5 doanh nghiệp trong nhóm VN30 báo lãi tăng trên 100% trong quý III

Tính tới chiều 31/10, toàn bộ các doanh nghiệp nhóm VN30 đã công bố kết quả kinh doanh quý III với 20 doanh nghiệp có mức lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ (lợi nhuận ròng) đạt trên nghìn tỷ một quý.

Trong đó có 5 đơn vị ghi nhận doanh thu thuần giảm so với cùng kỳ gồm: Vinamilk (Mã: VNM), Vincom Retail (Mã: VRE), Petrolimex (Mã: PLX) và hai ngân hàng SHB, VIB.  

7 doanh nghiệp báo lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ (lợi nhuận ròng) tăng trưởng âm quý III gồm: Vinhomes (Mã: VHM), Vincom Retail, Vinamilk, Petrolimex cùng ba ngân hàng ACB, SHB, VIB.

Dù suy giảm lợi nhuận so với cùng kỳ nhưng Vinhomes (Mã: VHM) vẫn là á quân lợi nhuận trên sàn, chỉ sau Vietcombank (Mã: VCB). Doanh nghiệp giải trình giảm biên lãi gộp hoạt động kinh doanh chuyển nhượng bất động sản là yếu tố chính khiến lãi ròng giảm 26% trong khi doanh thu vẫn tăng trưởng.

 Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất các quý.

Sau 6 quý liên tiếp báo lãi ròng trên nghìn tỷ, Vincom Retail chính thức mất mốc lợi nhuận nghìn tỷ trong quý III khi chỉ còn ghi nhận lãi ròng 906 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong quý III, doanh thu từ hoạt động kinh doanh trung tâm thương mại của Vincom Retail tương đương cùng kỳ còn mảng bất động sản thương mại để bán, do đã bàn giao phần lớn dự án Đông Hà (Quảng Trị) trong năm 2023, phần doanh thu từ dự án này không còn nhiều dẫn tới doanh thu mảng bất động sản giảm.

 Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất các quý.

Với ông lớn số 1 ngành sữa, Vinamilk ghi nhận lợi nhuận suy giảm so với cùng kỳ sau 5 quý tăng trưởng liên tục. Cả doanh thu và lợi nhuận giảm trong quý III do thị trường trong nước dướiảnh hưởng của yếu tố thiên tai (cơn bão Yagi) đã tác động tới tâm lý người tiêu dùng. Trái lại, thị trường nước ngoài tăng trưởng doanh thu quý thứ 5. yếu

  Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất các quý.

Petrolimex ghi nhận lợi nhuận giảm tới 91% khi không còn ghi nhận lợi nhuận từ hoạt động thoái vốn PGBank. Ngoài ra, trong bối cảnh giá dầu WTO đầu tháng 7 là 84 USD/thùng, giảm mạnh về vùng 71 USD/thùng vào đầu tháng 8, giữa tháng 8 tăng lên 80 USD/thùng, nhưng sau đó lại giảm mạnh xuống còn 65 USD/thùng tại thời điểm giữa tháng 9 dẫn đến hoạt động kinh doanh của tập đoàn bị lỗ trong khi quý III/2023 giá dầu theo xu hướng tăng nhẹ nên kinh doanh có lãi.

Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh của các công ty thành viên trong ngành hàng nhựa đường, hóa chất của Petrolimex không thuận lợi.

Nguồn: Tổng hợp từ dữ liệu của Wichart và báo cáo tài chính hợp nhất quý III của doanh nghiệp.

Trong nhóm VN30, đơn vị có mức tăng trưởng lợi nhuận đột biến trên 100% so với cùng kỳ gồm: Thế Giới Di Động (Mã: MWG), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Mã: GVR), Tập đoàn Masan (Mã: MSN), Vietjet Air (Mã: VJC), PV Power (Mã: POW). 

Các doanh nghiệp lãi đột biến chủ yếu do mức nền thấp của quý III/2023 và đều đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi. 

Lợi nhuận ròng của Masan đạt 701 tỷ đồng trong quý III, gấp 14,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái nhờ sự tăng trưởng của hoạt động kinh doanh và chi phí lãi vay ròng giảm cùng việc không phát sinh chi phí do biến động tỷ giá hối đoái. Đây cũng là quý có lợi nhuận cao nhất hai năm của Masan. 

Đại diện trong lĩnh vực bán lẻ, MWG lãi ròng 800 tỷ đồng trong quý vừa qua, gấp 20,6 lần cùng kỳdo doanh thu thuần tăng 15%, lợi nhuận gộp tăng 28% so với cùng kỳ và tối ưu chi phí theo chiến lược tái cấu trúc đã đề ra từ đầu năm. 

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất các quý.

Nhờ thị trường hàng không nội địa hồi phục và ghi nhận khoản hoàn nhập dự phòng phải thu khó đòi giúp lợi nhuận Vietjet Air gấp 5,6 lần cùng kỳ lên 572 tỷ, cao nhất kể từ quý I/2021.

Ngoài 20 đơn vị trong nhóm VN30 kể trên thì trên sàn còn một số doanh nghiệp cũng có lợi nhuận ròng quý III trên nghìn tỷ như Novaland (Mã: NVL), Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (Mã: ACV), Masan Consumer (Mã: MCH), LPBank (Mã: LPB). 

Trong đó có hai đại diện từ UPCoM là ACV và MCH. Còn Novaland đã bị loại khỏi nhóm VN30 từ đầu tháng 8/2023.

Riêng Novaland, công ty bất động sản này có lãi kỷ lục chủ yếu do doanh thu tài chính cao hơn cùng kỳ, trong đó đã bao gồm khoản doanh thu tài chính trong nửa đầu năm mà đơn vị kiểm toán điều chỉnh trong báo cáo soát xét trước đó (3.046 tỷ đồng) và tập đoàn đã thực thu trong quý III. 

  Nguồn: Tổng hợp từ dữ liệu của Wichart và báo cáo tài chính hợp nhất quý III của doanh nghiệp.

Xem thêm tại vietnambiz.vn