18 năm Hoà Bình (HBC) trên sàn: Nhà thầu đầu tiên niêm yết, mất cả thập kỷ để “soán ngôi” Coteccons về vốn hoá với 5.500 tỷ trước khi “sóng gió” ập đến
Thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HoSE), cổ phiếu HBC của CTCP Xây dựng Hòa Bình bị huỷ niêm yết bắt buộc từ ngày 6/9/2024.
Nguyên nhân, theo BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2023, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến 31/12/2023 của HBC âm 3.240 tỷ đồng, vượt quá vốn điều lệ thực góp của Công ty là 2.741 tỷ đồng.
Nhà đầu tư đã chứng kiến những khó khăn của Hòa Bình suốt hơn 2 năm qua đến từ thị trường xây dựng nói chung, cùng với những sóng gió từ nội bộ công ty, mà khởi điểm là xung đột thượng tầng nổ ra ngay ngày đầu năm 2023.
Dù vậy, không ai có thể phủ nhận những tâm huyết với ngành cũng như nỗ lực "chèo lái" con thuyền HBC của ông Lê Viết Hải – Chủ tịch HĐQT. Từ nhà thầu nhỏ, sau hơn 35 năm Công ty đã vươn mình trở thành doanh nghiệp (DN) xây dựng Top 2 với quy mô doanh thu có lúc lên đến 18.000 tỷ đồng.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu HBC cũng chứng kiến bao lần thăng trầm khi có lúc giá rơi về sát mệnh giá (tính theo giá điều chỉnh hiện tại tương đương 2.000-3.000 đồng/cp) và có giai đoạn trở thành "hiện tượng" của sàn chứng khoán với cơn sóng tăng đến 6 lần.
Năm 2021, HBC từng "soán ngôi" Coteccons để trở thành nhà thầu có vốn hoá lớn nhất sàn chứng khoán với 5.700 tỷ đồng năm 2021.
TỪ DOANH THU 1 TỶ TRỞ THÀNH DN ĐẦU NGÀNH, CHỦ TỊCH NHIỀU LẦN BÁN TÀI SẢN CÁ NHÂN ĐỂ NUÔI HBC
Nhìn lại CTCP Xây dựng Hòa Bình, Công ty ra đời từ năm 1987 với tiền thân là Văn phòng Xây dựng Hoà Bình, được sáng lập và điều hành bởi ông Lê Viết Hải – một người Thừa Thiên Huế tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Tp.HCM.
Thuở ban đầu, HBC có vỏn vẹn 5 kỹ sư và 20 người thợ, Công ty chủ yếu nhận thiết kế và thi công công trình nhà ở tư nhân. Trong chia sẻ năm 2016, ông Hải tâm sự 10 năm đầu tiên của HBC là quá trình học hỏi những kỹ thuật thi công phức tạp.
Nhờ nỗ lực và tính ham học hỏi các nhà thầu ngoại, thập kỷ đầu tiên của HBC khép lại với mức doanh thu 30 tỷ đồng – gấp gần 30 lần so với con số 1,2 tỷ năm đầu tiên.
Tiếp nối thành công, HBC xác định 10 năm sau là nâng chất lượng đạt chuẩn mực quốc tế, dần thay thế các nhà thầu nước ngoài ở quy mô vừa. Và dấu mốc tiếp theo là giai đoạn 1997-2000, HBC được nhận làm nhà thầu phụ cho nhiều dự án ở Phú Mỹ Hưng. Từ năm 2004, DN chuyển sang làm dự án quy mô nhỏ cho nhà cao tầng, vừa xây dựng dưới hầm, vừa kết cấu phần thân.
Ảnh: Văn phòng Xây dựng Hoà Bình năm 1987.
Sự tâm huyết với ngành, với Công ty khiến ông Hải không ít lần bán tài sản cá nhân để duy trì HBC. Chủ tịch Lê Viết Hải từng kể: Năm 1999, văn phòng Công ty đang thuê bị lấy lại, không xoay được vốn, ông quyết định bán nhà của cha mẹ để mua tòa nhà làm văn phòng mới ở Tp.HCM, cả gia đình ở trên tầng áp mái.
