ACB ‘hút’ thêm 800 tỷ đồng từ kênh trái phiếu

Thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa công bố thông tin kết quả phát hành trái phiếu Đợt 4 Lần 3 năm 2024.

Theo đó, ngày 19/11/2024 ACB đã phát hành thành công 800 trái phiếu mã ACBL2429015, mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, tổng giá trị phát hành 800 tỷ đồng. Lô trái phiếu có kỳ hạn 5 năm, lãi suất cố định 6%/năm, dự kiến đáo hạn ngày 19/11/2029.

Trước đó, ngày 4/11/2024 ACB đã phát hành thành công trái phiếu Đợt 2 Lần 3 năm 2024 với lô trái phiếu mã ACBL2426013. Lô trái phiếu gồm 1.500 trái phiếu này với mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, tổng giá trị phát hành 1.500 tỷ đồng. Với kỳ hạn 2 năm, lãi suất 5%/năm, lô trái phiếu này dự kiến đáo hạn ngày 4/11/2026.

Chỉ sau đó 2 ngày, ACB cũng đã phát hành thành công trái phiếu Đợt 3 Lần 3 năm 2024 với lô trái phiếu mã ACBL2426014. Lô trái phiếu gồm 2.000 trái phiếu, mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, tổng giá trị phát hành 2.000 tỷ đồng. Cũng với kỳ hạn 2 năm, lãi suất 5%/năm, lô trái phiếu dự kiến đáo hạn ngày 6/11/2026.

ACB ‘hút’ thêm 800 tỷ đồng từ kênh trái phiếu- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Xa hơn nữa, ngày 30/10/2024 ACB đã phát hành thành công 1.500 trái phiếu mã ACBL2426012, mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu. Tổng giá trị lô trái phiếu là 1.500 tỷ đồng, lãi suất 5%/năm, kỳ hạn 2 năm, dự kiến đáo hạn 30/10/2026.

Ngày 23/10/2024, ACB đã phát hành thành công 500 trái phiếu mã ACBL2426011 với mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu. Giá trị phát hành là 500 tỷ đồng, kỳ hạn 2 năm, dự kiến đáo hạn ngày 23/10/2026.

Theo thống kê trên HNX, kể từ đầu năm 2024 đến nay, ACB đã phát hành tổng cộng 15 lô trái phiếu với tổng giá trị phát hành là 24.640 tỷ đồng. Các lô trái phiếu này có kỳ hạn từ 2-5 năm, lãi suất dao động từ 4,5-6,1%/năm.

Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024, thu nhập lãi thuần của ACB tăng 11% lên mức 6.881,4 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động khác tăng lên gần 202,8 tỷ đồng, tăng 38%.

Tuy nhiên, các hoạt động kinh doanh khác của ACB lại ghi nhận sự suy giảm. Cụ thể, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 2% về gần 747,2 tỷ đồng; lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối giảm tới 47% về còn hơn 166,6 tỷ đồng; lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư giảm mạnh nhất từ 882 tỷ đồng về chỉ còn 47,2 tỷ đồng...

Các chỉ số trên suy giảm khiến cho lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm từ 5.556 tỷ đồng về mức 5.202 tỷ đồng.

Dù đã giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng 31% xuống còn 358 tỷ đồng nhưng lợi nhuận trước thuế của ACB vẫn giảm gần 4% so với cùng kỳ xuống 4.844 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của ngân hàng cũng giảm mức tương tự xuống 3.870,4 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần của ACB ở mức 20.714,4 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ. Nhờ mức lợi nhuận kỷ lục trong quý II mà lợi nhuận trước thuế của 9 tháng đạt 15.334,6 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ và hoàn thành 69,7% so với mục tiêu lợi nhuận 22.000 tỷ đồng.

Tại thời điểm 30/9/2024, tổng tài sản của ACB ở mức 77.393 tỷ đồng, tăng 8,1% sau 9 tháng. Trong đó, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước giảm gần 55% chỉ còn 8.392 tỷ đồng; tiền gửi và cho vay các tổ chức tín dụng khác cũng giảm gần 20% còn 92.090 tỷ đồng.

Tiền gửi của khách hàng đạt gần 512.124 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm. Cùng chiều, cho vay khách hàng cũng tăng 13,6% lên mức 548.247 tỷ đồng.

Về chất lượng nợ cho vay (không bao gồm 7.608,5 tỷ đồng cho vay giao dịch ký quỹ của Công ty TNHH Chứng khoán ACB), tổng nợ xấu đạt 8.275,4 tỷ đồng, tăng 40,5% so với đầu năm; tương ứng tỷ lệ nợ xấu/dư nợ vay tăng từ 1,22% lên mức 1,5%.

Khánh Hân 

Xem thêm tại antt.nguoiduatin.vn