4 tháng giao dịch sôi động của cổ phiếu Masan (MSN): Dòng tiền dịch chuyển chờ 'cú bật'
Theo báo cáo mới nhất của Chứng khoán BIDV (BSC), nhóm phân tích đưa ra khuyến nghị mua cổ phiếu Tập đoàn Masan (MSN) với giá mục tiêu trung hạn là 100.000 đồng/cp, tiềm năng tăng giá trên 30%.
Tại thời điểm 10h45 phiên 29/5, cổ phiếu MSN tăng 0,7% lên mức 76.000 đồng - cao hơn 18% so với một tháng trước đó.
Luận điểm đầu tư kỳ vọng của BSC được đưa ra dựa trên số liệu giai đoạn 2019-2023 khi Masan đã xây dựng hoàn chỉnh hệ sinh thái trong chuỗi giá trị tiêu dùng gồm MCH, WCM, MML và PHL, ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu CAGR 20% trong cùng thời điểm.
Tập đoàn đã tiến hành tái cấu trúc lại các mảng kinh doanh theo hướng tập trung vào hiệu quả, giảm lượng tăng chất (WCM, PHL…). Chiến lược này tiếp tục được ban lãnh đạo Masan khẳng định tại ĐHCĐ thường niên 2024: "Chúng ta sẽ thúc đẩy lợi nhuận của WinCommerce, Masan MEATLife và Phúc Long hơn nữa để sánh vai cùng Masan Consumer. Khả năng sinh lời sẽ là thước đo quan trọng trong 18 đến 24 tháng tới giúp tối đa hóa giá trị cho cổ đông".
Quỹ đạo kinh doanh của ông lớn ngành bán lẻ đang quay trở lại với việc tập đoàn đặt mục tiêu hơn 4.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cho năm 2024.
Trên thị trường chứng khoán, sau quãng thời gian chiết khấu và tích lũy, giá cổ phiếu MSN đã vượt trở lại đường trung hạn MA200. Đặc biệt trong 4 tháng gần nhất, MSN bắt đầu nhận được sự chú ý lớn trên thị trường chứng khoán. Khối lượng giao dịch trung bình phiên tăng từ 2-6 lần so với 2 năm trước đó, đạt 3-8 triệu cp/phiên. Thậm chí, phiên 5/3 và 17/5, cổ phiếu Masan khớp lệnh trên 12 triệu đơn vị.
Diễn biến giá cổ phiếu MSN |
Trên đồ thị kỹ thuật, chỉ báo MCDX cho thấy các dòng tiền lớn đã quay trở lại trong đó tự doanh và khối ngoại giao dịch tương đối cân bằng trong khi dòng tiền nhà đầu tư cá nhân và tổ chức nội thiên về chiều mua.
Ở nhóm VN30, cổ phiếu MSN hiện là một trong những mã ghi nhận sự hiện diện lớn của nhà đầu tư nước ngoài xét về tỷ lệ sở hữu (trên 28%). Với việc Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam vừa cho phép nới room cổ phiếu từ 46,326% lên 49% hồi giữa tháng 5 vừa qua, giới phân tích cho rằng điều này sẽ tạo thêm động lực giúp Masan thực hiện thạm vọng "đánh chiếm thị phần" quốc tế trong thời gian tới.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn