5 ngân hàng được cấp thêm room tín dụng cuối năm, mức cao nhất lên tới 21,6%

Mới đây, tại báo cáo cập nhật về ngành ngân hàng, Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS) cho biết, ngày 28/11, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục cấp bổ sung hạn mức tín dụng cho các ngân hàng đã sử dụng từ 80% hạn mức được cấp. Đây là lần cấp hạn mức tín dụng bổ sung thứ 2 trong năm 2024 (lần 1 vào tháng 8/2024).

SHS ước tính có 5 ngân hàng đủ điều kiện được cấp hạn mức tín dụng bổ sung lần này bao gồm: VietinBank (14% lên 16%), ACB (18,4% lên 20,69%), VIB (18,4% lên 21,6%), Techcombank (18,5% lên 20%) và MSB (16,3% lên 18,27%).

Theo SHS, việc được cấp thêm room tín dụng giúp các ngân hàng nói trên mở rộng quy mô kinh doanh, khi mà nhu cầu tín dụng thường cao thời điểm cuối năm.

5 ngân hàng được cấp thêm room tín dụng cuối năm, mức cao nhất lên tới 21,6%
5 ngân hàng có thể được nới room tín dụng. Nguồn: SHS

Nhóm ngân hàng tư nhân, đặc biệt là nhóm cho vay doanh nghiệp như Techcombank (TCB), HDBank (HDB) và LPBank (LPB) đều đã vượt hạn mức năm và đã được nới room tín dụng trong quý IV.

Ngược lại, trong nhóm ngân hàng tư nhân cho vay bán lẻ, VPBank (VPB) tăng trưởng tín dụng 9% (55% hạn mức). Đây là mức khá thấp so với các ngân hàng thương mại khác trong nhóm. Lý do một phần đến từ việc VPBank chủ động giảm dư nợ trái phiếu doanh nghiệp, 9 tháng năm 2024 ghi nhận giảm 47% xuống 18.442 tỷ đồng. Cho vay khách hàng hợp nhất tăng 12,2% (cùng kỳ 2023 tăng 19%).

SHS cũng nhận định, tính đến cuối tháng 9, dư nợ tín dụng bất động sản đạt 3,15 triệu tỷ đồng, chiếm 21% tổng tín dụng. Con số này tăng 15% so với cùng kỳ và 9% so với đầu năm.

Trong đó, tín dụng bất động sản tiêu dùng (cá nhân vay mua nhà, sửa nhà) tăng 7,2% so với cùng kỳ và tăng 4,6% từ đầu năm, lên 1,8 triệu tỷ đồng. Mảng cho vay chủ đầu tư đạt 1,3 triệu tỷ đồng, tăng 28,2% so với cùng kỳ và 16% từ đầu năm.

Lý giải về sự tăng trưởng này, SHS cho biết, thanh khoản thị trường bất động sản nhà ở trong quý III/2024 tăng cả ở phân khúc đất nền và căn hộ chung cư. Nguồn cung sôi động hơn nhờ sự xuất hiện một số dự án mới. Các ngân hàng cũng liên tục có các chính sách hỗ trợ lãi suất, mặt bằng lãi suất cho vay có xu hướng giảm để thu hút khách hàng trong bối cảnh tín dụng yếu.

Liên quan đến Thông tư 2 về tái cơ cấu nợ, SHS cho biết chưa có thông tin từ NHNN về việc gia hạn khi thông tư này hết hiệu lực vào 31/12/2024 hoặc dừng áp dụng Thông tư 02 theo đúng lộ trình dự kiến.

SHS dự báo việc không gia hạn Thông tư 2 có thể làm tăng quy mô nợ xấu và giảm tỷ lệ bao phủ nợ xấu, không ảnh hưởng đến trích lập dự phòng của ngân hàng.

Những ngân hàng như BIDV (BID), Vietcombank (VCB), VietinBank (CTG), Techcombank và ACB ít bị tác động khi thông tư này hết hiệu lực nhờ sở hữu bộ đệm dự phòng vững chắc và sức khỏe tài chính tốt. Trong khi đó, các ngân hàng có tỷ lệ nợ nhóm 2 cao và tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp sẽ chịu áp lực lớn hơn.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn