4 động lực then chốt thúc đẩy tăng trưởng GDP năm 2025 vượt 7%

Theo báo cáo từ Công ty Cổ phần Chứng khoán Vietcap, tăng trưởng GDP năm 2025 được nâng dự báo từ 6,8% lên 7,2%, nhờ vào các yếu tố hỗ trợ từ chính sách tài khóa mở rộng, thị trường bất động sản phục hồi và tiêu dùng nội địa tăng trưởng. GDP bình quân đầu người dự kiến đạt 4.980–5.000 USD, tiếp tục củng cố vị thế của Việt Nam trong nhóm các nền kinh tế có thu nhập trung bình cao. Trong trung hạn, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình được kỳ vọng duy trì ở mức 7,5%–8,5%/năm cho giai đoạn 2026–2030.

Ổn định tỷ giá: Nền tảng cho dòng vốn ngoại

Theo Vietcap, kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ có thể tiếp tục hỗ trợ chỉ số DXY trong quý đầu tiên của năm 2025 và có thể hạn chế việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất ở một mức độ nhất định. Tuy nhiên, theo dự báo đồng thuận của Bloomberg, chỉ số DXY sẽ dần giảm về cuối năm 2025 và năm 2026. Do đó tỷ giá USD/VND năm 2025 được Vietcap dự báo duy trì ổn định, với hỗ trợ từ nguồn cung ngoại tệ ổn định từ FDI, kiều hối, thặng dư thương mại hàng hóa và thâm hụt thương mại dịch vụ thu hẹp.

Tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố sẽ tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt, trong khi tỷ giá liên ngân hàng và tỷ giá ngân hàng thương mại được kỳ vọng dao động trong biên độ kiểm soát. Ngoài ra, NHNN hiện đang sở hữu dự trữ ngoại hối ổn định, sẵn sàng can thiệp khi cần thiết để ổn định thị trường tiền tệ.

4 động lực then chốt thúc đẩy tăng trưởng GDP năm 2025 vượt 7%
Diễn biến tỷ giá USD/VND và vai trò can thiệp của NHNN. Nguồn: Bloomberg, Vietcap.

Theo dữ liệu từ Vietcap, cán cân thương mại dự kiến đạt thặng dư 26,8 tỷ USD vào năm 2025, với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu 7% và xuất khẩu 6,5%. Các hiệp định thương mại tự do (FTA) cùng quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ, Nhật Bản, và Singapore là động lực chính thúc đẩy dòng vốn FDI giải ngân tăng trưởng trung bình 7,5%/năm.

Lạm phát: Kiểm soát chặt chẽ nhưng vẫn cần cảnh giác

Vietcap dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2025 đạt 3,2%, giảm từ mức 3,8% năm 2024, nhờ giá dầu giảm (-12,5%) và giá gạo giảm (-12%).

4 động lực then chốt thúc đẩy tăng trưởng GDP năm 2025 vượt 7%
Diễn biến chỉ số CPI và lạm phát cơ bản hàng tháng giai đoạn 2019-2024. Nguồn: Vietcap, Bloomberg.

Tuy nhiên, Vietcap cũng dự báo áp lực lạm phát sẽ cao hơn trong giai đoạn 2026, 2027 (CPI bình quân 3,8% trong giai đoạn 2026, 2027) do dự báo Chính phủ sẽ không tiếp tục gia hạn giảm thuế GTGT và thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu trong nước, trong khi Chính phủ có thể tăng giá các dịch vụ khác do Chính phủ quản lý.

Chính sách lãi suất: Công cụ thúc đẩy tín dụng và đầu tư

Vietcap dự báo sẽ có một lần tăng lãi suất điều hành (50 điểm cơ bản đối với lãi suất chiết khấu và tái cấp vốn) trong năm 2025. Mức tăng dự kiến này thấp hơn đáng kể so với mức tăng 200 điểm cơ bản đối với lãi suất tái cấp vốn vào cuối năm 2022. Trần lãi suất huy động kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng có thể tăng nhẹ thêm 25 điểm cơ bản để hỗ trợ cạnh tranh giữa các ngân hàng thương mại và khuyến khích người gửi tiền.

Tỷ giá, lạm phát và lãi suất 2025: Các động lực then chốt thúc đẩy tăng trưởng GDP vượt 7%
Dự báo lãi suất điều hành và dự trữ ngoại hối của NHNN giai đoạn 2016-2026. Nguồn: Bloomberg, TCTK, TCHQ, NHNN, Vietcap.

Tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng trong năm 2025 được Vietcap dự báo đạt 13,9%, được thúc đẩy bởi động lực tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, môi trường lãi suất thấp được duy trì ổn định và tăng trưởng tiền gửi toàn hệ thống ước đạt 13,4%, phù hợp với mức dự phóng tín dụng. Ngoài ra kỳ vọng nhu cầu tín dụng từ các khoản vay doanh nghiệp sẽ tiếp tục ở mức cao, đồng thời mảng cho vay bán lẻ, bao gồm cho vay mua nhà, sẽ duy trì đà phục hồi tích cực.

Đầu tư công: Động lực chính cho nền kinh tế

Chi ngân sách đầu tư công năm 2025 được dự kiến tăng 30,6%, đạt 31,2 tỷ USD. Đây là mức tăng mạnh nhất trong nhiều năm qua, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

Tỷ giá, lạm phát và lãi suất 2025: Các động lực then chốt thúc đẩy tăng trưởng GDP vượt 7%
Kế hoạch đầu tư công năm 2025: Tăng 30% so với kế hoạch trước. Nguồn: TCTK, Vietcap.

Những dự án lớn như đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh (75,4 nghìn tỷ đồng) và đường vành đai 4 Hà Nội (85,8 nghìn tỷ đồng) dự kiến sẽ tạo ra hàng trăm nghìn việc làm, nâng cao năng suất lao động và cải thiện khả năng kết nối vùng.

Ngoài ra, việc triển khai các dự án như sân bay quốc tế Long Thành giai đoạn 1, với tổng vốn đầu tư 114,5 nghìn tỷ đồng, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho ngành du lịch mà còn góp phần tăng cường vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Với sự phối hợp giữa các chính sách vĩ mô, Việt Nam đang trên đà đạt mức tăng trưởng GDP 7,2% vào năm 2025. Đây không chỉ là cơ hội cho các doanh nghiệp nội địa mà còn là môi trường hấp dẫn cho các nhà đầu tư quốc tế, tận dụng tiềm năng phát triển bền vững của nền kinh tế.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn