80 chuyến tàu bị hủy, 800.000 container biến mất: Chuyện gì đã xảy ra?

Theo công ty vận tải HLS Group, đã có tổng cộng 80 chuyến tàu bị hủy từ Trung Quốc. Trong một thông báo gần đây gửi khách hàng, HLS cho biết cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khiến nhu cầu vận chuyển sụt giảm nghiêm trọng, buộc các hãng tàu phải tạm ngừng hoặc điều chỉnh các tuyến vận tải xuyên Thái Bình Dương.

80 chuyến tàu bị hủy, 800.000 container biến mất: Chuyện gì đã xảy ra? - ảnh 1
Nhà ga container xuất nhập khẩu của Cảng Longtan, Trung Quốc

Liên minh vận tải biển lớn ONE đã thông báo “tạm ngừng vô thời hạn” tuyến vận tải từng dự kiến sẽ được khôi phục vào tháng 5, bao gồm các cảng Thanh Đảo, Ninh Ba, Thượng Hải, Busan, Vancouver và Tacoma. Trong khi đó, một tuyến hiện có cũng đang lên kế hoạch bỏ qua cảng Wilmington (Bắc Carolina).

Việc lưu lượng container giảm mạnh vào Bắc Mỹ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng, từ cảng biển cho đến các công ty logistics.

Với mỗi chuyến tàu chở khoảng 8.000–10.000 TEU (đơn vị container 20 feet), việc hủy 80 chuyến tương đương giảm từ 640.000 đến 800.000 container, kéo theo giảm hoạt động cần cẩu tại cảng, phí thu giảm, và ít lượt xe tải, đường sắt vận chuyển hàng đến kho bãi hơn.

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cảnh báo hôm thứ Tư rằng triển vọng thương mại toàn cầu đang "xấu đi rõ rệt" do chính sách thuế mới của Mỹ. Cổ phiếu công ty vận tải đường bộ JB Hunt giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020 sau khi ban lãnh đạo bày tỏ lo ngại về sự bất ổn do thuế quan gây ra.

“Chúng tôi không thể dự đoán chính xác việc sụt giảm đơn hàng sẽ ảnh hưởng đến lịch trình tàu biển thế nào”, Alan Murphy, CEO của Sea-Intelligence chia sẻ. “Không có mô hình nào để dự báo. Điều chắc chắn là phần lớn container trên các tuyến tàu từ châu Á sang Mỹ đều xuất phát từ Trung Quốc. Chúng ta không về 0, nhưng sẽ chứng kiến sự sụt giảm lớn về số chuyến, kéo theo làn sóng hủy chuyến hàng loạt.”

Hiện Trung Quốc chiếm khoảng 30% tổng nhập khẩu container hóa vào Mỹ (giảm từ 37% năm 2018), và chiếm 54% trong tổng nhập khẩu container từ châu Á (giảm từ 67%).

80 chuyến tàu bị hủy, 800.000 container biến mất: Chuyện gì đã xảy ra? - ảnh 2
Tỷ lệ tổng lượng nhập khẩu của Hoa Kỳ theo khu vực toàn cầu

Bruce Chan, Giám đốc Logistics toàn cầu tại Stifel, cho rằng chính sách thuế đã tạo ra tâm lý bất ổn lớn về nhu cầu tiêu dùng, khiến các nhà bán lẻ dè dặt trong tích trữ hàng, đặc biệt sau “cú sốc tồn kho” hậu COVID từ 2021–2022.

“Sự bất ổn này đang hiện rõ qua các chuyến tàu container bị hủy trên những tuyến trục xuyên Thái Bình Dương, và có thể dẫn đến mức sụt giảm hai con số trong lượng hàng nhập khẩu từ tháng tới,” ông nói.

Từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4, lượng đơn đặt chỗ vận chuyển trên các tuyến thương mại toàn cầu và Mỹ đã sụt giảm mạnh. Một số ngành hàng giảm trên 50%, bao gồm thời trang & phụ kiện; len, vải & dệt may. Các mặt hàng chính từ Trung Quốc như quần áo, đồ chơi, nội thất và dụng cụ thể thao đang bị ảnh hưởng nặng nề.