Một lần khác, năm 2008 khi khủng hoảng kinh tế bùng phát, ông Hải lại buộc phải bán dự án Hòa Bình Tower đầy tâm huyết và chịu lỗ gần một nửa, sau khi đầu tư 12,8 triệu USD cộng với tiền giải tỏa mặt bằng, giấy tờ sử dụng đất… để "cứu" HBC.
Ngoài HBC, tâm huyết với ngành của ông Hải còn thể hiện ở việc tham gia Hiệp hội các Nhà thầu Việt Nam (VACC) với vai trò chủ chốt. Bản thân ông cũng từng đưa ra rất nhiều tham mưu để nâng tầm ngành xây dựng nước nhà cũng như nâng tầm nhà thầu Việt. Từ lên từ việc học hỏi các nhà thầu ngoại, ông Hải cho rằng nhà thầu Việt Nam cũng có rất nhiều yếu tố nổi trội so với quốc tế nhưng chưa được phát huy.
CỔ PHIẾU XÂY DỰNG ĐẦU TIÊN NIÊM YẾT
Công ty cũng là đơn vị xây dựng đầu tiên niêm yết vào năm 2006.
Trên thị trường, giá cổ phiếu HBC đối mặt không ít biến động. Năm 2011, mã HBC rớt giá từ 31.000 đồng/cp xuống còn 18.700 đồng/cp. Lúc bấy giờ, ông Hải phải viết tâm thư gửi cán bộ công nhân viên dùng tiền nhàn rỗi để mua cổ phiếu HBC, hạn chế để HBC bị bên ngoài thâu tóm.
Sau những khó khăn, Công ty cũng dần ổn định đà tăng trưởng, với lợi nhuận sau thuế năm 2016 tăng vọt lên 567 tỷ, gấp nhiều lần so với mức 83 tỷ đồng năm trước đó. Sang năm 2017, con số này lên mức kỷ lục là 859 tỷ đồng, doanh thu thuần 16.034 tỷ đồng. Cổ phiếu cũng theo đà hồi phục.
Đỉnh cao doanh thu Hòa Bình đạt được là vào năm 2018 và 2019 với lần lượt là18.300 tỷ và 18.700 tỷ đồng.
Đỉnh điểm năm 2021, sau cả thập kỷ bị áp đảo, HBC chính thức vượt Coteccons và trở thành nhà thầu lớn nhất Việt Nam với giá trị vốn hóa khi đó là hơn 5.700 tỷ đồng. Cùng năm, HBC vượt Coteccons về cả doanh thu và lợi nhuận.
2022 cũng là năm HBC chuyển giao thế hệ cho F2 là con trai Lê Viết Hiếu với vai trò Tổng Giám đốc. Điều này theo HBC sẽ mang lại "làn gió mới" cho HBC song cũng đối mặt với nhiều ý kiến trái chiều. Mới đây, ông Hiếu đã rời khỏi "ghế nóng" sau 2 năm được bổ nhiệm.
Ảnh: HBC chuyển giao thế hệ ngay đỉnh cao kinh doanh.
NỘI CHIẾN VÀ SUY THOÁI KINH TẾ ĐẨY HBC VÀO CƠN BĨ CỰC
Đang trên đỉnh cao sự nghiệp, HBC bất ngờ vướng vào lùm xùm nội bộ. Ngày đầu tiên của năm 2023, HBC đã trở thành cái tên thu hút đông đảo chú ý do cuộc tranh chấp ở "thượng tầng".
Sự việc bắt đầu kể từ khi ông Lê Viết Hải nộp đơn từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT và rút khỏi HĐQT, dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2023. Chủ tịch mới dự kiến là ông Nguyễn Công Phú.
