ABS: VN-Index cần thêm nhiều tuần tích lũy, gợi ý 12 cổ phiếu tiềm năng sinh lời 20-46% trong tháng 5
Kết thúc tháng 4, thị trường chứng khoán giảm trở lại sau 5 tháng tăng liên tiếp trước đó. VN-Index đóng cửa giảm 74,57 điểm (-5,81%) về mốc 1.209,5 điểm. Có thời điểm chỉ số giảm hơn 100 điểm về mức 1.166 trước khi hồi phục.
Điểm nhấn tháng 4
Kinh tế Mỹ cho thấy nhiều dấu hiệu tiêu cực: Tăng trưởng kinh tế Mỹ chậm lại, trong khi lạm phát liên tục tăng cao hơn dự kiến, khả năng rất cao Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ chỉ hạ lãi suất 1 lần trong năm nay vào tháng 11 hoặc thậm chí giữ nguyên mức lãi suất cao lịch sử này trong suốt năm 2024. Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục vật lộn với thị trường bất động sản trì trệ và sản xuất tiếp tục suy giảm ở châu Âu. Điểm sáng là CPI tiếp tục giảm ở EU và Anh và nhiều khả năng ECB sẽ bắt đầu giảm lãi suất từ tháng 6 này.
Đầu tư FDI là điểm sáng của kinh tế Việt Nam: Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD - tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua. Ngược lại, tỷ giá vẫn là một vấn đề nhức nhối khi cặp VND/USD tiếp tục thiết lập đỉnh lịch sử và bắt buộc NHNN phải can thiệp. Lạm phát và lãi suất đều tăng.
Thị trường chứng khoán phân hóa với áp lực bán tăng cao. VN-Index ghi nhận một số phiên điều chỉnh với biên độ dao động lớn sau khi tích lũy không thành công tại vùng 1.235-1.280 điểm.
Biểu đồ tuần chỉ số VN-Index |
Khối ngoại bán ròng lớn trong khi nhà đầu tư cá nhân và tự doanh chứng khoán là bên hấp thụ lực cung.
Các nhóm ngành chính như bất động sản, ngân hàng đều giảm điểm với tỷ trọng dòng tiền bán khá lớn. Tuy vậy, thị trường vẫn xuất hiện một vài nhóm ngành tăng điểm nổi bật như công nghệ thông tin (+6,9%), bán lẻ (+8,9%), du lịch (+10,9%) với những câu chuyện về công nghiệp bán dẫn, nhu cầu tiêu dùng tiếp tục tăng trưởng trong tháng 4/2024 và sự hồi phục từ nhu cầu du lịch trong nước lẫn quốc tế.
Biến động giá và dòng tiền tại các nhóm ngành trong tháng 4/2024 (Nguồn: ABS) |
2 kịch bản trong tháng 5
- Kịch bản 1 (xác suất thấp): Trong kịch bản tích cực, trong ngắn hạn, thị trường chung tiếp tục đà hồi phục với khối lượng giao dịch cải thiện dần. VN-Index hồi phục lên tới vùng kháng cự 1.287-1.293 thậm chí 1.305-1.315 điểm với sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và nhóm cổ phiếu giữ đà tăng trưởng trong 3 tuần vừa qua.
- Kịch bản 2 (xác suất cao): Quá trình hồi phục kỹ thuật diễn ra không có sự đồng pha trên các khung giao. Thị trường tiềm ẩn rủi ro tâm lý sau nhịp điều chỉnh đầu tiên trong tháng 4.
Ở kịch bản này, thị trường sẽ tiếp tục điều chỉnh nhịp thứ 2, hoàn thành kết cấu điều chỉnh trung hạn với tổng biên độ 160 (+/-) điểm tính từ vùng đỉnh, trong 8-9 tuần tiếp theo. Theo đó, nhà đầu tư nên lưu ý quan sát vùng 1.130-1.080 là vùng hỗ trợ xu hướng quan trọng.
Tựu chung, vùng dao động của VN-Index sẽ từ hỗ trợ 1.080 đến kháng cự 1.315 điểm.
ABS khuyến nghị, ở cả 2 kịch bản trên, nhà đầu tư đang có vị thế giao dịch ngắn hạn cần quan sát tín hiệu phản ứng của thị trường khi VN-Index khi tiệm cận các ngưỡng kháng cự; sẵn sàng thoát vị thế khi xuất hiện áp lực cung gia tăng và chinh phục thất bại các vùng kháng cự.
Trong khi đó, nhà đầu tư trung hạn/dài hạn, (tham gia tại vùng VN-Index 1.020-1.040 điểm) có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu và quan sát vùng kháng cự quan trọng tiếp theo của VN-Index.
Một số nhóm cổ phiếu được khuyến nghị xem xét giải ngân trong trường hợp VN-Index điều chỉnh về vùng hỗ trợ 1.080-1.180 gồm: Điện, xuất khẩu, ngân hàng, công nghệ - viễn thông, bất động sản khu công nghiệp, chăn nuôi. REE, VSH, VCS, PTB, TCB, ACB, VGI, CMG, ELC, BAF, GVR, SZC là các cổ phiếu được khuyến nghị với mức lợi nhuận kỳ vọng từ 20-46%.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn