5 mẹo để biết mình không vô tình bị vấp bẫy thẻ tín dụng 'kiểu Eximbank'
Gần đây, trên mạng xã hội đang xôn xao vụ việc Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank AMC) gửi công văn nhắc nợ tới khách hàng là ông P.H.A (Quảng Ninh) với khoản nợ xấu hơn 8,8 tỷ đồng trong khi dư nợ gốc chỉ vỏn vẹn 8,5 triệu đồng. Cho rằng mình không tiêu thẻ tín dụng, ông P.H.A không thanh toán và sau 11 năm, nợ xấu từ 8,5 triệu lên thành 8,84 tỷ đồng.
Đối với nhiều người, đây có lẽ là khoản tiền tích lũy cả một đời người. Vậy để tránh những 'rắc rối' như vụ việc trên, người dân cần 'bỏ túi' những mẹo sau để không vô tình bị vấp bẫy thẻ tín dụng 'kiểu Eximbank'.
Không đứng tên hộ, không mở thẻ khi không thực sự cần thiết
Một lưu ý cực kỳ quan trọng là không bao giờ được đứng tên mở thẻ hộ người khác. Trường hợp khi phát sinh nợ xấu, thì trách nhiệm sẽ hoàn toàn thuộc về người đứng tên mở thẻ bởi hợp đồng đứng tên và có chữ ký của người mở thẻ.
Khi giao dịch tại ngân hàng, chuyên gia khuyến cáo khách hàng cần đọc kỹ các thông tin trên giấy tờ, trước khi đặt bút ký vào. Chữ ký của khách hàng trên hồ sơ, là một trong bằng chứng pháp lý khi có tranh chấp xảy ra.
>> Eximbank: Thanh tra vào cuộc vụ nợ thẻ tín dụng từ 8,5 triệu đồng lên 8,8 tỷ
Ngoài ra, không nên đăng ký mở thẻ tín dụng nếu không thực sự cần thiết. Một số người cả nể giúp người quen hoàn thành chỉ tiêu, đồng ý mở thẻ mà không có mục đích sử dụng cần thiết.
Thực tế đã có một số trường hợp vì không thường xuyên sử dụng thẻ nên đã quên mất việc từng chi tiêu thông qua thẻ, bỏ qua “thời gian vàng” 45 ngày miễn lãi, dẫn đến lãi chồng lãi phát sinh.
Hiện nay do áp lực chỉ tiêu, không ít nhân viên ngân hàng cố ý “gài” khách mở thẻ tín dụng bằng việc mời khách ký vào một loạt giấy tờ khi đến ngân hàng đăng ký mở tài khoản thông thường. Chỉ đến khi nhận được tấm thẻ tín dụng thì khách hàng mới biết mình từng ký đồng ý mở thẻ tại ngân hàng.
Thiết lập thông báo thanh toán bằng văn bản hoặc email để luôn được nhắc thanh toán đúng hạn
Để đảm bảo an toàn khi mở thẻ tín dụng, khách hàng chú ý đăng ký nhận thông báo biến động số dư hay thông báo sao kê hàng tháng qua tin nhắn, email hoặc qua ứng dụng ngân hàng để được nhắc nhở thanh toán thường xuyên từ ngân hàng.
Khi khách hàng thiết lập thông báo, hàng tháng ngân hàng sẽ gửi sao kê qua các phương tiện mà khách hàng đăng kí. Việc này sẽ hạn chế việc phát sinh các khoản nợ mà chủ thẻ không hay biết.
Nợ quá hạn dù chỉ 1 ngày vẫn sẽ bị tính phí phạt, thông thường là khoảng 5% và lãi suất 20-40% của số dư nợ tối thiểu, tùy ngân hàng.
>> Từ vụ thẻ tín dụng 8,5 triệu bị đòi nợ 8,8 tỷ, người dân cần lưu ý gì khi sử dụng thẻ tín dụng?
Trong trường hợp khách hàng không trả nợ trong 3 kỳ sao kê liên tiếp, ngân hàng sẽ gửi thông báo nhắc nhở thường xuyên thông qua tin nhắn SMS, email hoặc gọi điện thoại để tìm hiểu về nguyên nhân và đề nghị chủ thẻ thanh toán nợ tín dụng.
Thậm chí, nếu khoản nợ của khách hàng quá hạn 6 tháng, ngân hàng có quyền khóa thẻ tín dụng của bạn. Do đó, khách hàng nên ưu tiên thanh toán dư nợ càng sớm càng tốt, ít nhất là thanh toán dư nợ tối thiểu để không bị phạt trả chậm.
Bảng phí nộp phạt trả chậm tại một số ngân hàng |
Liên hệ trả góp dư nợ nếu không đủ khả năng tài chính
Trong trường hợp không đủ tài chính để thanh toán nợ tín dụng quá hạn, khách hàng có thể đến trực tiếp ngân hàng để xin được hỗ trợ trả góp nợ.
Căn cứ theo điều 19 của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN và điều 7 của Thông tư 57/2019/TT-BTC có quy định về các đối tượng được xem xét hỗ trợ trả nợ, cụ thể:
- Khách hàng không có khả năng trả nợ gốc và tiền lãi đúng hạn như thỏa thuận ban đầu nhưng được ngân hàng đánh giá là vẫn có khả năng thanh toán dư nợ.
- Khách hàng bị thiệt hại tài chính do các lý do khách quan như thiên tai, dịch bệnh, tuyên bố phá sản…
- Khách hàng có khoản nợ xấu từ nhóm 3 tới nhóm 5 theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Nếu thuộc các trường hợp trên, ngân hàng sẽ xem xét dựa trên đề nghị của khách hàng và chính sách của ngân hàng để đưa ra phương án giải quyết tối ưu nhất. Tuy nhiên, quy định về điều kiện và đối tượng hỗ trợ của từng ngân hàng có thể sẽ khác nhau nên khách hàng cần đến trực tiếp ngân hàng để trao đổi về các quy định liên quan.
Tra cứu nợ xấu trực tuyến trên website hệ thống Trung tâm tín dụng quốc gia CIC
Khách hàng hoàn toàn có thể tự tra cứu nợ xấu miễn phí trực tuyến trên hệ thống website Trung tâm tín dụng quốc gia (CIC). Hiện, mọi khoản nợ của khách hàng tại ngân hàng, công ty tài chính đều được báo cáo và ghi nhận tại CIC.
Để đăng ký tài khoản xem nợ xấu trên website CIC, khách hàng cần cung cấp thông tin gồm họ tên, ngày sinh, số điện thoại, ... Ngoài ra, cần có ảnh chứng minh thư 2 mặt cùng với ảnh chân dung cá nhân (cầm chứng minh thư) để CIC định danh người đăng ký.
Sau vài ngày đợi xác nhận, tài khoản của khách hàng sẽ được kích hoạt. Lúc này, khách hàng có thể đăng nhập vào CIC và chọn phần khai thác báo cáo, gồm các thông tin về điểm tín dụng, mức độ rủi ro và kiểm tra đang có nợ xấu hay không. Báo cáo này đang được khai thác miễn phí.
Đăng ký dịch vụ thanh toán tín dụng tự động (trích nợ tự động) để không bị quên hoặc trễ hạn thanh toán mỗi tháng
Auto debit (trích nợ tự động) là dịch vụ được cung cấp bởi các ngân hàng. Việc trích nợ qua sao kê thẻ tín dụng là tính năng thanh toán dư nợ của thẻ tín dụng vào mỗi kỳ sao kê qua tài khoản thanh toán. Các khoản chi tiêu từ thẻ tín dụng hàng tháng phải được thanh toán trở lại.
Khi khách hàng đăng ký dịch vụ auto debit sẽ cung cấp thông tin về tài khoản và các khoản nợ hay chi phí định kỳ mà họ muốn ngân hàng trích tiền để thanh toán.
Từ đó, ngân hàng sẽ tự động trích tiền từ tài khoản của khách hàng để thanh toán các khoản nợ hay chi phí đó theo thời gian được định kỳ như hàng tháng, quý hoặc năm. Việc sử dụng dịch vụ này giúp tránh những việc quên trả nợ hay chi phí, giảm thiểu các khoản phí trễ hạn và tăng tính tiện lợi trong việc quản lý tài chính cá nhân.
>> Eximbank (EIB) kinh doanh ra sao giữa 'lùm xùm' vụ tính nợ tín dụng gấp 1.000 lần gốc sau 11 năm?
Xem thêm tại nguoiquansat.vn