Nội bộ ban lãnh đạo DN sau đó chia làm 2 phe và liên tục đưa ra các thông tin trái chiều. Ông Phú tuyên bố sẽ khởi kiện nếu ông Hải không chịu lùi. Đáp lại, ông Hải cảnh báo sẽ gửi đơn tố giác đến cơ quan điều tra, đề nghị xem xét trách nhiệm hình sự của ông Phú vì cung cấp ra công chúng các thông tin nội bộ và có tính bảo mật của Tập đoàn.
Cuối cùng vào tháng 2/2023, ông Phú rút khỏi HĐQT, ông Lê Viết Hải tiếp tục đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật của HBC.
Nội chiến diễn ra ngay khủng hoảng chưa từng có khiến HBC lao đao. Năm 2022, Công ty lỗ kỷ lục tới 2.594 tỷ đồng sau kiểm toán, vốn chủ sở hữu giảm 70,5% so với năm 2021 xuống còn 1.196 tỷ đồng.
Năm 2023, HBC tiếp tục lỗ hơn 1.115 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu chỉ còn hơn 93 tỷ đồng, giảm 92% so với năm 2022.
"Sự cạnh tranh trên thị trường trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Nhiều nhà thầu đã bỏ giá thấp hơn vốn lên đến vài chục phần trăm. Đồng thời, không ít nhà thầu lớn đã sử dụng những chiêu thức cạnh tranh không lành mạnh để giành được công trình", Chủ tịch Lê Viết Hải giải thích.
Ông cũng đính chính rằng theo BCTC do khối Tài chính kế toán của Công ty lập, vốn chủ sở hữu của HBC là 5.539 tỷ đồng, cao hơn gần 60 lần so với kết quả kiểm toán. Nguyên nhân dẫn đến chênh lệch giữa hai báo cáo là sự khác nhau về cách định giá bất động sản, cách tính khấu hao, các khoản phải trích lập dự phòng, các khoản phải thu.
Khó khăn chồng khó khăn khiến HBC có lúc phải chịu cảnh bị nhà thầu phụ treo biển đòi nợ mỗi ngày.
ÁNH SÁNG CUỐI ĐƯỜNG HẦM
Sang năm 2024, những tín hiệu tốt đầu tiên quay về với HBC. Bắt đầu từ việc Công ty thoả thuận được với các nhà cung cấp, chủ nợ sẽ hoán đổi cổ phần; song song DN cũng thông tin đã trả khoản nợ 1.327 tỷ đồng tại 7 ngân hàng.
Về đường lối kinh doanh, HBC cho biết sẽ cố gắng tăng thu (thu hồi nợ) và giảm chi. HBC vẫn tiếp tục chủ trương mở rộng thị trường bằng việc ra nước ngoài.
Năm 2024, HBC đã công bố kế hoạch doanh số 10.800 tỷ và LNST 433 tỷ đồng. Đây cũng chính là kế hoạch đề ra cho năm 2023 song nhiều khả năng năm nay HBC chưa thực hiện được.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của HBC ghi nhận đạt 3.810,82 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 740.9 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ hơn 713 tỷ đồng). Đóng góp chính vào kết quả kinh doanh là việc chuyển nhượng thành công cho Công ty TNHH Máy xây dựng Matec (Công ty thành viên) và CTCP cơ khí và nhôm kính Anh Việt (Công ty liên kết), giúp HBC lãi hơn 684 tỷ trong quý 2/2024.
Dù vậy, "án huỷ niêm yết" đưa ra khiến cổ phiếu HBC bị bán mạnh, giảm sàn. Hiện, cổ phiếu HBC đã quay về mốc 4.000 đồng/cp, ngang với thưở ban đầu! Trong tâm thư mới đây, ông Hải khẳng định DN sẽ có kế hoạch đưa HBC quay lại sàn HoSE ngay khi đủ điều kiện, không để cổ đông bị ảnh hưởng.
Xem thêm tại cafef.vn