Doanh nghiệp | 19/12/2024
BCI là gì? Ý nghĩa của chỉ số niềm tin kinh doanh
Business Confidence là một chỉ số mà bất kỳ ai khi muốn khởi nghiệp đều nên tham khảo. Nó sẽ cho biết triển vọng của việc kinh doanh của bạn trong thời điểm nền kinh tế hiện tại. Vậy chính xác thì Business Confidence là gì và có ý nghĩa thế nào? Hãy cùng tìm hiểu.
Business Confidence là gì?
Chỉ số niềm tin kinh doanh (Business Confidence Index – BCI) là thước đo đánh giá tình hình tài chính, hoạt động hiện tại và dự báo tương lai của doanh nghiệp, cũng như sự phát triển chung của nền kinh tế quốc gia.
Chỉ số này được xây dựng dựa trên ý kiến và các khảo sát định kỳ liên quan đến doanh số bán hàng, quy trình sản xuất, và tình hình cổ phiếu trong lĩnh vực sản xuất.
Các yếu tố tác động đến BCI bao gồm điều kiện kinh tế (như tỷ giá hối đoái, lãi suất, thuế, và các chính sách kinh tế), niềm tin của người tiêu dùng, và hiệu quả hoạt động nội bộ của doanh nghiệp.
Cách tính BCI
Để tính được BCI, cần khảo sát doanh nghiệp và ý kiến người tiêu dùng với bảng hỏi dựa trên cả tình hình kinh tế chung và tình hình tài chính của cá nhân hoặc gia đình.
Tuy nhiên, các cuộc khảo sát chỉ hướng tới đối tượng chính là các doanh nghiệp bởi họ biết nhu cầu của người tiêu dùng hiện nay như thế nào. Trong đó, các trả lời thường mang tính định tính. Ngoài ra, bối cảnh kinh tế thường là ba tháng tiếp theo.
Kết quả BCI = Phản ứng tích cực – phản ứng tiêu cực
Có 3 trường hợp sẽ xảy ra:
- BCI <0: Niềm tin kinh doanh giảm xuống, đồng nghĩa với việc trong thời gian sắp tới, việc kinh doanh khá ảm đạm, lợi nhuận thu về là khá ít.
- BCI =0: Niềm tin kinh doanh không đổi.
- BCI >0: Niềm tin kinh doanh tăng lên, các nhà đầu tư kỳ vọng nhiều vào sự phát triển nền kinh tế và những lợi ích thu về sắp tới.
Tác động của chỉ số niềm tin kinh doanh
Tác động tới thị trường tiền tệ
Chỉ số niềm tin kinh doanh có ảnh hưởng lớn nhất là tới tiền tệ. Business Confidence nằm trong nhóm các chỉ số kinh tế đo lường niềm tin tài chính giữa các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Chính vì thế, nó ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường tiền tệ.
Nếu BCI dương, thì sự tăng trưởng của một quốc gia sẽ được đảm bảo, số lượng nhà đầu tư cũng từ đó mà tăng lên. Bởi vì, hầu hết những nhà đầu tư đều thích nắm trong tay tiền tệ có tính thanh khoản cao.
Ngược lại, nếu BCI âm, nghĩa là kỳ vọng phát triển của quốc gia đó thấp, danh mục đầu tư vào các công ty nội địa cũng sẽ bị hạn chế. Ngoài ra, chỉ số này thấp cũng sẽ khiến người tiêu dùng ít chi tiêu mua sắm hơn. Trong trường hợp này, chính phủ, ngân hàng quốc gia cần có những biện pháp, chính sách kích cầu.
Tác động tới nền kinh tế
Niềm tin kinh doanh ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định mua sắm của người tiêu dùng và các quyết định sản xuất của doanh nghiệp, từ đó tác động đến sự cân đối giữa cung và cầu trong nền kinh tế.
Trong ngắn hạn, khi tổng cầu tăng, đường cầu dịch chuyển sang phải, kéo theo GDP thực tế tăng, kinh tế phát triển và sản lượng được tạo ra nhiều hơn. Ngược lại, khi tổng cầu giảm, đường cầu dịch chuyển sang trái, GDP thực tế giảm, báo hiệu nền kinh tế đang suy thoái với mức sản lượng thấp hơn. Những thay đổi trong GDP thực tế có thể gây tác động lớn, chẳng hạn như làm thay đổi tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát.
Chỉ số niềm tin kinh doanh giúp Chính phủ và doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hiểu rõ tình hình kinh doanh cũng như các yếu tố kinh tế vĩ mô và vi mô. Nhờ đó, họ có thể dự đoán được triển vọng và những thách thức sắp tới, từ đó đưa ra các chính sách và chiến lược phù hợp để quản lý và phát triển nền kinh tế hiệu quả hơn.