ACB lãi trước thuế hơn 20.000 tỷ đồng, mảng chứng khoán đầu tư mang về hơn 2.600 tỷ

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB - Mã: ACB) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2023 với lợi nhuận sau thuế đạt 4.006 tỷ đồng, tăng 39,6% so với cùng kỳ. Lợi nhuận cả năm của ngân hàng ở mức 16.045 tỷ đồng, tăng 17,2% so với năm ngoái. 

Nếu sử dụng chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế, trong quý IV, ACB đã thu về 5.044 tỷ đồng, còn cả năm là 20.068 tỷ đồng. Với kết quả trên, ngân hàng đã hoàn thành 100% kế hoạch năm. Trong bảng xếp hạng lợi nhuận, ACB đang là nhà băng cổ phần xếp thứ ba, sau MB và Techcombank. Nếu tính cả nhóm Big4, lợi nhuận ACB sẽ đứng thứ 7.

Xét riêng trong quý IV, mặc dù thu nhập lãi thuần của ngân hàng giảm 2,6%, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 21,5% và lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối giảm 94,3%, tuy nhiên, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư tăng mạnh đã hỗ trợ cho tổng thu nhập hoạt động. 

Cụ thể, trong quý IV, ACB đã thu về 1.358 tỷ đồng lãi thuần từ hoạt động này, so với khoản lỗ 2,7 tỷ đồng vào năm ngoái. Đồng thời, hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh đã thu hẹp khoản lỗ từ 110 tỷ đồng xuống 14 tỷ đồng.

Ngoài ra, các hoạt động khác của ngân hàng ghi nhận khoản lỗ gần 14 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi gần 141 tỷ đồng.

ACB ghi nhận tổng thu nhập hoạt động quý IV ở mức 8.379 tỷ đồng, tăng 5,7% so với cùng kỳ, trong khi chi phí hoạt động giảm 25,9%, xuống 3.013 tỷ đồng, chủ yếu nhờ việc cắt giảm chi phí hoạt động quản lý công vụ. 

Nhờ đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của ACB đạt 5.365 tỷ đồng, tăng 38,9% so với cùng kỳ. Mặc dù chi phí dự phòng rủi ro tăng thêm 28,4%, nhưng khoản mục này không tác động quá lớn tới lợi nhuận của ACB. 

Kết quả kinh doanh quý IV và cả năm của ACB. 

Xét cả năm 2023, tăng trưởng lợi nhuận của ACB chủ yếu đến từ thu nhập ngoài lãi tăng 48% so với cùng kỳ. Tỷ trọng đóng góp của thu nhập ngoài lãi vào doanh thu là 24%, nhờ vậy, áp lực lên mảng thu nhập từ lãi giảm. Trong đó, dịch vụ mua bán ngoại tệ và hoạt động đầu tư đóng góp lớn vào tăng trưởng thu nhập của ACB.

Thu nhập lãi thuần cũng ghi nhận kết quả tích cực nhờ mức tăng trưởng tín dụng 17,9%. Ngoài ra, chi phí hoạt động được tối ưu cũng hỗ trợ lớn cho lợi nhuận của ngân hàng. Mặc dù chi phí dự phòng gấp 25 lần so với cùng kỳ (do hai quý đầu năm ACB được hoàn nhập 270 tỷ đồng chi phí) nhưng ảnh hưởng từ khoản mục này đến lợi nhuận trước thuế vẫn không quá lớn.

Tỷ lệ ROE của ACB ở mức gần 25%, tiếp tục là một trong những ngân hàng hoạt động hiệu quả đầu ngành.Năm 2023, số lượng khách hàng tại ACB tăng thêm 28% so với năm 2022, trong đó 63% khách hàng mới đến từ kênh online.

Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của ngân hàng đạt 719.000 tỷ đồng, tăng 18,2% so với đầu năm. Trong đó, quy mô tín dụng của ACB đạt gần 488.000, tăng 17,9%. Đây là mức tăng trưởng tín dụng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

ACB cho biết kết quả này nhờ chính sách cho vay linh hoạt với tình hình thị trường, bên cạnh nhiều chương trình ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, trong đó có gói tín dụng 50.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi giảm đến 3%/năm để cùng khách hàng vượt qua khó khăn.

Quy mô huy động đến cuối năm 2023 của ACB đạt gần 483.000, tăng 16,6% so với đầu năm, cao hơn mức tăng trưởng toàn ngành. Trong đó, tỷ lệ CASA tăng trưởng mạnh mẽ, ở mức 22% và đứng TOP 5 về tỷ lệ CASA toàn ngành.

Một số chỉ tiêu tài chính của ACB.

Cùng với những khó khăn chung của nền kinh tế, số dư nợ xấu của ACB gần gấp đôi lên 5.887 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu mức 1,21% trong năm 2023, tuy nhiên ACB vẫn là một trong những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất thị trường. 

Tỷ lệ LDR đạt mức 78% (dưới mức 85% so với quy định), tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn chiếm 17% (thấp hơn nhiều so với mức quy định 30%). Năm 2023 ghi nhận chi phí hoạt động của ACB giảm 6,3% so với 2022, nhờ đó tỷ lệ CIR được cải thiện còn 33%, giảm so với mức 40% vào cuối năm 2022.

Trong năm 2023, cả hai tổ chức Fitch và Moody’s đều xếp hạng triển vọng ổn định (outlook stable) đối với ACB dựa trên đánh giá về hoạt động kinh doanh, chất lượng tài sản vững chắc, khả năng sinh lời tốt và năng lực quản trị rủi ro cao.

Tháng 12/2023, Fitch Ratings đã nâng Xếp hạng hỗ trợ Chính phủ (GRS) của ACB từ mức “b+” lên “bb- ”. Hành động này phản ánh quan điểm của Fitch Ratings về khả năng cải thiện của nhà nước trong việc hỗ trợ ngân hàng trong những thời điểm cần thiết.

Tính đến cuối năm 2023, ACB có 13.655 lao động, tăng hơn 600 người so với đầu năm. Tuy nhiên, chi phí trung bình cho một lao động được giảm từ 40,2 triệu đồng xuống 38,8 triệu đồng.

Xem thêm tại vietnambiz.vn