap là tính an toàn, ít bị tác động bởi biến động thị trường. Tuy nhiên, đây không phải nhóm cổ phiếu có tính đột phá. Tốc độ tăng trưởng của nhóm này không cao và lợi nhuận đem lại cũng không quá cao.

Một số mã cổ phiếu large-cap tiêu biểu như: VIC (Tập đoàn VINGROUP), BID (Ngân hàng BIDV), GAS (Tổng Công ty Khí Việt Nam),…

Vốn hóa vừa (Mid-cap)

Mid-cap là nhóm có giá trị vốn hóa thị trường dao động từ 1.000 đến 10.000 tỷ VNĐ
Mid-cap là nhóm có giá trị vốn hóa thị trường dao động từ 1.000 đến 10.000 tỷ VNĐ

Mid-cap là nhóm có giá trị vốn hóa thị trường dao động từ 1.000 đến 10.000 tỷ VNĐ. Nhóm này có giá cổ phiếu ở mức trung và số lượng cổ phiếu cũng ít hơn so với nhóm Large-cap. Tuy nhiên, đây là nhóm có khả năng tăng trưởng rất tốt. Thậm chí, nhóm này còn có tiềm năng hơn so với nhóm Large-cap. Tuy nhiên, đầu tư vào nhóm này cũng có rủi ro lớn hơn.

Một số ví dụ tiêu biểu của nhóm này bao gồm: PGC (Tổng Công ty Gas Petrolimex), BSI ( CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam),…

Vốn hóa nhỏ (Small-cap)

Nhóm Small-cap gồm các cổ phiếu có giá trị thấp
Nhóm Small-cap gồm các cổ phiếu có giá trị thấp

Nhóm Small-cap có giá trị cổ phiếu thấp, số lượng ít. Quy mô vốn nhỏ, chỉ từ 100 đến dưới 1.000 tỷ VNĐ. Môi trường cạnh tranh khiến các doanh nghiệp nằm trong nhóm này thường bị bỏ quên, ít được đánh giá cao. Ngoài ra, nếu đầu tư vào nhóm Small-cap, bạn sẽ phải đối mặt với rủi ro khá lớn. Các doanh nghiệp thuộc vốn hóa nhỏ luôn tiềm ẩn nguy cơ phá sản. Đồng thời, bạn cũng khó nắm bắt, xác thực các thông tin liên quan tới tình hình kinh doanh để đánh giá xu hướng của cổ phiếu. Tuy nhiên, rủi ro lớn đi kèm với tiềm năng lợi nhuận cũng rất cao. Đây là nhóm cổ phiếu được quan tâm bởi những nhà đầu tư ưa mạo hiểm.

Ví dụ: BRS (CTCP Dịch vụ Đô thị Bà Rịa), CIG (CTCP COMA 18), CMV (CTCP Tập Đoàn CMH VIETNAM),…

Vốn hóa siêu nhỏ (Micro-cap)

Giá trị vốn hóa của những doanh nghiệp này ít hơn 100 tỷ VNĐ. Nhóm này thường có giá cổ phiếu rất thấp. Đầu tư vào nhóm này thường phải đối mặt với rủi ro rất lớn, thậm chí lớn hơn cả những doanh nghiệp trong nhóm Small-cap.

Ví dụ: Mã NTB (CTCP Đầu tư Xây dựng và Khai thác Công trình Giao thông 584), DXV (CTCP VICEM Vật liệu Xây dựng Đà Nẵng), HAS (CTCP Hacisco),…

Vốn hóa thị trường có ý nghĩa như thế nào?

Vốn hóa thị trường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ với nội bộ doanh nghiệp mà với cả các nhà đầu tư.

Với doanh nghiệp, vốn hóa thị trường thể hiện quy mô hoạt động và tiềm năng phát triển. Doanh nghiệp càng lớn càng nhận được nhiều sự tin tưởng và đánh giá tốt từ thị trường. Vị thế và uy tín trong ngành càng cao. Đồng thời hạn chế mức độ rủi ro thanh khoản của các cổ phiếu đang lưu hành.

Với nhà đầu tư, vốn hóa thị trường được xem là một trong những tiêu chí tham khảo để ra quyết định giao dịch. Nếu kỳ vọng lợi nhuận lớn, sẵn sàng chấp nhận rủi ro thì bạn có thể đầu tư vào nhóm Mid-cap hoặc Small-cap. Ngược lại, nếu bạn đề cao tính an toàn thì nhóm Large-cap sẽ là lựa chọn tốt hơn.

Những điều cần lưu ý về vốn hóa thị trường

Vốn hóa thị trường không phải là một con số cố định. Nó bị ảnh hưởng bởi giá và số lượng cổ phiếu mà doanh nghiệp phát hành. Trong khi đó, ngoài các tác động nội tại của doanh nghiệp thì thị giá cổ phiếu cũng bị ảnh hưởng từ các vấn đề xã hội như lạm phát, kinh tế – xã hội, chính trị,… Cùng với đó, số lượng cổ phiếu cũng có thể tăng thêm do doanh nghiệp phát hành thêm cổ phiếu mới hoặc mua vào cổ phiếu quỹ

Do đó, vốn hóa thị trường có tính thời điểm, biến động liên tục, không hoàn toàn phản ánh giá trị thực tại của doanh nghiệp. Vì vậy, vốn hóa thị trường chỉ là một trong những nhân tố mà bạn có thể tham khảo. Từ đó, bạn có thể lựa chọn danh mục đầu tư phù hợp, phân tán rủi ro, tối đa hóa lợi nhuận đầu tư.

Kết luận

Trên đây chia sẻ của DNSE về vốn hóa thị trường. Mong rằng qua bài viết, bạn đã hiểu vốn hóa thị trường là gì và những nhóm vốn hóa tương ứng. Để cập nhật thêm những kiến thức tài chính – chứng khoán thú vị, hãy ghé thăm DNSE thường xuyên nhé!

ads-3
share facebook
Author

Tác giả:

Nguyễn Minh Ngọc

Đã đóng góp: 1 bài viết

Bài viết liên quan