6 cổ phiếu tiềm năng cho tháng 7 qua lăng kính chuyên gia, mức sinh lời dự kiến hàng chục %

Tại báo cáo danh mục khuyến nghị tháng 7/2024, Chứng khoán Agriseco (AGR) nhận định TTCK gặp khó khăn khi tiệm cận vùng kháng cự 1.300 điểm và đã có mức giảm gần 60 điểm trong 2 tuần vừa qua.

Hiện nay, mặt bằng định giá thị trường đang về vùng hấp dẫn với mức P/E toàn thị trường đạt 13.9x, các chỉ báo kỹ thuật cho thấy thị trường sắp ở trạng thái quá bán và có thể sớm xuất hiện những nhịp hồi phục trong giai đoạn tới.

Các yếu tố như việc FED hạ lãi suất giúp giảm chênh lệch lãi suất giữa VND và USD, đồng thời những kỳ vọng về việc nâng hạng thị trường trong năm 2025 sẽ giúp tăng tính hấp dẫn của thị trường Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Từ đó, AGR lựa chọn những cổ phiếu tiềm năng trong tháng 7 tập trung vào câu chuyện kỳ vọng kết quả kinh doanh quý II tốt, ưu tiên những doanh nghiệp đầu ngành và định giá đang ở vùng hợp lý để giải ngân.

6 cổ phiếu tiềm năng cho tháng 7 qua lăng kính chuyên gia, mức sinh lời dự kiến hàng chục %
Nguồn: AGR

ACB: Giá mục tiêu 26.500 đồng/cp, tỷ suất sinh lời dự kiến 11,3%

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đạt tăng trưởng tín dụng 3,8% trong quý I/2024, mức tăng trưởng cao từ nhóm các khách hàng doanh nghiệp lớn. Nhóm phân tích ước tính 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của ACB có thể đạt trên 8% và kỳ vọng có thể hoàn thành hạn mức tín dụng được giao 16% trong năm nay.

Biên lãi ròng (NIM) năm nay dự kiến sẽ cải thiện nhẹ so với năm 2023. AGR cho rằng lãi suất cho vay đã tạo đáy và có thể tăng nhẹ từ quý III. Mặt khác, lãi suất huy động đang có dấu hiệu tăng trở lại song sẽ cần thời gian để phản ánh vào chi phí vốn. Do đó, kỳ vọng NIM cả năm được duy trì ổn định ở mức 3,9% - 4,0%.

Tính đến quý I, tỷ lệ nợ xấu (NPL) của ACB đạt 1,45% - thấp hơn so với bình quân toàn ngành với tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) đạt 79%. Kỳ vọng với triển vọng nền kinh tế phục hồi tích cực hơn vào nửa cuối năm và Thông tư 02/2023 được gia hạn đến hết năm 2024 sẽ hỗ trợ tích cực đến khả năng trả nợ của khách hàng, cải thiện chất lượng tín dụng.

Hiện nay, cổ phiếu ACB giao dịch tại mức định giá P/B là 1,4x, khá hấp dẫn so với trung bình cổ phiếu 5 năm gần đây, đồng thời ngân hàng có hiệu suất sinh lời cao với tỷ lệ ROE năm 2023 là 25%.

BSR: Giá mục tiêu 25.000 đồng/cp, tỷ suất sinh lời dự kiến 15,2%

Crackspread của CTCP Lọc hóa Dầu Bình Sơn (BSR) có xu hướng mở rộng vào nửa cuối năm 2024 khi: (1) căng thẳng địa chính trị tại khu vực Trung Đông đang có dấu hiệu leo thang, làm gián đoạn nguồn cung dầu thô từ khu vực sản xuất chính sang nhà máy lọc dầu (NMLD) tại các quốc gia khác, dẫn tới việc thiếu hụt các mặt hàng xăng dầu thành phẩm, (2) trữ lượng tồn kho xăng dầu thành phẩm có xu hướng suy giảm nhờ nhu cầu tiêu thụ tăng cao khi nền kinh tế thế giới đang trên đà hồi phục.