80 chuyến tàu bị hủy, 800.000 container biến mất: Chuyện gì đã xảy ra? - ảnh 3
Vé tàu thay đổi theo tuần

Do lượng container giảm, các hãng tàu không chỉ hủy chuyến mà còn phải điều chỉnh hoặc xóa bỏ tuyến hàng hải, gọi là “vessel string”, như tuyến của ONE từ Trung Quốc đến Vancouver và Tacoma. Những tuyến này cần lên kế hoạch trước nhiều tháng và khi bị hủy, sẽ ảnh hưởng đến cả chiều xuất khẩu hàng từ Mỹ sang châu Á.

Các hãng tàu cần đầy tải để đảm bảo lợi nhuận, nên không thể sử dụng tàu lớn nếu không có đủ hàng. Để tối ưu tải, họ có thể giãn lịch tàu, hủy chuyến, dùng tàu nhỏ hơn hoặc chạy chậm để kéo dài thời gian.

Theo Murphy, 99% tuyến vận tải biển hoạt động hàng tuần và mỗi chuyến khứ hồi mất khoảng 7 tuần.

“Trong thời kỳ COVID, các hãng tàu từng đưa tàu vào bảo dưỡng”, Murphy nói. “Giờ họ có thể hủy chuyến, loại bỏ tuyến, dùng tàu nhỏ hoặc giảm tốc hành trình”.

Những biện pháp này làm giảm công suất tàu vận chuyển, khiến giá cước có thể biến động khó lường. Dù lý thuyết là giá sẽ giảm khi ít chuyến hơn, nhưng trong COVID, việc hủy chuyến kéo dài từng khiến giá container tăng vọt lên đến 30.000 USD. Khi đó, nhiều chủ hàng tố các hãng tàu cố ý hủy chuyến lâu hơn cần thiết.

Việt Nam đang vươn lên

Tình hình nhu cầu và giá cả trong chuỗi cung ứng toàn cầu hiện rất biến động, đặc biệt chịu ảnh hưởng từ chính sách thuế. Trong bối cảnh thương mại Trung Quốc gặp khó, một chỉ số giá cước vận tải biển cho thấy Việt Nam đang tăng tốc từ đầu tháng 4.

Giá cước “mid-low” từ Việt Nam đã tăng 43% kể từ ngày 30/3. Theo Xeneta, đơn vị theo dõi dữ liệu thị trường, mức tăng này cho thấy “sức nóng” đang dồn về Việt Nam.

80 chuyến tàu bị hủy, 800.000 container biến mất: Chuyện gì đã xảy ra? - ảnh 4
Vận chuyển đến các cảng Los Angeles và Long Beach

Peter Sand, nhà phân tích trưởng tại Xeneta, cho biết xu hướng này tiếp diễn sau khi ông Trump tuyên bố tạm hoãn áp thuế "có đi có lại" với các quốc gia ngoài Trung Quốc trong vòng 90 ngày. “Cả doanh nghiệp lớn lẫn nhỏ đều tranh thủ nhập hàng trước, khiến giá cước tăng vọt”, ông nói.

Tuyến vận tải container từ TP.HCM đến cảng Los Angeles đã tăng giá 24% vào đầu tháng 4. Dữ liệu năm 2025 của Xeneta cũng cho thấy khoảng cách giá cước giữa cảng Thượng Hải (Trung Quốc) và cảng TP.HCM (Việt Nam) tới các cảng Mỹ như LA và Long Beach đang thu hẹp dần.

Dù chi phí tăng, các nhà nhập khẩu Mỹ vẫn tiếp tục tìm nguồn hàng từ những quốc gia ngoài Trung Quốc, bởi môi trường chính sách quá khó lường. “Không loại trừ khả năng Mỹ sẽ áp thuế cao trở lại trong 90 ngày tới, hoặc sớm hơn”, Sand cảnh báo.

Theo CNBC

Xem thêm tại nguoiquansat.vn