440 cổ phiếu 'nằm sàn', VN-Index và VN30 cùng rời mốc 1.200

Không có bất kỳ cơ hội nào cho thị trường chứng khoán phục hồi trong phiên giao dịch hôm nay 8/4. VN-Index đóng cửa ở mức 1.132,79 điểm, mất 77,88 điểm. Trên các diễn đàn chứng khoán, con số này nhanh chóng bị lan truyền với cách gọi theo âm Hán Việt - “thất thất bát bát” – phản ánh tâm lý bi quan của các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, điều đáng ngại hơn là chỉ số VN30 đại diện cho nhóm vốn hoá lớn mất tới 83 điểm. Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số chỉ còn 1.197,51 điểm, chính thức rời mốc 1.200. Đây là lần đầu tiên trong gần một năm trở lại đây, VN30 xuyên thủng ngưỡng tâm lý này.

Diễn biến tiêu cực cũng được ghi nhận với các chỉ số trên sàn Hà Nội, khi HNX-Index giảm 15,93 điểm, xuống mức 201,04 điểm, còn UPCOM-Index giảm 6,63 điểm, xuống mức 84,5 điểm.

Không có bất kỳ cơ hội nào cho thị trường chứng khoán phục hồi trong phiên giao dịch 8/4

Thanh khoản toàn thị trường có phần chững lại so với hai phiên giao dịch “bão táp” trước đó, song vẫn duy trì ở mức cao với 27.656 tỷ đồng, cao hơn 18% so với mức trung bình 20 phiên. Trong đó, với hơn 1,16 tỷ cổ phiếu được trao tay, thanh khoản trên HoSE đạt 25.285 tỷ đồng.

Nhìn chung, dòng tiền chủ yếu mang tính chất “tháo chạy” hơn là bắt đáy. Sắc xanh lơ phủ lên 440 cổ phiếu, bao gồm 226 mã trên sàn HoSE, 102 mã trên sàn HNX và 69 mã trên sàn UPCoM. Tại nhóm VN30, VHM may mắn “thoát sàn” vào phút chót, giúp số lượng cổ phiếu “nằm sàn” dừng lại ở con số 24.

Trong khi nhóm ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi chính sách thuế quan mới của Mỹ như dệt may, thủy sản, gỗ, cao su, bất động sản khu công nghiệp,… chưa thể chuyển biến tích cực, một số nhóm ngành được đánh giá là “vùng an toàn” như ngân hàng, thực phẩm, xây dựng,… đã bị cuốn vào vòng xoáy bán tháo.

Tại nhóm khoáng sản, ngay cả những tay “đào vàng” lớn nhất, vốn được cho là sẽ ăn nên làm ra trong bối cảnh giá vàng tăng mạnh vì thương chiến, cũng đã bị “xô đổ”. Duy nhất cổ phiếu HGM của Công ty CP Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang “thoát sàn”.

Cổ phiếu khoáng sản "đổi màu" toàn bộ trong phiên chiều

Giữa làn sóng bán tháo, một số cổ phiếu penny và thanh khoản thấp bất ngờ tăng giá, chẳng hạn như SVI (+6,92%), STG (+6,69%), LM8 (+5,38%), ABR (+2,54%)... Tất nhiên, sự trỗi dậy này là quá nhỏ để tạo lực kéo cho chỉ số.

Trước đà giảm sâu của thị trường, nhiều công ty chứng khoán đã tạm ngừng cho vay margin nhằm kiểm soát rủi ro. Đồng thời, các đơn vị này cũng thực hiện call margin và bán giải chấp (force-sell) đối với những tài khoản đang tiệm cận ngưỡng cảnh báo. Động thái này của các công ty chứng khoán càng làm gia tăng áp lực lên thị trường chứng khoán trong phiên hôm nay.

Về phía nhà đầu tư nước ngoài, khối ngoại tiếp tục duy trì đà bán ròng với tổng giá trị trên 1.700 tỷ đồng. Trong đó, các cổ phiếu bị bán ròng nhiều nhất trong phiên hôm nay gồm MBB (-411 tỷ đồng), VHM (-368 tỷ đồng), FPT (-323 tỷ đồng), STB (-235 tỷ đồng),...

Khối ngoại tiếp tục duy trì đà bán ròng (Nguồn: Wichart)

Diễn biến trong phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ của thị trường chứng khoán Việt Nam tương đồng với những gì đã xảy ra tại các thị trường chứng khoán trong khu vực phiên giao dịch hôm qua. Trở lại sau ngày nghỉ, thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Trung Quốc đều đã lao dốc mạnh.

Tuy nhiên, tín hiệu hồi phụ bắt đầu xuất hiện tại một số quốc gia trong khu vực. Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 bật tăng 5,31%, trong khi chỉ số Topix tăng 5,65%. Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi nhích lên 0,34% và Kosdaq tăng 0,96%. Với những tín hiệu tích cực này, nhà đầu tư có thể kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ sớm có nhịp phục hồi trong phiên giao dịch kế tiếp.

Xem thêm tại vietnamfinance.vn