Triển vọng dài hạn từ dự án nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất, dự án dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2028 sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận cho BSR trong dài hạn nhờ: (1) công suất lọc dầu sẽ được nâng lên 171.000 thùng/ngày, tương đương tăng 17% so với công suất hiện tại, hỗ trợ cải thiện biên lợi nhuận của doanh nghiệp trong tương lai khi sản lượng được gia tăng, (2) đa dạng hóa trong lựa chọn nguồn dầu thô đầu vào, đảm bảo nguồn dầu thô cung cấp ổn định và lâu dài trong bối cảnh trữ lượng dầu thô của mỏ Bạch Hổ đang suy giảm mạnh.

BSR đang thực hiện các thủ tục để thúc đẩy quá trình niêm yết trên sàn HoSE. Với vị thế của một doanh nghiệp đầu ngành, AGR kỳ vọng BSR có thể được lọt vào chỉ số VN30 sau khi chuyển sàn, giúp thu hút được dòng vốn ngoại và hỗ trợ đà tăng giá của cổ phiếu trong thời gian tới.

DPR: Giá mục tiêu 47.000 đồng/cp, tỷ suất sinh lời dự kiến 14,9%

Nhóm phân tích kỳ vọng kết quả kinh doanh của CTCP Cao su Đồng Phú (DPR) sẽ tăng trưởng nhờ: (1) mảng cao su tăng trưởng cả về giá và sản lượng, giá bán cao su năm 2024 dự báo tăng svck theo đà tăng giá thế giới trong bối cảnh nguồn cung cao su thiên nhiên thiếu hụt. Sản lượng tiêu thụ dự báo sẽ khả quan nhờ nhu cầu tiêu thụ ngành sản xuất ô tô, lốp xe cải thiện, đặc biệt là ở thị trường Trung Quốc. Lĩnh vực cao su chiếm hơn 70% tổng doanh thu của DPR, kỳ vọng giá bán và sản lượng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kết quả kinh doanh, (2) doanh thu thanh lý cao su dự báo tăng với diện tích khoảng 450-500ha, (3) lợi nhuận được dự báo sẽ tăng trưởng nhờ thu nhập từ bồi thường đất Bình Phước tại khu dân cư Tiến Hưng 1 và 2 ước tính 100 tỷ đồng.

DPR hiện đang quản lý 2 KCN Bắc Đồng Phú và Nam Đồng Phú đã lấp đầy trên 95% và có kế hoạch mở rộng 2 KCN này tổng quy mô gần 800ha. Dự án KCN Bắc Đồng Phú mở rộng đã hoàn thiện pháp lý và đang chờ chấp thuận của Chính phủ, kỳ vọng DPR sẽ ghi nhận doanh thu cho thuê KCN trong năm 2025 nếu dự án sớm được phê duyệt chủ trương đầu tư trong năm 2024.

HPG: Giá mục tiêu 32.000 đồng/cp, tỷ suất sinh lời dự kiến 13,1%

Kỳ vọng sản lượng tiêu thụ của CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) tiếp tục được cải thiện nhờ: (1) thị trường bất động sản nội địa hồi phục, trong tháng 5, sản lượng bán hàng thép xây dựng của Hòa Phát đạt 436.000 tấn, tăng 54% so với cùng kỳ. Lũy kế 5 tháng đầu năm sản lượng thép xây dựng đạt hơn 1,8 triệu tấn, tăng 36,7% so với cùng kỳ là tín hiệu cho thấy thị trường xây dựng trong nước đang sôi động trở lại, (2) kênh xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng trưởng trong giai đoạn tới nhờ nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, châu Âu đẩy mạnh xây dựng hạ tầng, (3) việc đẩy mạnh xây dựng công trình giao thông trọng điểm năm 2024 sẽ là động lực giúp doanh thu của ngành thép tăng trưởng trong giai đoạn cuối năm.

Tính từ đầu năm đến nay, giá than cốc và quặng sắt đã giảm khoảng 22% do nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc vẫn yếu. Trong khi đó, giá thép nội địa đang duy trì xu hướng đi ngang và được dự báo sẽ tăng trong nửa cuối năm 2024 nhờ nhu cầu từ thị trường bất động sản giúp cải thiện biên lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Dự án khu Liên Hợp Dung Quất 2 được kỳ vọng sẽ đi vào hoạt động từ quý I/2025 với công suất là 2,3 triệu tấn/năm và hoàn thành toàn bộ vào tháng 9/2026. Sau khi hoàn thành, năng lực sản xuất thép thô của Hòa Phát sẽ đạt 14 triệu tấn/năm và dự kiến sẽ đóng góp khoảng 80 – 100.000 tỷ đồng doanh thu mỗi năm, là động lực tăng trưởng trong dài hạn của HPG.

