AGG liên tục giảm giá, Chủ tịch chi hơn 460 tỷ mua gom cổ phiếu
Giao dịch sẽ được thực hiện theo phương thức mua lại từ bên bán là Công ty cổ phần Quản lý và đầu tư Trường Giang, thời gian dự kiến giao dịch từ ngày 5/12/2024 đến ngày 1/1/2025. Nếu giao dịch thành công, ông Sáng sẽ nâng sở hữu tại An Gia từ gần 11,68 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 7,18% lên hơn 42,5 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 26,12%.
Trước đó, Công ty cổ phần Quản lý và đầu tư Trường Giang đã đăng ký bán toàn bộ 37.624.852 cổ phiếu AGG đang nắm giữ, tương ứng tỷ lệ 23,15% từ ngày 4/12/2024 đến 1/1/2025 theo phương thức thỏa thuận, qua đó muốn giảm sở hữu tại An Gia xuống còn 0%.
Trên thị trường chứng khoán, sau khi đạt đỉnh 37.800 đồng/cp vào tháng 2/2022, cổ phiếu AGG liên tục giảm giá. Tính riêng 1 quý trở về đây, cổ phiếu AGG đã giảm khoảng 14% và đóng cửa phiên giao dịch ngày 3/12 ở mức 14.900 đồng/cp. Tạm tính với mức thị giá này, ước tính ông Sáng sẽ phải chi khoảng 460 tỷ đồng để mua vào lượng cổ phiếu AGG như đã đăng ký.
Đáng chú ý, không chỉ ông Sáng, trước đó bà Nguyễn Quỳnh Giang, Giám đốc Khối thương mại công ty cũng đã đăng ký mua 2 triệu đơn vị để tăng sở hữu từ 0,48% lên 1,71%; bà Nguyễn Mai Giang, Phó Tổng Giám đốc công ty cũng đăng ký mua hơn 3,1 triệu cổ phiếu tăng sở hữu từ 1,5% lên 3,43% và bà Nguyễn Hương Giang, Giám đốc Phòng Dịch vụ Khách hàng mua 1,67 triệu cổ phiếu tăng sở hữu từ 0,53% lên 1,55%. Đây đều là 3 người chị ruột của ông Sáng.
Về tình hình kinh doanh, An Gia đã kết thúc mùa kinh doanh quý III/2024 với kết quả “khiêm tốn” so với cùng kỳ năm trước khi doanh thu thuần đạt 268 tỷ đồng, giảm tới 85%; lãi sau thuế 24 tỷ đòng, giảm 88% so với cùng kỳ.
Luỹ kế 9 tháng, doanh thu thuần đạt 1.750 tỷ đồng, giảm 53%; lãi sau thuế đạt 240 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ năm trước. So với kế hoạch năm, An Gia đã vượt chỉ tiêu.
Đáng chú ý, báo cáo tài chính được An Gia công bố cho thấy tính đến 30/9/2024, công ty có khoản phải thu lên tới 5.717 tỷ đồng, chiếm 79,3% tổng tài sản. Trong đó, các khoản phải thu về cho vay là 2.906 tỷ đồng, tập trung phần lớn cho Công ty Gia Linh (2.554 tỷ đồng). An Gia thuyết minh đây là khoản cho vay nhằm phát triển dự án The Lá Village (tức BC27).
Cùng với Gia Linh và cùng cho The Lá Village, An Gia cũng cho Công ty Nhà An Gia vay 100 tỷ đồng. Như vậy, chỉ riêng dự án The Lá Village đã hút của An Gia 2.654 tỷ đồng, thông qua việc cho vay 2 công ty liên quan trên.
Trong tháng 10, An Gia đã lấy ý kiến cổ đông và được thông qua phương án phát hành 40,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp. Vốn điều lệ dự kiến tăng lên hơn 2.000 tỷ đồng. An Gia cho biết muốn huy động 406 tỷ đồng để trả nợ vay ngân hàng (148 tỷ đồng), đầu tư góp vốn vào công ty con – Công ty cổ phần Tư vấn AGI & HSR (68 tỷ đồng), đầu tư vào công ty con – Công ty TNHH Western City (190,3 tỷ đồng). Thời điểm giải ngân dự kiến trong quý I hoặc quý II năm sau.
An Gia cũng cho biết trong trường hợp việc chào bán không đủ thì thứ tự ưu tiên sử dụng vốn sẽ là trả nợ vay ngân hàng, sau đó đến đầu tư vào AGI & HSR và Western City.
An Gia cũng vừa hoàn tất đợt phát hành 6,1 triệu cổ phiếu ESOP trong tháng 10, nguồn thực hiện từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại thời điểm 31/12/2023. Lượng cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế giao dịch trong 1 năm và được phân bổ cho 10 người, chủ yếu là người nhà ông Sáng. Đó là ông Nguyễn Bá Sáng nhận 882.280 cổ phiếu, bà Nguyễn Mai Giang nhận 1,8 triệu đơn vị, bà Hồ Thị Nguyệt Anh – vợ ông Sáng nhận 1 triệu đơn vị, bà Nguyễn Quỳnh Giang và bà Nguyễn Hương Giang mỗi người nhận 530.380 cổ phiếu, ông Nguyễn Thành Châu – anh rể ông Sáng nhận 200.000 đơn vị.
Xem thêm tại vietnamfinance.vn