5 tháng, tăng trưởng tín dụng đạt 2,41%
Trong cuộc họp thường kỳ tháng 5/2024, Chính phủ cho biết tín dụng tính đến cuối tháng 5 chỉ tăng 2,41% so với cuối năm 2023 (tương đương với mức tăng 12,8% so với cùng kỳ). Như vậy, kể từ đầu năm đến nay, dư nợ tín dụng đã tăng thêm hơn 326.800 tỷ đồng, nhưng vẫn xa so với mục tiêu khoảng 2 triệu tỷ đồng sẽ được đưa vào nền kinh tế trong năm nay.
Theo nhiệm vụ Chính phủ đặt ra cho ngành Ngân hàng, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm phải đạt khoảng 5%, phấn đấu giảm lãi suất vay 1%-2%. Với chỉ tiêu này, kết quả hiện chỉ đạt chưa được nửa mục tiêu mà Chính phủ đề ra. Tuy nhiên, một số ngân hàng có tăng trưởng đột biến cận room ngay từ quý I/2024 cho biết, khả năng vẫn tiếp tục tăng tốc thúc đẩy tín dụng cho vay từ tháng 6.
Định hướng tín dụng năm 2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Lãnh đạo NHNN cho hay, với tỷ lệ tăng trưởng tín dụng tính đến cuối năm 2023 đạt 13,5%, tăng 15% so với cuối năm 2022, tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế trong năm 2023 đạt gần 13,6 triệu tỷ đồng, theo đó ước tính 1,3 triệu tỷ đồng đã được bơm ra.
Năm 2024, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 15%, ước tính khoảng 2 triệu tỷ đồng sẽ được đưa vào nền kinh tế. Lãnh đạo NHNN khẳng định, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng cung ứng nguồn vốn đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy tổng cầu.
Theo công bố của NHNN, tính đến ngày 10/5, tăng trưởng tín dụng ở mức 1,95% so với thời điểm đầu năm. Ngành phấn đấu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đến hết quý II/2024 ở mức 5- 6% theo chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả.
Một trong những sáng trong bức tranh tăng trưởng tín dụng còn khó khăn, là tăng cho vay của 2 đầu tàu vùng kinh tế và cả nước là TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, có mức khá hơn so với các địa phương. Tại TP. Hà Nội, theo Cục Thống kê Hà Nội, tính đến cuối tháng 5/2024 tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố ước đạt 3,801 triệu tỷ đồng, tăng 1,14% so với tháng trước và 5,09% so với cuối năm 2023.
Tại TP. Hồ Chí Minh, theo Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh, tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Thành phố tính đến 31/5 ước đạt 3,61 triệu tỷ đồng, tăng 4,5% so với cuối năm 2023. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn ước tính 1,717 triệu tỷ đồng, chiếm 47,6% tổng dư nợ tín dụng, tăng 6,1% so với cuối năm ngoái. Dư nợ trung hạn, dài hạn ở mức 1,892 triệu tỷ đồng, chiếm 52,4% tổng dư nợ, tăng 3,1% so với đầu năm.
TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, mức tăng trưởng tín dụng hiện dù thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, với sức cầu của nền kinh tế. Nếu so sánh số liệu của tháng 5/2024 với cùng kỳ năm ngoái, tăng trưởng tín dụng vẫn đạt gần 13%, đây là mức tăng khá cao so với các nước trong khu vực.
“Chúng ta không nên quá băn khoăn, lo lắng về tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp. Thực tế, đây là sự phục hồi khá tốt trong bối cảnh 2 tháng đầu năm vẫn tăng trưởng tín dụng âm”, TS. Cấn Văn Lực cho biết.
Xem thêm tại tapchitaichinh.vn