MWG: Giá mục tiêu 75.000 đồng/cp, tỷ suất sinh lời dự kiến 20,2%

Lũy kế 5 tháng đầu năm, doanh thu 2 chuỗi Thế giới di động (TGDĐ, bao gồm Topzone) và Điện Máy Xanh (ĐMX) đạt 36.900 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ. Trong quý I/2024, số cửa hàng của TGDĐ và ĐMX tiếp tục giảm do chiến lược tái cấu trúc, đóng cửa các cửa hàng hoạt động kém hiệu quả để tối ưu chi phí của MWG từ cuối năm 2023. Mặc dù số lượng cửa hàng giảm nhưng doanh thu vẫn tăng trưởng cho thấy hiệu quả kinh doanh có sự cải thiện rõ rệt, biên lợi nhuận gộp 2 chuỗi này cũng đã tăng lên mức 19%.

Chuỗi Bách hóa xanh (BHX) tiếp tục là điểm sáng tăng trưởng về doanh thu của toàn bộ công ty. Lũy kế 5 tháng đầu năm, doanh thu đạt 15.800 tỷ đồng, tăng 42%so với cùng kỳ. Riêng trong tháng 5, BHX ghi nhận 3.400 tỷ đồng doanh thu. Doanh thu bình quân đạt 2 tỷ đồng/cửa hàng/tháng, tiếp tục cải thiện so với các tháng trước đó và vượt qua điểm hòa vốn ước tính là 1,8 tỷ đồng/cửa hàng/tháng. Hoạt động tái cấu trúc BHX đang đi đúng hướng và giúp chuỗi này cải thiện hiệu quả kinh doanh rõ nét.

Trong quý đầu năm, chuỗi Era Blue đã có 55 cửa hàng bao gồm mô hình mini và supermini. Trong đó, mô hình mini đang có doanh thu 4,5 tỷ đồng/tháng/cửa hàng, mô hình supermini có doanh thu 2,5 tỷ đồng/tháng/cửa hàng, đây là mức doanh thu khá tốt so với các cửa hàng tại Việt Nam. Mặc dù ghi nhận mức lỗ 45 tỷ đồng trong quý I, ban lãnh đạo MWG dự kiến chuỗi này có thể sớm đạt điểm hòa vốn từ cuối năm 2024. Ngoài ra, tiềm năng tăng trưởng ở thị trường Indonesia là rất lớn khi thị trường này còn phân mảnh.

VCS: Giá mục tiêu 85.000 đồng/cp, tỷ suất sinh lời dự kiến 15,6%

Kỳ vọng kết quả kinh doanh quý II CTCP Vicostone (VCS) tiếp tục phục hồi nhờ hoạt động xuất khẩu chuyển biến tích cực. AGR kỳ vọng VCS tiếp tục phục hồi khi hiện tại doanh thu xuất khẩu trong tháng 5 đầu năm ghi nhận tăng trưởng tích cực với mức tăng 25% và 7% so với cùng kỳ.

Với việc mua lại nhà máy Phenikaa Chemical sản xuất nhựa UP - một trong những vật liệu đầu vào quan trọng để sản xuất đá nhân tạo chiếm 40-50% chi phí đầu vào, VCS có thể cải thiện biên lợi nhuận đáng kể. Theo ban lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ, đây là nhà máy sản xuất nhựa UP duy nhất ở Việt Nam, công suất giai đoạn 1 đạt 25.000 tấn/năm nhưng cũng chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu thị trường.

VCS hiện đang được giao dịch với mức P/B là 2,3x và P/E là 13x đều ở mức thấp hơn trung bình quá khứ 5 năm trở lại đây. Ngoài ra, VCS cũng sở hữu cơ cấu tài chính lành mạnh và trả cổ tức tiền mặt đều hàng năm với suất cổ tức khoảng 5-6%/năm, đây là mức tương đối hấp dẫn ở giai đoạn hiện tại.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn