10 ngân hàng tư nhân nộp ngân sách lớn nhất đang kinh doanh ra sao?

Danh sách PRIVATE 100 – Top doanh nghiệp tư nhân nộp ngân sách lớn nhất Việt Nam vừa được công bố, trong đó có 10 ngân hàng tư nhân có số nộp ngân sách lớn nhất đã đóng góp tổng cộng hơn 36.800 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước, tăng hơn 10.700 tỷ đồng so với năm 2022. Con số này cũng tương đương hơn 32% tổng lợi nhuận trước thuế của các nhà băng.

Cụ thể là các ngân hàng: Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB), Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB), Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank).

-5598-1722584866.png

Tổng cộng 10 ngân hàng tư nhân nộp ngân sách lớn nhất đạt hơn 73.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong nửa đầu năm 2024.

Cụ thể, Techcombank nộp 7.927 tỷ đồng ngân sách trong năm 2023 (tăng 63,6% so với năm 2022 và hơn 21% so với năm 2021).

ACB nộp hơn 5.200 tỷ đồng ngân sách trong năm 2023, cao gấp đôi năm 2022 và hơn gần 70% so với năm 2021. Trong giai đoạn 2021 - 2023, ACB nộp ngân sách tổng cộng 10.856 tỷ đồng.

Trong khi đó, VPBank đóng góp cho ngân sách nhà nước 18.430 tỷ đồng trong 3 năm 2021 - 2023.

Các chuyên gia dự báo triển vọng ngành ngân hàng Việt Nam năm 2024 tích cực nhờ vào các yếu tố hỗ trợ từ chính sách tiền tệ và nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, giữ lãi suất điều hành ở mức thấp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, giúp các ngân hàng có điều kiện mở rộng tín dụng và cải thiện lợi nhuận.

Tăng trưởng GDP dự kiến đạt mức cao, nhu cầu tiêu dùng và đầu tư tăng lên, kéo theo nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và cá nhân cũng gia tăng. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng tăng trưởng tín dụng, mở rộng thị phần và nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Trong nửa đầu năm 2024, Top 10 ngân hàng tư nhân nộp ngân sách lớn nhất tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực. Tổng cộng 10 ngân hàng tư nhân này đạt hơn 73.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong nửa đầu năm nay.

6 tháng đầu năm, Techcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 15.600 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước. Động lực tăng trưởng lợi nhuận của Techcombank đến từ thu nhập lãi thuần (NII) với gần 18.000 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với cùng kỳ. Đồng thời, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ mang về 4.632 tỷ đồng, tăng 17%.

ACB cán mốc hơn 10.490 tỷ đồng lợi nhuận trong nửa đầu năm, tăng 5% so với cùng kỳ và thực hiện được khoảng 47,7% kế hoạch năm.

Trong khi đó, con số hơn 8.600 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế của VPBank trong nửa đầu năm có sự đóng góp từ cả hệ sinh thái. Thu nhập hoạt động (TOI) hợp nhất đạt hơn 29.000 tỷ đồng, tăng 17,5% so với cùng kỳ, trong đó ngân hàng mẹ ghi nhận mức tăng hơn 23%, đạt 21.500 tỷ đồng.

Tính đến cuối tháng 6, quy mô tín dụng của VPBank (hợp nhất) đạt gần 647.000 tỷ đồng. Ngân hàng mẹ chạm mốc 570.000 tỷ đồng, tăng 8,2% so với cuối năm 2023.

HDBank báo lãi hơn 8.164 tỷ trong nửa đầu năm, tăng 48,9% so với cùng kỳ. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) 26,1%, ROA đạt 2,1%. Tại thời điểm 30/6/2024, tổng tài sản của HDBank vượt 624.000 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái. HDBank ghi nhận tăng trưởng tín dụng đạt 13% trong 6 tháng đầu năm.

Trong khi đó, lợi nhuận 6 tháng của SHB đạt hơn 6.800 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 61% kế hoạch năm. Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) ở mức 25,91%.

Theo báo cáo tài chính quý II của LPBank, lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận ở mức hơn 5.918 tỷ đồng, tăng 142%. Trong năm 2024, LPBank đặt kế hoạch kinh doanh với lợi nhuận trước thuế đạt mức 10.500 tỷ đồng, tăng gần 50% so với năm 2023. Như vậy, sau 6 tháng, ngân hàng này đã thực hiện được hơn 56% kế hoạch của cả năm.

VIB báo lãi trước thuế trong nửa đầu năm đạt 4.600 tỷ đồng, ROE đạt 21%, ở nhóm cao trong ngành. Tính đến 30/6, tổng tài sản của VIB đạt hơn 431.000 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm. Huy động vốn tăng 5%, dư nợ tín dụng đạt gần 280.000 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm.

Nửa đầu năm nay, TPBank đạt lợi nhuận hơn 3.700 tỷ đồng, tỷ lệ thu nhập từ phí và tỷ lệ CASA đều tăng trưởng.

Cuối cùng, MSB ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt gần 3.690 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước, đạt 54% kế hoạch lợi nhuận năm. Tổng tài sản của ngân hàng tại thời điểm 30/6/2024 đạt hơn 295.500 tỷ đồng, tăng 10,69% so với cuối năm 2023.

Thanh Hoa

Xem thêm tại vnbusiness.vn